Mua bảo hiểm cháy nổ nhà xưởng nhưng bỏ quên thiên tai

Nhiều doanh nghiệp mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà xưởng mà không mở rộng thêm các điều khoản bảo vệ trước giông bão, lũ lụt, các rủi ro thiên tai khác dẫn đến thiệt thòi khi có sự cố do thiên tai.

Cơn bão vừa qua đã để lại những thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp. Bảo hiểm tài sản trở thành giải pháp quan trọng để giảm thiểu tổn thất, nhưng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi yêu cầu bồi thường.

Vụ xe khách của doanh nghiệp vận tải bị lũ cuốn, vò nát dưới suối ở Cao Bằng. Ảnh: A Cương

Vụ xe khách của doanh nghiệp vận tải bị lũ cuốn, vò nát dưới suối ở Cao Bằng. Ảnh: A Cương

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt hơn khi tham gia bảo hiểm tài sản, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai?

Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, bảo hiểm tài sản, bao gồm nhà xưởng, máy móc, và hàng hóa, là một phần thiết yếu trong chiến lược quản trị rủi ro của các doanh nghiệp.

Đối với những công ty có hoạt động sản xuất, bảo hiểm này không chỉ giúp bảo vệ cơ sở vật chất mà còn giúp đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh có thể tiếp tục ngay cả trong những tình huống thiên tai nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không được chi trả bảo hiểm đầy đủ, ngay cả khi họ đã mua bảo hiểm tài sản. Lý do chính thường đến từ việc doanh nghiệp không hiểu rõ phạm vi bảo hiểm, hoặc gặp phải những điều khoản loại trừ (hợp đồng bảo hiểm nêu những trường hợp mà công ty bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường). Trong bối cảnh thiên tai, nhiều hợp đồng loại trừ các sự cố như sạt lở đất, sương muối, hoặc ngập lụt do nước tràn từ kênh, hồ hoặc đập.

Những điều khoản này có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống khó khăn khi họ gặp thiệt hại từ những sự cố này nhưng không thể yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, vấn đề không hiểu rõ phạm vi bảo hiểm là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống khó xử khi yêu cầu bồi thường.

Nhiều doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà xưởng mà không mở rộng thêm các điều khoản bảo vệ trước giông bão, lũ lụt, hoặc các rủi ro thiên tai khác. Điều này làm giảm đi tính toàn diện của hợp đồng bảo hiểm, đồng thời gây thiệt thòi cho doanh nghiệp khi có sự cố liên quan đến thiên tai.

Một sai lầm thường gặp khác là quy trình khai báo sự cố không đúng hoặc không kịp thời. Khi có sự cố xảy ra, doanh nghiệp cần khai báo ngay lập tức cho công ty bảo hiểm và cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh thiệt hại.

Nhiều trường hợp, do không tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu bồi thường của doanh nghiệp bị từ chối. Để tránh tình trạng này, doanh nghiệp cần lưu giữ tất cả bằng chứng liên quan đến thiệt hại như hình ảnh, video, hóa đơn sửa chữa hoặc mua sắm lại tài sản bị hỏng. Nếu cần, có thể yêu cầu một đơn vị giám định độc lập để đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định thiệt hại.

Theo luật sư, để chuẩn bị tốt khi làm việc với công ty bảo hiểm, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần làm là đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Mọi điều khoản, từ phạm vi bảo hiểm đến điều khoản loại trừ, cần được hiểu rõ trước khi ký hợp đồng.

Nếu có bất kỳ điểm nào không rõ ràng, doanh nghiệp nên yêu cầu công ty bảo hiểm giải thích chi tiết. Đặc biệt, cần lưu ý đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, vì đây là những điều khoản thường bị bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng lớn đến quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp.

Khi đã tham gia bảo hiểm, việc lưu giữ hồ sơ tài liệu chi tiết về tình trạng tài sản và hàng hóa cũng là điều cần thiết. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng chứng minh thiệt hại với công ty bảo hiểm khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, việc khai báo sự cố kịp thời và hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm trong quá trình giám định cũng sẽ giúp quá trình xử lý yêu cầu bồi thường diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ hơn.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp với công ty bảo hiểm, doanh nghiệp cần tìm cách đối thoại trực tiếp để giải quyết vấn đề. Đây là phương án đơn giản và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu không thể đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp nên cân nhắc việc thuê một luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hoặc khi các bên không đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp có thể đưa vụ việc ra Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết. Đây là phương án cuối cùng nhưng thường tốn kém thời gian và chi phí hơn, nên cần được xem xét kỹ lưỡng.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mua-bao-hiem-chay-no-nha-xuong-nhung-bo-quen-thien-tai-2322564.html