Mùa chim về Cồn Nổi

1. Mùa chim lại về Cồn Nổi. Khi ấy, vãn tháng giêng, bắt đầu là lác đác chấm xám nhỏ li ti điểm trên bầu trời khơi xa. Các chấm xám đậm to dần, to hẳn khi tiếng mòng biển kêu ngang trời. Cùng lúc ấy, chấp chới cánh cò trắng trong nắng nhạt cuối chiều.

Khu vực Cồn Nổi (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Khu vực Cồn Nổi (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Ban đầu, đàn chim lòng vòng ở Cồn Nổi, rồi bay qua vũng sa bồi non đang ấm dần, không còn cái ảm đạm âm u của tháng Chạp. Chúng bay đến bãi Ngang, sà xuống đậu lên cây sú, cây vẹt, đầu nghiêng ngó và cất tiếng kêu co… co… co. Đột nhiên, chi chít chấm xám từ chân trời khơi xa bay đến rõ dần, to dần. Nhãng đi một lát là cơ man mòng két tới tấp đáp xuống cửa sông Đáy, rồi vô vàn cò thìa trắng lóa rợp cánh trên màu xanh non đang hồi sinh ở vùng sa bồi. Cha tôi cất tiếng: “Gọi mãi, gọi mãi, chim chóc cũng phải về. Bõ công lao của cha.” Bõ công cha gọi chim. Cha tôi gọi chim từ lúc chúng bỏ đi hơn hai năm. Đêm, trước lúc đi ngủ, cha tôi gọi chim. Ngày, trước khi đi làm, cha tôi gọi chim. Còn hứng lên bất cứ lúc nào ông cũng gọi chim. Miệng cha bật ra các tiếng ríu ríu… éc éc… ẹc, rồi co... co... co co… thả vào thinh không. Biển trời dần tối. Tôi quay vào, nhưng cha vẫn đứng ở sàn trước cửa nhà chòi nghe tiếng kêu nháo nhác. “Cha vào xem này. Cồn Nổi nhà mình lên tivi.” Cha tôi quay vào đúng lúc các hình ảnh biển khơi mù xa, nhà chòi lô xô và cọc đóng đáy giăng giăng ở vũng sa bồi, còn cha tôi đang chỉ trỏ những người làm thuê đang cất mấy cái bungalow bằng gỗ phi lao và bần chua theo phong cách hoang dã của thổ dân trên đảo hoang…

Các hình ảnh ở bãi Ngang, cồn Nổi cứ lần lượt hiện lên cùng với giọng nam trầm đọc lời bình ấm vang: Cửa sông sa bồi đang bình yên trù phú. Người dân an lành sống ở một vùng hoang sơ vô số bàn chua, sú, vẹt và nhan nhản cua cáy, cá tôm, cò thìa, mòng biển, vịt trời, le le, chim chóc. Bỗng nhiên trở thành vùng cửa sông chết. Vì đâu? Cha tôi lặng lẽ xem và dỏng tai nghe. Tôi trầm trồ, bảo: “Cái đồn biên phòng mới xây vào tivi xấu hơn ở bên ngoài. Còn cái nhà chòi thì đẹp hơn trong tivi, cha ạ”. “Ừ. Mà sao họ không quay những hình ảnh lúc cua cáy duỗi càng nằm ngửa, cá tôm chết nổi, cửa sông vắng bóng chim chóc, nhỉ?”. Hình ảnh chuyển đến phiên tòa xử các bị cáo gây ô nhiễm môi trường. Rồi lật lại mấy năm trước là hình ảnh: Dòng sông ở thượng nguồn màu đen ngòm. Các cơ sở sản xuất miến dong, bột sắn nhếch nhác, mất vệ sinh và nước thải sùi bọt đổ ra sông… Nhìn mà rùng cả mình. Hình ảnh chuyển tiếp đến nhà máy sản xuất giấy ở trung nguồn xả chất thải ra sông bằng cống ngầm… Trông mà sởn gai ốc. Đang xem, tôi chợt giật mình thấy hình ảnh một nhà khoa học nữ rất trẻ nói về tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, về biến đổi hệ sinh thái, về vật chất lơ lửng như phù sa, hạt sét, các mảnh vụn hữu cơ lắng đọng làm nền đáy biến đổi, trầm tích kim loại nặng và ô nhiễm đến tận cửa sông. “Cô Dung đấy! Đúng là cô Dung rồi, cha ơi!” “Dung với dăng cái gì. Cha thấy nó giống mặt cái con bé Dế mấy năm trước về Cồn Nổi.”

