Mưa lũ kinh hoàng, người dân không kịp trở tay

Từ đêm 8/6 đến sáng 10/6, do ảnh hưởng của rãnh thấp nhiệt đới kết hợp với vùng xoáy thấp, ở một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, có nơi mưa rất to như xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lượng mưa lên tới 428mm. Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên thượng nguồn sông Lô (Hà Giang), sông Gâm (Cao Bằng) đã xuất hiện lũ. Mực nước cao nhất trên sông Lô tại Hà Giang, sông Gâm tại Bảo Lạc vượt báo động 3, làm 3 người chết và một số người mất tích.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Hà Giang giúp dân vận chuyển phương tiện ra khỏi khu ngập úng. Ảnh Tiến Thắng

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Hà Giang giúp dân vận chuyển phương tiện ra khỏi khu ngập úng. Ảnh Tiến Thắng

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Đài khí tượng thủy văn Hà Giang cho biết, trận lũ sáng 10/6 là một trong những trận lũ lớn trong vòng 30 năm trở lại đây. Lũ về trong đêm, nước dâng quá nhanh nên nhiều người dân không kịp trở tay. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa lũ đã làm 3 người chết, gồm có 2 bố con cùng một gia đình ở huyện Hoàng Su Phì do bị lũ cuốn và bà Lò Thị Cho, trú tại thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ do bị sạt lở taluy dương gây vùi lấp.

Mưa lũ tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ từ ngày 8 đến ngày 10/6 đã làm 3 người chết, hơn 2.400 nhà bị ngập nước, thiệt hại. Do ảnh hưởng của mưa lũ, hơn 2.400ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 157ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 513 con gia súc, 230 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt với tổng khối lượng trên 21.400m đất, đá, bê tông.

Mưa lũ đã làm trên 1.200 ngôi nhà ở Hà Giang bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó, 1 hộ dân phải di dời khẩn cấp, 3 nhà sập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ làm hơn 221ha lúa, rau màu và 19ha ao cá bị ngập úng, 2 trại chăn nuôi bị hư hỏng. Các tuyến quốc lộ bị sạt lở gây hư hỏng mặt đường tại nhiều vị trí, ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng hơn 7.600m3; gây ngập úng tại 3 điểm lớn làm ách tắc giao thông. Ngoài ra, còn có 3 tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, ngập úng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ước tính khối lượng đất đá sạt lở trên 5.000m3. Trên 160 ô tô và xe máy bị ngập nước, nhiều tài sản khác của người dân như ti vi, tủ lạnh, máy giặt bị hư hỏng. Mưa lũ cũng làm hư hỏng một số cột điện, công trình kè, đường ống cấp nước… Ước tính, thiệt hại do trận mưa lũ này gây ra gần 20 tỷ đồng.

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang cho biết, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã gây ngập úng cục bộ nhiều nơi, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Giang có nhiều điểm nước dâng cao 1 đến 1,5m, làm ngập nhiều tuyến đường và nhà dân. Một lượng lớn bùn, đất đá đã sạt xuống nhiều tuyến đường gây cản trở, ách tắc giao thông, các phương tiện không thể di chuyển.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã kịp thời huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan Bộ Chỉ huy và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đến các điểm bị ngập úng, sạt lở, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn ứng cứu, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân di dời tài sản ra khỏi vùng ngập úng. Đồng thời, tổ chức khơi thông dòng chảy, hướng dẫn, giúp đỡ người dân di chuyển tránh các khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở... Đối với các tuyến đường bị nước dâng cao, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ phân luồng, hỗ trợ giúp người dân di chuyển phương tiện.

Mưa lớn diện rộng trong những ngày qua cũng làm cho một số khu vực của tỉnh Quảng Ninh bị ngập sâu, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, mưa lớn kéo dài gây lũ trên sông Ba Chẽ và ngập một số ngầm tràn trên địa bàn các xã của huyện Ba Chẽ làm thiệt hại một phần diện tích lúa và hoa màu của nhân dân. 1 hộ dân có nhà bị sạt lở phải di dời,13 điểm trên tuyến đường huyện, liên xã, thôn bị sạt lở. Tại thành phố Uông Bí có trên 130ha ao, đầm thủy sản bị ngập, trôi 500 con gia súc, gia cầm. Huyện Tiên Yên bị ngập khoảng 300ha lúa, 4 hộ dân có nhà bị ngập trên 1m, 4 hộ dân khác có nhà bị sạt lở bờ tường và công trình phụ. Tại thành phố Hạ Long, 1 cột điện dân sinh bị đổ, 29 nhà dân bị ngập lụt, 20ha lúa bị ngập. Còn tại huyện Bình Liêu, mưa lớn gây sạt lở 6 điểm trên tuyến đường liên xã.

Tại Cao Bằng, trong 3 ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Gâm tiếp tục dâng cao, gây ngập úng, khó khăn cho việc di chuyển của người dân và phương tiện tại huyện Bảo Lâm. Thống kê sơ bộ, có 42 nhà dân khu vực này bị ngập. Một số tuyến đường nối từ Pác Mjầu đi Hà Giang và một số xã trong huyện bị tắc cục bộ, có đoạn nước ngập sâu trên 1,5m.

Thủ tướng yêu cầu khắc phục nhanh nhất hậu quả mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong mấy ngày tới (từ ngày 14 đến 17/6), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100-150mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Trên các sông thuộc lưu vực sông Thao, sông Đà, sông Lô có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Nước sông Lô tại thành phố Hà Giang dâng cao gây ngập úng nhiều tuyến phố và nhà dân. Ảnh: Tiến Thắng

Nước sông Lô tại thành phố Hà Giang dâng cao gây ngập úng nhiều tuyến phố và nhà dân. Ảnh: Tiến Thắng

Trong công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023, nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng núi, trung du Bắc Bộ, Thủ tướng yêu cầu huy động lực lượng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn, nhất là những gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-lu-kinh-hoang-nguoi-dan-khong-kip-tro-tay-post476878.html