Mùa lúa chét quê tôi
Có lẽ với nông dân quê tôi, lúa chét chính là thứ đặc ân ông trời ban tặng. Đồng lúa gặt xong rồi, trời đổ xuống mấy trận mưa, sau đó gốc rạ lại đâm chồi cho một vụ mới, hỏi ai không phấn khởi. Nhưng chẳng phải mùa nào cũng thu hoạch được lúa chét.
Cô gái chăn vịt
Cánh đồng vùng rốn lũ quê tôi thường làm vụ đông xuân “gối” qua vụ hè thu. Riêng vụ hè thu hoạch cắt lúa xong rồi bỏ hoang qua 3 tháng mùa mưa lụt, đến cuối tháng 12 mới sạ lại vụ đông xuân. Thời gian ruộng bỏ hoang, từ gốc rạ ra lá non phát triển thành cây lúa rồi “tròn mình” (làm đòng) trổ gié gọi là lúa chét (lúa tái sinh).
Đến bây giờ tôi vẫn không quên những ngày người ta đi cắt lúa chét trên cánh đồng quê đông như hội, sân nhà ai cũng ủ đống lúa to đùng. Tiếng đập lúa ình ình khắp xóm. Và, tôi cũng không thể quên được một người con gái tên Thúy An.
Thúy An theo ba mẹ đem mấy trăm con vịt chạy đồng đến xóm tôi. Miền Tây Nam Bộ, nói vịt chạy đồng thì chẳng ai lạ gì. Nhiều khi nước lên ngập đồng này nhưng các cánh đồng lân cận vẫn còn khô ráo.
Người nuôi vịt phải đem vịt đến mấy cánh đồng chưa ngập vì ở đó thức ăn nhiều, tha hồ vỗ béo. Năm đó cánh đồng quê tôi cắt xong vụ hè - thu, con đập Trà Bông xả rồi mà nước vẫn chưa thấy ngấp nghé.
Thế là hàng chục hộ nuôi vịt tứ xứ đổ xô về, trong đó có gia đình Thúy An. Họ dựng trại, căng chuồng vịt dọc theo bờ kênh, sáng sáng lùa vịt ra đồng cho ăn, chiều lùa vịt về chuồng. Mọi sinh hoạt của mấy con người gói gọn trong cái trại nhỏ xíu cất sát bên chuồng vịt.
Ba Thúy An dựng cái trại vịt gần vàm kênh, cách nhà tôi chừng năm trăm thước. Chiều hôm trước dựng trại, sáng hôm sau Thúy An lùa vịt ra đồng thì tôi thấy có bốn năm thằng con trai cỡ tôi đứng trên bờ kênh dòm lom lom.
Tôi nhớ khi ấy tôi cũng dòm Thúy An nhưng không trơ như bọn kia. Tôi giả đò xách cây cần nhấp ếch đi nhấp dọc bờ kênh, tay thì nhấp nhưng mắt lúc nào cũng lén dõi theo từng cử chỉ của cô gái chăn vịt đồng xinh xắn.
Đến nỗi, con ếch cái già ăn mồi ghì nặng trịch mà tôi cũng quên giựt. Sẩy con ếch bự, mồi cũng hết, tôi xấu hổ như bị người ta bắt quả tang làm chuyện xấu, đành vác cần nhấp về, lòng bực bội không nguyên cớ.
Thời gian sau đó, thỉnh thoảng Thúy An có tới nhà tôi. Khi thì mượn con dao cái búa cho ba cô sửa trại vịt, khi thì đem qua tô canh bí, mớ đọt lang cho nhà tôi, nói là gửi ăn lấy thảo, là xứ lạ quê người có gì nhờ ba má tôi thương tình giúp đỡ.
Má tôi cũng hay sai chị tôi đem qua cho nhà Thúy An mớ đậu mớ cà. Má nói người ta vì hoàn cảnh nên mới xa quê đến đây, mình giúp được gì thì giúp.
