Mùa gió muối
Lụa ngồi bên Hải, đêm nay trăng tròn. Trăng mang tính âm, biển thổi khí hàn, Lụa lại là phụ nữ. Cái lạnh se se làm Lụa càng nép sát vào Hải, khoảng cách dần chỉ còn vừa vặn một giọt thương.
- Anh có nhớ mùa trăng thứ mấy mình thương nhau rồi không? - Lụa thỏ thẻ hỏi người yêu.
Hải bấm đốt ngón tay, nhìn Lụa tinh nghịch:
- Hồi Lan xa anh thì em tới, chắc nay cũng 4 năm rồi?
- Lan nào? Anh không thương em.
Hải cười híp mắt, không giải thích mà siết chặt Lụa vào lòng. Lụa thả lỏng cơn hờn, hơi thở dần dịu nhẹ. Con gái hay nũng nịu, nhõng nhẽo thế thôi chứ Lụa thừa biết Hải chưa có ai ngoài mình và với Lụa, Hải cũng là mối tình đầu tiên.
Ba má sanh Hải gặp mùa biển động nên đặt tên như vậy cho dễ nhớ. Còn người yêu Hải sinh tháng 3, biển êm, mượt mà như lụa. Họ ở hòn đảo này, đánh cá mà sống, đổi gạo mà ăn, nhịp đời đều đều như thủy triều ngày hai bận.
Đối với họ, biển là ân nhân. Biển cho họ cá tôm, cho hoàng hôn xinh, cho bình minh đẹp, cho buổi hẹn hò lãng mạn. Biển nhiều hôm dậy sóng tung trời, có khi cuốn cả người, cả của. Những lúc vậy, họ nhìn lại mình, xem có làm gì lỗi với biển không, rồi sửa tính, sửa nết cho thuần hòa với biển.
Có khi tôm cá đi đâu hết, đời sống khó khăn, đi khắp làng chài chỗ nào cũng treo lưới chờ trời. Vậy mà họ vẫn ở đây. Với họ, biển là nhà, đảo là quê hương.
Mấy lần sang chơi, ba má Lụa hối cưới. Người ở đảo này phóng khoáng, bộc trực, muốn gì nói ngay, không quen thói vòng vo tam quốc. Bởi vậy nên trâu tìm cọc cũng được mà cọc tìm trâu cũng xong, được là tới, cốt làm sao cho đôi trẻ thương nhau sớm bền duyên tơ tóc.
Hải cũng muốn cưới vợ nhưng ngặt quá nghèo, gom chưa đủ vốn. Với Hải, lấy vợ về không phải để chịu khổ chung mình, chí ít cũng dư chút đỉnh để lúc gió dập sóng dồi có cái mà bỏ bụng. Chữ thương nói nghe nhẹ bẫng nhưng chẳng lẽ ăn cát, uống nước biển mà sống được sao. Với lại ông nội Hải dạy, muốn có vợ thì phải tu thân trước. Giả tỉ mình có cái tính ngang thiên chi địa, nóng nảy bốc đồng, biết sai nhưng không sửa mà vội lấy vợ, đẻ con ra giống mình, khổ nó. Ông nội nói con mình sao là tại mình, chứ trẻ nít có biết chi đâu, ai giận lên nói “mày giống ai chứ hổng giống tao” là bậy, rất có thể nó giống mình ở thời điểm nào đó mà mình quên.
Hồi Lụa chịu thương là Hải đã tính tới chuyện lập gia đình. Mỗi lần đi biển về, Hải không dám xài sang dù có khi hàng tháng trời lênh đênh, thiếu thốn. Tiền kiếm được Hải chia ra nhiều khoản, phần để dành cưới vợ, sống chết cũng chẳng đụng vô. Mỗi lần gặp Lụa, Hải khoe, Lụa gật đầu khen “đàn ông nên vậy”. Lụa cũng được má dạy thân con gái nên lấy ôn nhu thùy mị làm đầu. Đàn ông lo chuyện ở ngoài, đàn bà là nền tảng phía trong. Ai cũng có nhiệm vụ riêng và đều quan trọng như nhau. Có lẽ nhờ sống theo lời dạy người xưa mà làng chài này gia đình nào cũng ấm êm, hạnh phúc, không có cảnh chồng vợ bỏ nhau để con cái thiếu tình thương.
