Mùa lên nương trên Cao nguyên đá
Với hơn 80% diện tích tự nhiên là núi đá, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong số vùng đất có điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn nhất cả nước. Tuy nhiên, vào mỗi độ Xuân về, trên những triền đá tai mèo khô cằn, đồng bào các dân tộc lại tất bật lên nương gieo trồng cho vụ mùa mới.
Trời đổ mưa Xuân, gia đình anh Sùng Chẩn Mìn, xã Sủng Thài (Yên Minh) hối hả lên nương dốc của gia đình bắt đầu những công việc đầu tiên cho vụ mùa mới. Năm ngoái, mưa lớn xảy ra nhiều khiến một số diện tích bị sạt lở, rửa trôi. Năm nay, anh cẩn thận xếp lại từng phiến đá, tạo thành bờ rào kiên cố để vụ ngô mới không bị ảnh hưởng. Nhiều bà con trong thôn cũng đến đổi công, phụ giúp gia đình anh từ sáng sớm. Mỗi người một việc, đàn ông thì tay cuốc, tay cày, chị em phụ nữ vừa địu con nhỏ vừa bón phân, gieo hạt. Tiếng cười nói rộn ràng hòa cùng nhịp thanh âm của cuốc, xẻng, tạo nên “bản hòa ca” lao động giữa miền đá xám, báo hiệu một mùa vụ đầy hy vọng. Anh Sủng Chẩn Mìn chia sẻ: “Người Mông chúng tôi quanh năm sống nhờ nương rẫy, tuy vất vả nhưng quen cái tay rồi. Năm nay được chính quyền cấp cho giống ngô lai mới, gia đình lại chịu khó cải tạo giữ đất, chăm bón tốt nên hy vọng vụ này đạt năng suất cao”.

Đồng bào dân tộc Mông xã Sủng Trà (Mèo Vạc) chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Do địa hình chủ yếu là đồi núi đá vôi nên đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã sáng tạo ra “tri thức canh tác hốc đá” để tạo ra lương thực phục vụ đời sống. Phương thức nông nghiệp này được truyền qua nhiều thế hệ, không chỉ đòi hỏi sự cần cù, khéo léo mà còn gắn liền với tinh thần cộng đồng, thể hiện rõ qua hình thức “đổi công” lao động. Các gia đình luân phiên giúp nhau xếp đá, cày nương, gieo hạt, vừa tiết kiệm nhân lực, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Quá trình này cũng là dịp để bà con trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất. Họ duy trì hình thức này như một nét đẹp truyền thống, vừa gắn kết cộng đồng, vừa hỗ trợ nhau canh tác. Chị Thào Thị Chơ, xã Thắng Mố (Yên Minh) tâm sự: “Vì diện tích nương nhà tôi khá rộng nên bà con trong thôn đến hỗ trợ giúp ngày công để việc gieo trồng thuận lợi hơn. Điều này không chỉ giúp gia đình có thêm nhân lực mà còn tạo không khí vui tươi và gắn kết tình cảm làng xóm”.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Minh, thời tiết tại địa phương ngay từ đầu năm lượng mưa nhiều, độ ẩm cao nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo gieo trồng đúng khung thời vụ, Phòng đã xây dựng kế hoạch đôn đốc các xã triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón và vật tư nông nghiệp theo nhu cầu thực tiễn của người dân. Đặc biệt, với các đối tượng thuộc diện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia đều được hỗ trợ ngay từ rất sớm với nhiều loại cây giống mới có giá trị kinh tế cao và khả năng chịu hạn tốt. Vào đầu mỗi mùa vụ, ngành phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn khoa học kỹ thuật vào canh tác, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng các loại cây lương thực chính. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 2024 đạt 45,6 nghìn tấn, đạt 99,88% kế hoạch, tăng 63 tấn so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác ước gần 47 triệu đồng, đạt trên 96% kế hoạch.
Đồng chí Giang Lộc Thăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Minh cho biết: “Nhằm thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động người dân chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang giống cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2024, huyện thực hiện chuyển đổi 124 ha đất ngô bạc màu sang các cây trồng khác như: Ớt, lạc, đậu tương và sắn cao sản. Thông qua hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất bền vững mới”.
Mỗi độ Xuân về, trên những sườn đá xám, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá lại tất bật lên nương, tay cày, tay cuốc gieo trồng cho vụ mùa mới. Không lâu nữa, màu xám của đá núi sẽ được phủ kín bởi những nương ngô, nương lúa. Những mầm xanh ấy không chỉ hy vọng về một mùa vàng bội thu, no ấm cho thôn làng mà còn là biểu tượng cho tinh thần cần cù, ý chí bền bỉ vươn lên của đồng bào vùng cao trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202503/mua-len-nuong-tren-cao-nguyen-da-72651fa/