Mù Cang Chải tăng cường bảo vệ rừng pơ mu đại thụ
Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Chế Tạo. Hầu hết số cây quý này đều có trên 100 năm tuổi, có những cây đường kính trên 2m. Hướng tới đề nghị công nhận 'Cây di sản Việt Nam', UBND huyện Mù Cang Chải đang chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền sở tại tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ loài cây này.
Ông Sùng A Thênh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Pơ mu là một trong những loại gỗ quý trong nhóm A2, mọc ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển của hầu hết các cánh rừng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên, do tác động của con người và thiên nhiên nên hiện nay số lượng cây mọc tự nhiên trên địa bàn không còn nhiều. Để bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm này, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã vận động nhân dân tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt loại cây này”.
Cũng theo ông Thênh, qua khảo sát thực tế, hiện địa bàn huyện có trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở 6 bản của xã Chế Tạo là Tà Dông, Chế Tạo, Pú Vá, Kể Cả, Háng Tày và Nả Háng. Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 50 km, là xã có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Thôn Nả Háng, xã Chế Tạo có 32 hộ dân, tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, người dân trong bản luôn có ý thức bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ những cây pơ mu quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm.
Ông Giàng Mào Sở, bản Nả Háng chia sẻ: "Năm nay tôi 65 tuổi, khi lớn lên đã thấy nhiều cây pơ mu rất to. Trong thôn, ai cũng bảo nhau đây là loài cây quý hiếm nên hộ nào cũng chú trọng công tác bảo vệ. Đặc biệt, hàng năm dưới sự hướng dẫn cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã, cứ đến mùa khô hanh, tôi và người dân trong bản lại tập trung phát dọn cỏ, thu dọn thực bì, làm đường băng cản lửa; tuyệt đối không đốt nương làm rẩy. Người dân trong bản luôn tập trung cao độ để giữ rừng, không để xảy ra cháy”.
Ông Giàng A Dì - Trưởng bản Nả Háng cho biết: Nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, bản chúng tôi là bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Chế Tạo, cách trung tâm xã gần 20 km đường mòn dốc, núi đá với 32 hộ dân, trên 160 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông. Vì nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn nên nơi đây có rất nhiều cây pơ mu mọc tự nhiên, có tuổi đời hàng trăm năm, nhiều cây đường kính trên 2m, chiều cao từ 15 đến 20 m. Để bảo vệ cây pơ mu này, bản luôn tuyên truyền người dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ, cấm không cho ai chặt hay khai thác, ai vi phạm sẽ phạt và xử lý theo pháp luật.
Trạm Kiểm lâm Chế Tạo hiện có 5 cán bộ, có nhiệm vụ bảo vệ 20.000 ha của xã Chế Tạo. Đây là địa phương có nhiều loại cây gỗ quý hiếm nên công tác bảo vệ và chăm sóc luôn được chú trọng nghiêm ngặt.
Anh Sùng A Rùa - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chế Tạo cho biết: "Thực hiện phân công của Hạt Kiểm lâm huyện, hàng năm, chúng tôi đã tham mưu cho xã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác lâm sản; thành lập các tổ đội xung kích, tổ chức họp tuyên truyền cho người dân và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng với các hộ dân trực tại các điểm ra, vào rừng để nắm bắt lượng người ra vào, tuyệt đối không để người dân vào rừng chặt phá, nhất là cây pơ mu. Hiện, Trạm cùng với cùng với Hạt Kiểm lâm huyện đang tiến hàng rà soát, kiểm đếm những cây pơ mu để đưa vào danh sách đề nghị "Cây di sản Việt Nam”.
Ông Sùng A Thênh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải bên một gốc cây pơ mu trên 100 tuổi
Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Chế Tạo, hầu hết trên 100 năm tuổi; một số cây có đường kính trên 2m, trong đó trên 1.000 cây có đường kính từ 1- 1,8m, chiều cao từ 15- 20 m.
Để bảo vệ rừng nói chung, rừng pơ mu nói riêng, những năm qua, huyện Mù Cang Chải và các lực lượng chức năng cùng với nhân dân đã tích cực thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hàng năm vẫn xảy ra một số vụ cháy rừng (chủ yếu là rừng trồng, đất trống, cỏ lau lách, rừng tái sinh và một số diện tích rừng tự nhiên) do thời tiết khô hanh, nắng nóng, gió lớn, người dân xử lý thực bì để canh tác nương rẫy. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ một số vụ khai thác trái phép gỗ pơ mu về làm nhà.
Kể từ khi rừng cây pơ mu quý hiếm được phát hiện (chủ yếu trên địa bàn xã Chế Tạo), huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ, khoanh vùng và thực hiện đo đếm xác định số lượng cây. Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm địa bàn, huyện còn huy động và phối hợp với lực lượng dân quân, người có uy tín trong các bản cùng tham gia bảo vệ, tránh để cây pơ mu bị xâm hại, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát triển cây pơ mu để hướng tới đề nghị công nhận quần thể cây pơ mu cổ thụ Mù Cang Chải là "Cây di sản Việt Nam”.
Huyện Mù Cang Chải có diện tích rừng lớn với trên 82.000 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 60.000 ha, rừng trồng trên 20.000 ha và trên 2.000 ha diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng, với độ che phủ rừng đạt 67,25%.