2. Mấy năm trước. Cồn Nổi đang yên ả, thanh bình thì “bão giông” ập đến. Bão giông không phải từ chuyển động của khí quyển mà từ nàng. Nàng! Chính nàng chứ không phải ai hay cái gì khác? Tôi giong thuyền đón em gái từ bến làng Chài thì đột nhiên gặp nàng. Nhìn tôi hơi ngỡ ngàng một chút rồi trấn tĩnh được ngay, nàng mạnh bạo ôm choàng lấy tôi. Em gái tôi bảo: “Nhân vật của em đấy. Anh bất ngờ quá phải không?” “Ừ. Quá bất ngờ.” Kí ức xưa cũ thức dậy. Tôi xót xa. Nàng cũng ngùi ngùi. Em gái tôi tranh phần cầm lái, đúng là con cái thuyền chài. Nàng ngồi bên tôi, mặt hướng ra phía mũi thuyền. Nàng có vẻ náo nức. Tôi cố kìm những đợt sóng cảm xúc chốc chốc dềnh lên, dềnh lên. Thuyền ra đến đầu bãi Ngang, nàng bảo: “Anh có nhớ chỗ này ngày trước là bãi bồi, lúc triều thấp phù sa đỏ au mỡ màng, cua cáy bò lổm ngổm. Lúc triều lên là ngập nước, cáy cua bò dần lên ngọn năn lác…” “Em không nhớ là em mải bắt cáy, nước lên chạy không kịp à?” “Hôm ấy, chiều hai ba tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo. Anh đã bơi ra và dìu em vào bờ. Bố em biết chuyện con gái được cứu sống, bảo: Con nhớ cái ơn ấy, đừng quên. Em chả quên cái gì.” Tôi cũng chẳng quên cái gì. Chuyện tôi bỏ học năm thứ hai đại học về chăm mẹ ốm, rồi bỏ hẳn cũng không quên. Nàng năn nỉ, khi dỗi thế nào tôi cũng không nghe nàng quay lại trường học tiếp. Thuyền len lỏi trong bãi Ngang. Thỉnh thoảng con cò ngủ gật, nghe tiếng máy thuyền nổ phành phành, giật mình bay lên. Nàng vẫy tay bảo em gái tôi dừng thuyền. Tôi hiểu ra câu chuyện của họ nói về cái chết của động vật giáp xác, về các loài nhuyễn thể, về chế độ nhật triều, tốc độ sa bồi, biến đổi dòng chảy, hàm lượng sét và kim loại nặng lắng ở cửa sông.

3. Gọi là Cồn Nổi bởi doi cát nhô cao trên mặt nước, sóng biển và gió vun thành cồn lúc nào chẳng ai biết. Một lần thuyền mắc cạn lúc triều thấp, tiến không được, lùi chẳng xong. Cửa sông tối dần. Hòn Nẹ mờ xa rồi mất hẳn vào đêm. “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Ngàn năm trôi qua, “thương hải tang điền” (Bãi biển thành ruộng dâu), cửa Thần Phù đã bị bồi đắp nên đồng bãi vào sâu trong đất liền. Chúng tôi đi loanh quanh rồi quay lại con thuyền mắc cạn và ngủ thiếp đi lúc nào chẳng nhớ, chỉ biết khi thức dậy thì bình minh đã lên rực rỡ. Như một cơn mơ đến rất nhanh rồi đi cũng nhanh đến ngỡ ngàng. Doi cát ban đêm hiện ra, trời sáng rõ thì nó biến mất. Cha tôi bảo: “Cha sẽ quay lại chỗ này khi nó đã thành cồn nổi.” “Sao cha biết?” “Chả mấy chốc gió biển, nhật triều và sóng sẽ vun thành cồn nổi, con ạ”.

Quả nhiên, về sau cha con tôi quay lại cái nơi thuyền mắc cạn thì doi cát đã nhô lên mặt nước giống hình con cá ngựa khổng lồ. Tạo hóa bí ẩn và kì lạ, chẳng có điều gì là không xảy ra. Cha chặt cây sú, cây bần chua từ bãi Ngang chở ra dựng một cái nhà chòi. Đúng lúc ấy, địa phương vận động vạn chài lên bờ. Nhà nước cắt đất bãi hoang phía trong đê cấp cho mỗi gia đình thuyền chài một thửa. Cha tôi xin được ra Cồn Nổi. Cửa sông Đáy nằm ở vùng biển lõm, phù sa bồi tụ nhanh. Khi cồn Nổi lù lù xuất hiện ở vùng nước đệm thì mòng biển, cò thìa, cò trắng bắc, rẽ mỏ thìa,… ở đâu đó tìm đến. Từ chân đê mới quai ra bãi Ngang cũng xuất hiện, vạc, diệc, cò trắng chấp chới cánh hạ xuống, bay lên trong nắng sớm. Cha tôi bảo: Đất lành chim đậu. Ở đây đất phù sa và cát lành, biển cũng lành.

