Mùa áo dài mừng đón xuân sang
Giáp Tết là thời điểm đầy bận rộn và bộn bề của nhà nhà, người người. Nhưng giữa sự tất bật ấy, những nét đẹp xuân lại ló rạng, thảnh thơi và tươi vui dưới hình ảnh của những tà áo dài phấp phới, muôn màu.
Áo dài trở lại
Không biết từ khi nào, tà áo dài đã trở lại thân quen, được trân trọng trong đời sống người Việt. Cách đây chục năm, áo dài như mờ nhạt giữa các phong cách thời trang của xã hội hiện đại, từ jean, váy, đầm các kiểu...
Người ta chỉ còn thấy áo dài trong những ngôi trường, những buổi chào cờ hay lễ nghi. Nhiều người trẻ thì cho rằng mặc áo dài là "nhà quê", không hợp thời. Thậm chí một số trường học đã thay tà áo dài bằng những đồng phục nhìn tiện lợi, năng động hơn.
Tưởng rằng, áo dài sẽ dần rời xa đời sống người dân, thành một thứ lễ phục nghiêm trang. Thế nhưng, hóa ra tình yêu dành cho tà áo dài lại lớn đến vậy trong lòng người Việt. Không biết xuất phát từ đâu, người ta bỗng kêu gọi nhau mặc áo dài nhiều hơn.
Rồi những nhóm bạn rủ rê nhau lập "hội mê áo dài", rủ nhau chụp những bộ ảnh áo dài thật đẹp. Rồi những nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng có nhiều chia sẻ tình yêu với tà áo dài, và đưa áo dài thành một phần trong bộ sưu tập thời trang của mình để chụp ảnh, đi tiệc...
Một nhà thiết kế trang phục nổi tiếng còn lập cả bảo tàng áo dài, đem nét đẹp của chiếc áo dài từ cổ đến kim lưu giữ để người dân, du khách thưởng lãm. Sài Gòn, thành phố sôi động và hiện đại bậc nhất phương Nam còn có cả "tháng áo dài", có lễ hội áo dài vào dịp đầu năm mới. Chính sự kiện nâng tầm áo dài này đã góp phần khiến cư dân thành phố quay trở về với thói quen mặc áo dài.
Và du khách đến Sài Gòn cũng được dịp ngắm nghía, thưởng lãm nhiều hơn hình ảnh của áo dài Việt. Từ từ, từng chút một, áo dài dần quay trở về trong đời sống người Việt. Như một ngày, người ta bỗng nhận ra là dù có bao phong cách thời trang mới mẻ, thì chiếc áo dài cổ truyền Việt vẫn là thứ trang phục đẹp nhất, tôn vinh được toàn diện vẻ đẹp của phụ nữ Việt.
Áo dài bắt đầu được chú ý nhiều hơn, và đa dạng hơn. Người yêu tà áo dài truyền thống với đường nét nguyên sơ, sắc màu dung dị. Người lại thích kiểu cách tân, nửa váy áo, khoét cổ hay kết hợp cùng jean... Áo dài xuất hiện trong cửa hàng, shop thời trang, trên mạng... Người ta mặc áo dài đi chơi, ra nước ngoài du lịch, dự tiệc hay đi làm.
Điều đáng quý là trào lưu đem áo dài quay về đời sống được những người trẻ hưởng ứng khá mạnh mẽ. Các thiếu nữ thi nhau diện áo dài để khoe nhan sắc. Và hầu như hiếm phụ nữ Việt nào, từ thiếu nữ đến về già, không sở hữu cho mình ít nhất một bộ áo dài ưng ý trong tủ áo.
Nhưng có lẽ, dịp xuân về mới là dịp mà áo dài xuất hiện nhiều nhất. Dường như trong tiết xuân, áo dài càng trở nên nên thơ, hợp tình hợp cảnh hơn bao giờ hết. Khi xuân về, muôn tà áo dài giữa phố như những cánh bướm rập rờn bên hoa cỏ mùa xuân, làm xôn xao lòng người, ngẩn ngơ khách qua đường.
Áo dài xuống phố
Thời điểm giáp tết ở Sài Gòn, các thiếu nữ, các chị bắt đầu xuống phố, dạo xuân và chụp ảnh với áo dài. Những phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình, Nhà văn hóa Thanh niên là nơi luôn chứng kiến những tà áo dài đủ màu sắc, vui vẻ rộn ràng chụp ảnh chào xuân.
Áo dài bắt đầu được chị em đặt may từ cách đây hơn một tháng để kịp dịp "xuống phố" mùa xuân, và các tiệm may vẫn còn tiếp tục rộn ràng cho đến gần Tết. Không chỉ tự trang bị áo dài, chị em còn có lựa chọn khác khi dịch vụ cho thuê áo dài có ở khắp nơi, từ cửa hàng đến cho thuê online.
Thường, giá cho thuê áo dài dao động từ một trăm ngàn đến hàng triệu đồng, tùy vào chất lượng. Với nhiều chị em, đây cũng là lựa chọn hay bởi họ không cần phải tốn nhiều chi phí may bộ áo dài mới, mà có thể được chụp ảnh trong nhiều bộ áo dài khác nhau, với mẫu mã hợp thời trang nhất.