Năm nay gió Đông Bắc thổi sớm và sóng biển cũng mạnh hơn so với mọi năm. Người dân làng chài sợ cơn gió này vì mang hơi muối mặn chát. Thịt da lúc nào cũng rin rít khó chịu. Cây trái bị gió muối thổi vài tiếng, gặp thêm nắng là cháy lá, quắt queo. Mỗi năm vài tháng, dân làng chài phải chịu cảnh này.
Nhưng mùa này cũng là lúc biển có nhiều cá, nếu trúng là có cái tết sung túc, ấm no. Bởi vậy, Hải bàn với ông nội để theo tàu ra khơi. Ông nội già nhưng khí cốt bạt trời, đời ông trải qua biết bao nhiêu cơn bão, thứ sóng này tuy dữ nhưng ông coi rất bình thường. Ông nội thường dạy Hải, đàn ông đôi khi biết chết nhưng vẫn xông vào, vì một cái chết nhiều lúc có giá trị hơn là sống.
Hải tới gặp Lụa báo tin ra khơi. Lụa cứ trù trừ không quyết:
- Sao em cứ thấy bất an. Mấy hôm nay con mắt bên phải em cứ giựt hoài. Hay là để biển lặng rồi đi, nha anh!
- Em đừng lo lắng nhiều nè, chắc trong mắt em chỉ toàn là anh nên bị xốn thôi. Để anh đi chuyến này về rồi mình cưới, nha Lụa!
- Em cũng mong sớm về với anh, nhưng hổng biết sao em thấy lo lo.
- Anh biết là em thương anh nhưng mình ở biển mà sợ sóng, người ta nghe họ cười cho. Với lại đâu phải lần đầu anh ra khơi.
- Vậy thôi anh đi đi, nhưng nhớ cẩn thận đó!
Hải không trả lời câu nói ấy của Lụa mà ôm cô vào lòng. Hải thường thế, không quen sáo rỗng. Trăng đẹp như mặt tình nhân, gió muối thốc ào ào khiến nụ hôn rớm mùi biển mặn.
Nửa tháng, Lụa tới nhà Hải 10 lần, phần thăm ông nội, phần ngóng tin người yêu. Nhưng ông nội cũng như Lụa, đâu có tin tức gì. Ông cũng không lo, chừng nào về thì về. Thấy Lụa trông đứng trông ngồi, ông tức cười nhưng cũng vui vì đôi trẻ thương nhau thật sự. Mấy ngày sau gió càng to, sóng càng lớn. Lúc này trong lòng Lụa như lửa đốt. Chiều đó, Lụa thẩn thơ ra chỗ neo tàu, gặp ông Năm Hơn là người cùng làng, Lụa hỏi:
- Chú Năm ra ngoài đó có thấy tàu của anh Hải không?
Ông Năm chưa trả lời ngay mà nhìn Lụa từ trên xuống dưới một lượt, đôi mắt lóe lên tia rất lạ, nói:
- Mấy bữa trước có gặp. Tàu của chú hết nước đá nên về sớm. Thằng Hải nó có gửi đồ cho con.
- Gửi gì vậy chú?
Ông Năm đảo mắt nhìn quanh một vòng, kêu Lụa:
- Vô đây chú đưa cho!
Lúc này Lụa vui lắm vì biết tin Hải bình an, không nghi ngờ gì, theo ông Năm Hơn.
Lụa ngồi đó, nhìn quanh chỗ ở của ông Năm, thấy cực kỳ bề bộn, mùi dầu máy, mùi cá quện vào nhau rất khó chịu, trong một góc tàu vẫn còn đống chén chưa rửa. Bất thình lình ông ta ôm lấy Lụa, đè xuống sàn tàu. Lụa la lên nhưng không át được tiếng gió trời.
