Mùa đốn chè

Với diện tích hơn 9.000 ha chè, Tuyên Quang có diện tích cây chè lớn của miền Bắc. Năm nào cũng vậy cuối đông là thời điểm người làm chè tất bật cho công đoạn đốn chè quan trọng. Bởi chỉ khi đốn đúng thời vụ và kỹ thuật mới giúp mùa chè năm sau thắng lợi.

Thời điểm này người làm chè tập trung tranh thủ đốn xong trước Tết Nguyên đán.

Thời điểm này người làm chè tập trung tranh thủ đốn xong trước Tết Nguyên đán.

Đốn thủ công

Cầm chiếc kéo đốn chè chuyên dụng trên tay, bà Nguyễn Thị Bình, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) chìa bàn tay nói: “Chú xem hai bàn tay của tôi phổng hết, rồi vỡ bọng nước rất rát. Hai cánh tay, vai mỏi nhừ. Nhưng không làm tiếp không được, vì đốn thủ công lâu lắm. Mỗi buổi đốn có khi chỉ được một vài hàng chè. Nương này có năm tôi phải đốn qua Tết mới xong. Như vậy rất ảnh hưởng đến việc nảy lộc trong vụ xuân. Đây là loại chè Trung du nhà tôi trồng cũng cỡ hơn 50 năm rồi. Chè là loại cây lâu năm thân cứng lắm. Hai cánh tay phải dùng hết lực, kéo phải sắc thì cành chè mới đứt. Đốn chè cũng như “nghệ nhân” cây cảnh vậy, tạo tán chè đẹp đòi hỏi người đốn phải có kỹ thuật và tính thẩm mỹ”.

Diện tích cây chè của tỉnh rất lớn, việc đốn chè bằng kéo thủ công mất không ít thời gian, công sức. Nhiều nơi làm không kịp, việc đốn chè kéo dài ra cả sau Tết. Hơn nữa đốn chè cần người có sức khỏe, kỹ thuật đốn. Ông Trần Văn Dũng, xã Tân Long (Yên Sơn) cứ ngóng cậu con trai đang đi làm công ty về đốn hộ. Ông bảo nhà có mấy sào chè, nhưng hai ông bà giờ 70 tuổi, tay yếu không đốn nổi. Đúng là cuộc sống người làm chè cả năm phải tất bật. Mùa xuân, hè, thu là mùa thu hoạch chè. Mùa đông cây chè chững lại cũng là mùa phải đốn chè. Nhà có diện tích ít còn đỡ, nhà có diện tích nhiều, việc đốn chè thủ công vào cuối năm cũng nhiều gian nan. Vì chỉ khi đốn xong chè trước Tết Nguyên đán, người làm chè mới “ăn ngon ngủ yên”.

Sau khi đốn, các chủ nương chè dùng dao đi phát dọn, dong cành la hai bên luống chè.

Sau khi đốn, các chủ nương chè dùng dao đi phát dọn, dong cành la hai bên luống chè.

Ở Tuyên Quang có nhiều loại chè, xong nhiều nhất là giống chè Trung du, PH, chè Lai. Ngoài ra ở các huyện vùng cao có thêm giống chè Shan tuyết bản địa. Cây chè Shan tuyết phân bố chủ yếu ở xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú (Na Hang), Thổ Bình (Lâm Bình). Giống chè này sống phân tán, hỗn giao trong rừng nguyên sinh nên chả ai đốn tỉa, vì thế qua hàng trăm năm cây cao lớn. Người đi hái phải đeo gùi, trèo chót vót trên ngọn cao để hái. Chị Bàn Thị Khé, dân tộc Dao Đỏ xã Sơn Phú cho biết, ngày nay để thuận tiện cho việc thu hái chè, một số gia đình cũng “hạ tán” cây chè Shan tuyết cho độ cao vừa phải, tạo độ xòe của tán rộng. Do thân, cành cây chè Shan tuyết to nên không thể dùng kéo đốn được mà phải trèo lên dùng dao, cưa để chỉnh tán.

So với các loại cây trồng khác, cây chè có một sức sống mãnh liệt, dẻo dai kỳ diệu. Càng động dao kéo, đốn đúng kỹ thuật thì chè càng nảy búp mạnh. Nếu cây chè không được đốn thì ngọn mọc lêu đêu vụ sau năng suất giảm hẳn, khó hái. Bởi vậy đốn chè là một khâu quan trọng của nghề làm chè không thể không làm. Mà phải làm bài bản, công phu, tiêu hao nhiều nhân lực của người làm chè.