4. Người miền biển quê tôi kiêng kị đủ thứ. Kiêng đắm thuyền, không được lật cá trên đĩa ăn. Đàn bà lạ, đặc biệt người đang kì kinh nguyệt không được bước xuống thuyền. Người ta cũng kiêng chuyện giường chiếu trong đêm trước khi thuyền ra khơi. Cha tôi có vẻ khó chịu vì đứa con gái lạ mặt hoa da phấn lên Cồn Nổi. Ông lặng lẽ châm lửa bùi nhùi cầm ra bến. Ông khua từng khoang thuyền đốt vía đàn bà lạ, bảo tôi: “Con bé nhà mình rước thêm một đứa con gái thành phố son phấn mỹ miều về thì biết làm sao bây giờ?” Tôi bảo: “Con gái son phấn biết cùng con gái cha vặt hoa muống biển đặt ở phần mộ mẹ đấy. Là con Dế, con ông Dênh phía trong sông. Cha không nhớ ra à?” “Cha không quên cái thằng cha Dênh ấy.” Ông Dênh xóm trưởng, nhà phía trong đê, chỉ huy đội múa rồng, có bà vợ chuyên nấu rượu lấy hèm nuôi lợn. Mỗi khi thuyền về bến, vạn chài râm ran tiếng cười nói, cha thường sai tôi đến nhà ông Dênh mua rượu. Thảng hoặc, cha tôi làm mồi nhắm, nhắn ông Dênh xuống thuyền nhậu, và bao giờ ông cũng cầm theo cút rượu. Hai ông uống say, nhận nhau làm thông gia, còn gác chân lên nhau rồi hát hò ông ổng.

Dạo ấy, người vạn chài mất vẫn được dân cư phía nội đồng chiếu cố cho an nghỉ ở nghĩa địa làng. Mẹ tôi bị bệnh đậu mùa, rồi mất. Cha tôi nghĩ ông Dênh là chỗ quen biết, tìm đến cậy nhờ, nhưng năn nỉ, giận dỗi, van nài kiểu gì ông ấy và người làng ấy cũng không cho, còn bảo: “Bà nhà chết vị đậu mùa rước vào đấy chôn là lây lan, xui xẻo cho cả làng.” Cha đành chôn mẹ tôi ở bãi sông. Từ đó, cha cạch cả nhà ông Dênh. Tôi bảo: “Chuyện của người lớn xưa cũ rồi. Bọn con sống đang thời hiện tại. Bây giờ, cha đừng giận cá chém thớt nữa.” Cha tôi lặng im. Mắt cha nhìn xa xăm về phía những ô vuông nuôi tôm và ghẹ càng xanh bên doi cát. Em gái tôi và nàng đang đi lại, hí hoáy ở đó. Chập tối, cha tôi gọi riêng con gái, hỏi: “Chúng mày làm cái thá gì mà cứ cân đong đo đếm, thì thào như người ăn trộm thế?” “Con đã trình bày với cha rồi. Chị ấy đi khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước về xét nghiệm xem tỉ lệ ô nhiễm ở cửa sông. Cũng là dịp thu thập tư liệu cho công việc làm báo của con.” Cha tôi bảo: “Chả ăn thua gì đâu”. “Bố cứ tưởng cửa sông rộng dài, biển khơi mênh mông thì nó tự làm sạch được a?” “Chả ăn thua gì đâu.” Em gái tôi có vẻ nhẫn nhịn. Nó nhìn về phía doi cát hình con cá ngựa, nơi phần mộ mẹ tôi được gió biển cần mẫn vun cát mỗi ngày một cao. Em tôi dân dấn nước mắt.