Mấy hôm sau Hải về, không thấy Lụa ra đón, Hải lấy làm lạ, hỏi ông nội. Ông nói:
- Hôm kia con Lụa có tới đây rồi ra chỗ neo tàu. Có người thấy nó lên tàu thằng Năm Hơn. Mấy nay không thấy nó qua.
Hải ngồi phịch xuống ghế, như người mất hồn, trong mắt như có lửa. Ông nội tiếp:
- Miệng thiên hạ nghe để đó thôi con. Cái gì cũng phải cẩn thận, kỹ càng, kẻo hối hận không kịp. Giờ mày qua nhà con Lụa coi tình hình thế nào.
Hải chưa trả lời liền, chỉ dạ một tiếng rồi chậm rãi đi ra cửa. Tới nhà Lụa, Hải thấy Lụa ngồi buồn, tựa cửa sổ nhìn ra. Đôi trẻ gặp nhau, nhiều điều khó nói, mắt ai cũng rơm rớm. Hải tới bên người yêu, khẽ ôm cô vào lòng, siết chặt. Lặng một lúc lâu, Hải hỏi Lụa với giọng run run:
- Ổng có làm gì em không?
Lụa siết chặt lấy Hải, thổn thức:
- Em sợ quá anh ơi!
- Đừng sợ! Đừng sợ! Có anh đây rồi, em có thế nào thì anh cũng thương em.
- Em đâu có bị sao.
- Thiệt hả?
- Thiệt mà, em chỉ sợ thôi.
- Sao? Kể anh nghe!
Hôm ấy, lúc ông Năm Hơn muốn giở trò thú tính, Lụa vùng vẫy nhưng sức con gái sao bằng sức đàn ông miền biển. Khi cái lưỡi nhớp nháp của ông chạm vào cổ Lụa, Lụa nghĩ mình xong rồi. Đột nhiên ông ta dừng lại, 2 tay vẫn giữ chặt người Lụa nhưng đôi mắt dần vô hồn như người dại. Rồi ông ta nhìn Lụa, Lụa nhắm mắt, ứa lệ. Ông ta từ từ thả lỏng tay, Lụa tung người chạy, nghĩ rằng trên đời này không ai may hơn mình nữa.
Nghe chuyện, Hải rất mừng nhưng đôi trẻ không hiểu tại sao ông Năm Hơn lại lạ lùng như vậy. Họ không biết rằng, chính vị mặn của gió muối đã cứu Lụa. Khi chất muối thấm bờ môi, bóng hình đứa con gái nhỏ chợt hiện trong đầu ông. Xưa, ông cũng có vợ, có con. Ngày ngày vợ chồng ông kiếm sống bằng nghề chài lưới. Một hôm biển động, sóng to, gió muối ù ù thổi, đứa con gái nhỏ về với biển khơi. Vợ ông không chịu nổi cú sốc này, dần dần lâm bệnh qua đời.
Cuốn phim cuộc đời ông tua nhanh ngay giây phút đó. Hình ảnh đứa con gái thân thương, hình ảnh chàng trai chất phác, thật thà được ba má dạy điều hơn lẽ thiệt. Ngay giây phút đó, phần người trong ông chiến thắng. Gió muối làm khô héo cây xanh, làm ram rám da người nhưng cũng là sợi dây kéo ông về nẻo thiện.
Hải và Lụa chạy ra chỗ neo tàu tìm ông Năm Hơn. Ông không còn đó, chắc chắn là ra biển. Sau cùng, ông vẫn có thể hiên ngang, sừng sững như hòn đảo giữa trùng khơi. Đôi bạn trẻ đứng lặng yên, bàn tay họ đan vào nhau, rin rít, cơn gió muối vẫn vi vút ầm ì./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mua-gio-muoi-a190017.html