Ở nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, gần Tết hàng năm đều thực hiện những tiểu cảnh rất đẹp tái hiện Tết xưa như heo đất, xe bò, đống rơm, gian nhà ngày Tết hay vườn mai... để mọi người du ngoạn, chụp ảnh xuân. Ngay trong khuôn viên Nhà văn hóa cũng cho thuê áo dài để người đến mặc và chụp ảnh với mức giá phải chăng.
Đến cận Tết hơn, sẽ có thêm đường hoa Nguyễn Huệ hoàn thành và phố Ông Đồ ở Cung văn hóa Lao động nữa. Đó lại là một điểm hẹn mùa xuân náo nức, rộn ràng của người dân Sài Gòn, và cũng là điểm hẹn của những tà áo dài khoe sắc.
Không chỉ có "hội chị em" đi cùng nhau, còn có những cặp đôi trẻ măng xúng xính trong áo dài mới, tay trong tay. Còn có cả những gia đình nhỏ mà cả nhà mặc áo dài cùng màu sắc. Có lúc, người ta còn bắt gặp cả những gia đình ba thế hệ hạnh phúc trong tà áo dài, chụp ảnh cùng nhau.
Dọn lòng mới đón xuân sang
Đôi khi, người ta nửa đùa nửa thật "đang yên đang lành tự dưng Tết". Bởi đón Tết sao mà bộn bề quá, nhiều thứ phải chi, nhiều việc phải làm, nhiều điều phải lo nghĩ quá. Ai cũng muốn Tết được tươm tất, vẹn toàn nên phải cố gắng gấp mấy lúc bình thường. Thế nên, đôi lúc Tết lại trở nên nặng gánh, lại đến cùng bao áp lực, lại gây cho người ta sự mệt mỏi và lo toan hơn bao giờ hết.
Nhưng Tết đâu chỉ có những gánh nặng, trách nhiệm trên vai. Tết còn là dịp duy nhất trong năm để người ta dừng lại và nhìn lại những được mất của một năm qua. Và Tết vào đúng đầu xuân, bởi khi ấy thời tiết đẹp nhất, cây cối đơm chồi nảy lộc.
Cho dù bận thế nào, ai ai cũng cần ngước lên nhìn cây cỏ, lắng lòng đôi phút để tâm hồn mình được phơi phới trong không khí của mùa xuân bắt đầu sang. Hiểu được điều này, giờ đây, ngày càng nhiều người, nhiều gia đình dành một khoảng thời gian trước Tết để tận hưởng không khí mùa xuân.
Như cái cách mà người ta diện áo dài cùng nhau xuống phố. Có thể làm vài bộ ảnh "để đời", hay đơn giản là để được thấy mình tươi vui, đắm mình hoàn toàn vào không khí đón Tết cổ truyền. "Những năm trước kia, đón Tết với tôi lúc nào cũng là đầu bù tóc rối, là mệt mỏi với đủ thứ sửa soạn, dọn dẹp, mua sắm và hiếu hỉ. Ngẩng đầu lên đã thấy 30. Rồi nhanh chóng hết Tết. Nhưng từ hai năm gần đây, con lớn rồi, nó rủ rê mẹ đi ra phố đón Tết, gác bớt việc lại.
Thuyết phục mãi tôi cũng đi, và thấy quả thật đời đẹp hơn hẳn. Hai mẹ con mặc hai bộ áo dài mới tung tăng trên phố xá, thấy rằng mùa xuân thực sự ở trong lòng mình rồi. Từ đó, tôi không để mình phải bận rộn tối mặt vào dịp trước Tết nữa. Có bận thế nào cũng phải có một vài ngày cả nhà đi chụp ảnh xuân.", chị Hà Thị Thanh, nhân viên một công ty mỹ phẩm, ngụ quận 3 cho biết.
Còn đối với cô sinh viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM Nguyễn Diệu Linh, mùa xuân là mùa cô cùng các bạn diện áo dài tung tăng đường phố, chụp ảnh. "Năm nào khoảng hơn 20 Tết, trước khi về quê em và các bạn đều hẹn nhau chuẩn bị áo dài, trang điểm cho thật xinh xắn. Các bạn nam trong nhóm đi theo làm thợ ảnh cho các bạn nữ. Vừa chụp ảnh áo dài, rồi dạo phố, đi cafe... Chúng em yêu tà áo dài, cảm thấy mặc áo dài xuống phố đầu xuân hương vị Tết nó rõ ràng hơn. Và thấy như vậy tuổi trẻ của mình sẽ lưu lại những kỉ niệm đáng nhớ", Diệu Linh tâm sự.
Cứ thế, mùa xuân nơi đô thị phương Nam được báo hiệu không chỉ bởi cánh én, cành mai mà còn bởi những tà áo dài xinh tươi rập rờn muôn mắu giữa phố phường đông đúc. Còn yêu tà áo dài, còn thấy lòng mình nôn nao, nô nức đón cái Tết cổ truyền, nghĩa là lòng người Việt vẫn giành chỗ cho những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ lâu đời.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/mua-ao-dai-mung-don-xuan-sang-491802.html