5. Ăn cơm, rửa bát xong, cha tôi bảo con gái ngồi lại cùng trò chuyện. Chả biết nói chuyện gì? Tôi đưa nàng đi dạo trên bãi cát. Bãi cát như vừa dát vàng non. Chân trần đi sát dọc mép nước. Tôi vẫn giữ chừng mực, không quá thân thiết như ngày trước, cũng không lạnh nhạt hững hờ. Nàng bảo: “Lúc lên Cồn Nổi, em đã cố nén lòng để không thảng thốt reo lên… đẹp quá như chốn thần tiên”. “Anh không nghĩ Cồn Nổi lại chinh phục em mau thế.” “Thực tế còn hấp dẫn và sinh động gấp nhiều lần những điều mà em gái anh đã kể về bác và anh, về Cồn Nổi. Em đã bắt đầu mê Cồn Nổi rồi.” “Ngày mai, em về đất liền, trở lại thành phố lại quên sạch cho mà xem”.

“Không! Em làm sao quên được Cồn Nổi, làm sao quên được anh đang ở đây.” “Vậy mà anh cứ tưởng mọi chuyện đã chôn vùi trong quá khứ.” Bỗng nhiên nàng thở dài, khe khẽ lắc đầu: “Nghĩ mà cứ thương bố em, lại thương cả bố anh.” Tôi cảm thấy mình có lỗi với nàng. Chúng tôi đi ngang qua bãi cát lên chỗ gò cát cao ngồi quay mặt ra phía biển. Biển bàng bạc vẫn cứ mênh mông huyền hoặc. “Anh cứ sống mãi thế này à? Ý em hỏi là anh không định thay đổi sao?” “Anh vừa lòng với cuộc sống đang tốt lên ở cồn Nổi này.” “Em nhớ là anh đã phải trải qua những cái tết rất khó khăn lúc ở vạn chài.” Nàng lặng im, gục đầu xuống hai đầu gối, như bất lực, rồi sụt sịt như khóc. Tôi luống cuống chả biết làm gì, rồi cũng quàng được tay lên bờ vai ấm áp của nàng. Bỗng chốc trong lòng tôi da diết những hình ảnh xưa cũ hiện về.

6. Tết Nguyên đán năm ấy. Sóng cửa sông oằm oặp vỗ vào mạn thuyền. Sáng ba mươi, mẹ tôi đi chợ tết bán cá tôm, cua ghẹ cho người trên bờ. Mẹ mua một cặp bánh chưng, một xâu thịt ba chỉ, một túm hành hoa và mỗi người một bộ quần áo mới. Lúc về bước lên ván bắc từ bờ sang thuyền mải nhìn em gái tôi hò reo: mẹ đi chợ về… mẹ đi chợ về, mẹ trượt chân ngã, đánh rơi mủng trên đầu xuống sông. Ngày cuối năm rét mướt, mẹ tôi tiếc của nhảy xuống chụp được cái mủng và bộ quần áo chưa kịp chìm. Cha ngó đầu ra kêu thất thanh, giục mẹ lên thuyền, rồi hai cha con tôi cũng nhảy xuống ngụp lặn mò cặp bánh chưng...

Đêm cuối năm, mẹ tôi thổi bếp than tổ ong, ngồi hơ mấy bộ quần áo mới cho khô hẳn để mặc tết, khói cay khóe mắt dân dấn nước. Lúc ấy, con em gái nhìn về phía nội đồng, hỏi bâng quơ: “Bao giờ nhà mình được lên bờ nhỉ?” Cha tôi bảo: “Nhà mình chưa lên bờ, nhưng cha có để các con thất học đâu?” Chúng tôi không thất học bởi cha mẹ chỉ đánh bắt tôm cá ở vùng cửa sông để sáng đưa đi học, chiều đón về thuyền. Sau thấy đón đưa cực quá, cha mẹ gửi chúng tôi lên bờ trọ học gần trường. Cha mẹ tôi suốt đời lênh đênh thuyền chài, mặt ghì xuống nước. Cha muốn con cái phải đi học, lên bờ mới ngẩng mặt với đời.