Đốn chè bằng máy

Tiến lên sản xuất hàng hóa, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng chè thì người làm chè không thể đốn chè thủ công mãi được. Để giải bài toán này người làm chè cũng lần mò các kiểu, cuối cùng họ dùng ngay cái máy phát cỏ. Phong trào mua máy phát cỏ để đốn chè nở rộ. Vì làm máy chạy bằng xăng bao giờ cũng nhanh hơn, giá thành rẻ. Diện tích chè đốn được giải phóng nhanh hơn hẳn, tiết kiệm sức người, người trồng chè cũng hả hê lắm. Tuy nhiên việc dùng sai mục đích của máy phát cỏ cũng làm cho người đốn chè gặp nhiều nguy hiểm, rủi ro. Vì lưỡi dao cắt cỏ bằng thép và gang không thể chịu được lực cắt vào cành chè cứng, to. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên tiếp trong mùa đốn chè.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chính, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) tranh thủ đi đốn thuê chè bằng máy đốn khiêng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chính, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) tranh thủ đi đốn thuê chè bằng máy đốn khiêng.

Trong cái khó lại ló cái khôn. Qua thực tiễn người làm chè giờ đây đã biết cải tiến cái máy phát cỏ thành máy đốn chè hoàn chỉnh, độ an toàn cao. Đó là bỏ lưỡi cắt bằng dao, thay vào lưỡi cắt tròn của máy cưa. Lưỡi tròn của máy cưa đốn chè tốt hơn, độ an toàn gần như tuyệt đối, vì không bao giờ nó vỡ văng được lưỡi. Ông Đinh Văn Chính, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), một người đốn thuê chè bằng máy chuyên nghiệp tâm sự, hiện nay người làm chè đốn hoàn toàn bằng máy. Có thể gia đình tự sắm máy đốn để chủ động thời vụ. Hai là đi thuê đội đốn chè chuyên nghiệp. Về máy đốn chè trên thị trường cũng rất đa dạng. Loại máy khiêng dùng cho hai người, dùng để đốn phớt có giá từ 4-6 triệu đồng/cái, trọng lượng máy khoảng 14 kg. Nhiều người vẫn chọn mua máy đốn khiêng loại “dùng rồi” của Nhật Bản hơn là máy mới của Trung Quốc. Loại máy vác cải tiến từ máy phát cỏ dùng cho một người, giá thành như máy khiêng. Máy vác thường dùng vào đốn sâu và đốn lửng cho cây chè. Vì máy có thể cắt được những cành, thân to, cứng.

Bà Nguyễn Thị Hường, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cho rằng, đốn máy đã giải phóng sức lao động của người làm chè. Giá thuê đốn phớt là từ 120-150 nghìn đồng/1.000m2. Kỹ thuật đốn từ đất lên mặt luống là 70cm, tạo tán hình khum để khi hái máy cũng dễ. Hơn nữa tán hình khum sẽ cho bề mặt rộng, sản lượng chè lớn hơn. Tán chè đẹp nhất từ 1,4 đến1,6m. Chè sung sức nhất từ 8 đến 25 năm tuổi thường là đốn phớt. Còn những nương chè già cỗi thì gia chủ sẽ cải tạo, trẻ hóa bằng cách đốn sâu, đốn lửng cách gốc 40-50cm. Giá đốn sâu, đốn lửng bằng máy vác thường dao động từ 300-400 nghìn đồng/1.000m2, tùy độ khó dễ của nương chè. Hai nhân công đốn chè thuê chuyên nghiệp trong một ngày có thể đốn được diện tích gần 1 ha.

Theo người trồng chè, thời điểm đốn chè đẹp nhất là trong tháng 12. Do có máy đốn chè nên diện tích chè được giải phóng nhanh. Cơ bản diện tích chè trên địa bàn tỉnh được đốn xong trước Tết Nguyên đán. Nhiều gia đình đốn xong chè, tranh thủ làm cỏ, xới đất bón phân chuồng, phân tổng hợp cho cây chè. Ngoài ra họ còn phun thuốc sun phát đồng, thuốc trừ sâu sinh học để tiêu diệt nấm, rệp, ký sinh trùng bảo đảm cây chè phát triển khỏe mạnh trong vụ xuân tới.

Phóng sự: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/mua-don-che-153475.html