Em gái tôi lại nói ron rỏn: “Cô giáo con bảo: Sông biển lặng chẳng làm nên tay lái thuyền tài ba. Con chả muốn ở mãi cái thuyền con tù túng quanh quẩn ở cửa sông.” Mẹ tôi rên rỉ: “Vâng! Cứ như bà cụ non. Đến đời các anh chị thì đi năm châu bốn biển, ăn sơn hào hải vị.” Mẹ tôi chợt ngừng, rồi lại nói gọng đầy tiếc nuối: “Bây giờ có dễ cặp bánh chưng nó trôi ra biển mất rồi?” Cha tôi cất giọng to: “Của đi thay người”, nhà có gì dùng nấy. Tết đến đít rồi cả nhà vui lên.” Cả nhà vui lên, cả vạn chài vui lên. Và vui thật! Buổi tối chỉ thấy hương đỏ lập lòe trong các mui thuyền, nhưng gần đến giao thừa thì nhà nào cũng đem cái đèn bão treo lên cây sào dựng đứng cột mũi thuyền. Có nhà treo bóng điện chạy bằng ắc quy và giăng đèn mầu xanh đỏ tím vàng nhấp nháy xung quanh mui. Vạn chài đèn sáng như sao sa hắt xuống nước cửa sông lấp loáng.

Trong đê, một vùng mờ mờ rạng, thỉnh thoảng vệt pháo sáng vọt lên trời. Xóm làng phía nội đồng xôn xao, vạn chài trên sông cũng rộn rã. Đài nhà ai đó mở to hết cỡ, tiếng hát vui tươi tràn trên mặt cửa sông: “Xuân xuân ơi, xuân đã về/Kính chúc muôn người với bao điều mong ước/Trong hương xuân ta vẫy chào/Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui...". Lại bài hát xuân nữa: “Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về/Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…”. Tiếng trống múa rồng tùng tùng tùng to dần, rồi to hẳn. Thì ra, đội múa rồng của ông Dênh đi hết các ngõ làng rồi ngược triền sông lên mặt đê. Khi tôi dắt em gái chạy lên đê, thì đã lố nhố bọn trẻ con vạn chài lên trước đón xem đám rước. Một người đứng đội đầu rồng, mấy người khom lưng khoác mình rồng đuôi rồng, rồi cờ ngũ sắc, trống, não bạt, thanh la, đèn màu, chũm chọe,… mỗi người sử dụng một thứ. Lại có ông địa đeo mặt nạ cầm cái quạt mo nghiêng ngó. Con rồng nghiêng vai, gục gặc đầu, mình uốn lượn theo nhịp trống. Lấp loáng bóng người, bóng rồng trong ánh đuốc cháy rừng rực.

Đêm giao thừa se se lạnh. Mưa phùn lây rây rắc vô vàn hạt bụi li ti. Tôi nhìn thấy con Dế khoác cái tay nải, cầm cây đuốc đi trong đoàn rước rồng. Nó nhìn thấy tôi cười toe toét và giơ một tay vẫy vẫy. Đám rước rồng đi hết đoạn bờ sông có thuyền vạn chài đậu, rồi về làng. Vài đứa trẻ con vạn chài lăng xăng chạy theo, còn lại nhìn theo đầy tiếc nuối, rồi lẳng lặng quay lại những con thuyền đang lấp loáng ánh đèn dầu và bếp than tổ ong đỏ rực làm cơm cúng giao thừa. Tôi và em gái xuống dốc triền đê thì nghe tiếng chân chạy huỳnh huỵch sau lưng, tiếng gọi tên tôi với theo. Là con Dế nhà ông Dênh thở hổn hển. Bụi mưa phùn rắc ướt đẫm đôi vai gầy của nó. “Bố em bảo mang cho nhà anh một cặp bánh chưng đón giao thừa. Em mải theo đoàn rước rồng, đi một đoạn mới nhớ ra.” Dế ấn cặp bánh chưng vào tay tôi, rồi quay lưng chạy theo đoàn rước rồng. Cặp bánh chưng vẫn còn âm ấm. Tôi ngây người không kịp nói gì, chỉ nhận ra tay Dế hơi cũng âm ấm lúc chạm vào tay tôi.

7. Nàng và em gái tôi quay lại đất liền buổi sáng thì buổi chiều tôm cá, cua ghẹ,… chết nổi mặt nước; còng cáy chết ngửa mình ở bãi cát phía biển và bãi sa bồi phía trong. Chập tối không thấy cò thìa, mòng biển, cò trắng đậu trên cây sú, cây vẹt, chúng vỗ cánh bay đi hết. Cha tôi điên đúa, lòng dạ như lửa đốt. Đêm cồn Nổi, cha con tôi thức trắng.

Ông đưa mắt nhìn tôi, tôi vội cụp mi xuống, quay mặt đi chỗ khác. Cảm giác như người có lỗi, một chút giận hờn em gái, và hoài nghi sự có mặt của nàng thoáng qua. Chả lẽ lời cha dự báo đã thành hiện thực sờ sờ trước mắt? Sáng sớm, tôi giong thuyền qua vụng sa bồi vào bãi Ngang. Cơ man các loài nhuyễn thể và giáp xác chết nổi mặt nước, chết dạt vào gốc sú, vẹt. Cũng chẳng nhìn thấy bóng dáng một con chim nào. Cứ như chúng bỏ vùng cửa sông đi đâu hết.

Một tuần sau, màu xanh ở bãi Ngang, cồn Nổi ngả dần sang màu xám. Không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Một tuần sau nữa, thấy lác đác các đoàn khảo sát ở tỉnh, ở trung ương về. Họ đi thuyền, họ chỉ trỏ, họ đăm chiêu, họ bàn luận và cũng giống như nàng và em gái tôi trước đó, họ lại lấy các mẫu đất cát, mẫu nước, mẫu bùn phù sa ở cửa sông, ở bãi Ngang, ở vũng sa bồi, ở cồn Nổi mang đi. Chẵn một tháng, em gái tôi lại về cồn Nổi. Dáng mặt nó u buồn, lòng tiếc nuối. “Nhân vật của em không về nữa à?” “Nhân vật của em bảo: Bao giờ đàn chim trở về thì chị ấy cũng sẽ trở về cồn Nổi.” Vậy đàn chim không về thì nàng cũng không về?! Cha tôi lặng im như tượng đá. Chẳng biết ông nghĩ gì về tôi, về con gái, về cồn Nổi đáng thương. Em gái đưa cho tôi mấy tờ báo, bảo: “Anh đọc trước mấy bài báo này và sẽ biết nhà mình phải làm gì? Em đang làm loạt phóng sự “Dòng sông bị bức tử.” Hóa ra, các làng nghề phía thượng nguồn và nhà máy chế biến nông sản ở trung nguồn hàng ngày hàng giờ xả nước thải ngầm ra đáy sông… Cuối cùng, cha tôi cũng biết chuyện này.

8. Từ lúc đàn chim lại trở về cửa sông, tôi bắt đầu có thú vui ngồi trên nhà chòi ngắm mòng biển, diệc, vạc, cò thìa, cò bay lên đáp xuống chấp chới cánh trắng trên màu xanh ngằn ngặt của đước, sú, vẹt, bần chua ở Cồn Nổi, bãi Ngang. Nắng mới tinh khôi. Biển thanh sạch mênh mang. Và gió mát trong lành. Khách du lịch ra cồn Nổi chọn bungalow ở lại với “Đêm hoang đảo”, chứ không quay lại đất liền như trước. Cha tôi dóng mắt nhìn đàn chim mải miết bay theo hình chữ V đi tránh rét trở về đang bay ngang trên đầu. Có lần một đàn chim di trú sà xuống đậu lại cồn Nổi, bãi Ngang, rồi ở lại hẳn lúc trời ấm tháng giêng. Cha tôi đã nghĩ lại, ông không còn giận ông Dênh nữa. Cha tôi bảo: “Cũng là cái duyên nợ, ông ấy mới xử thế.

Nếu mẹ anh an nghỉ ở nghĩa địa trong đê thì yên phận ở đấy, chứ không có dịp dời phần mộ từ bãi sông ra cồn Nổi sum vầy cùng chồng con”. Tôi thương cha đến thắt lòng, nhưng vẫn cố cười, trêu ông: “Vậy thì cha phải cảm ơn ông Dênh mới phải.” Cha tôi lặng im, thở dài, rồi bảo: “Cha thấy con Dế nó cũng thương anh.” Lòng tôi man mác buồn: “Cha đừng gọi là Dế, cô ấy đặt lại tên là Dung.”“Dung với dăng cái gì. Cha gọi con Dế quen rồi. Anh nghĩ lại mà xem, hai đứa cứ nhùng nhằng bao nhiêu năm chẳng đi đến đâu. Nếu anh chị nên vợ nên chồng thì cha giao cho cái cồn Nổi này, công việc ở thành phố thích thì vẫn giữ, rồi đi về cả hai nơi mà làm ăn. Lo gì, đất lành chim đậu.” Đất lành chim đậu. Bỗng dưng, tôi cảm thấy bâng khuâng, se sẽ một niềm vui chợt đến. Lại nhớ em gái tôi bảo: … khi nào đàn chim lại về thì chị cũng trở về. Anh nhớ mà đi đón. Bây giờ thì đàn chim lại về Cồn Nổi rồi.

Sương Nguyệt Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mua-chim-ve-con-noi-031124.htm