Tôi thấy má đúng, nhưng cái việc đem đồ cho gia đình Thúy An thì tôi không bao giờ làm, tôi toàn lấy cớ này cớ nọ để đẩy cho mấy chị tôi đi thôi. Dù mỗi lần đùn đẩy xong rồi, lòng lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Nhớ mùa lúa chét
Tôi nhớ năm đó, đợi đến rằm tháng tám chưa thấy nước lên đồng mặc dù các đập đã xả từ lâu. Bầy vịt của Thúy An được dịp ăn mồi đã đời, con nào con nấy ú quây. Ba Thúy An hay đến nhà tôi nhậu với ba tôi.
Ngà ngà say ông bảo, trời thương tôi anh à, tự nhiên chạy tới cánh đồng này rồi vịt ăn hoài không hết. Nước xăm xắp kiểu này dù có năm ngàn con vịt cũng no mồi nữa chứ đừng nói mấy trăm con như tôi.
Vài bữa nữa tôi bán bầy vịt này, về quê cất được cái nhà luôn anh ơi... Ba tôi nghe, chỉ cười nhẹ, trầm ngâm không nói gì, lại rót rượu và uống. Tôi ngồi trước sân, nhìn Thúy An lùa vịt về chuồng, đôi chân em thoăn thoắt, dáng uyển chuyển như đang bước trên cung mây.
Như đã nói, nước lên chậm, cánh đồng quê tôi lại được trời ban tặng cho một món quà quý, đó là lúa chét. Lúa chét còn gọi là lúa tái sinh, chúng mọc từ mầm ủ trong thân cây lúa (gốc rạ) sau khi thu hoạch vụ trước.
Đoán chừng nước không lên cao, bà con xóm tôi liền kéo nhau ra “bẹo cờ” mấy công đất để không cho vịt vào ăn nữa, dưỡng lúa chét. Ba má tôi cũng “bẹo cờ” đất nhà, lại mướn thêm mấy mẫu đất với hy vọng thu hoạch một vụ lúa chét bội thu. Nói chung trong xóm ai cũng phấn khởi.
Chỉ riêng mấy gia đình nuôi vịt chạy đồng như Thúy An là rầu, bởi lúc này nhìn đâu đâu trên đồng cũng thấy cờ bẹo trắng xóa, không biết lùa vịt đi đâu cho ăn. Ba Thúy An cũng ít tới nhà tôi nhậu như lúc trước.
Thỉnh thoảng ông có ghé nhà chơi thì ba tôi cũng nói bóng gió, đại loại là mấy công đất trước cửa nhà tôi đã mua lại của người ta với giá bao nhiêu, đã “bẹo cờ” hết rồi, để mai mốt cắt lúa chét. Ba tôi nói phải canh giữ kỹ nếu không vịt vô ăn là coi như nhà tôi lỗ vốn. Tôi thấy ba Thúy An không nói gì, chỉ gượng cười rồi quay đi.
Mỗi tảng sáng, Thúy An không còn lùa vịt ngang qua cánh đồng trước cửa nhà tôi nữa, mà lùa qua con rạch phía sau hè, lùa miệt vô đồng sâu, đến tối mịt mới về. Mấy lần tôi giả đò đi cắm câu ở đồng sâu, giả đò tình cờ gặp Thúy An đang ngồi gỡ tóc rối dưới hàng cây còng rợp bóng.
Tôi lân la tới hỏi Thúy An ăn cơm chưa, hỏi lùa vịt đi xa vậy có mệt không, hỏi sao ít thấy ba ra đồng mà toàn là Thúy An đi... Thúy An nhìn tôi cười buồn, cái răng khểnh và lúm đồng tiền của cô làm tôi bối rối. Cô nói ba cô đang tìm thương lái để bán bầy vịt. Rằng nay mai cả nhà cô sẽ về quê bên Đồng Tháp.
Thúy An kể ba cô bảo chắc sẽ không nuôi vịt chạy đồng nữa, nghề này bấp bênh quá, rằng ba cô sẽ về sửa lại cái nhà, rồi đi làm thợ mộc. Còn cô thì ba má cũng gả sớm thôi, có mấy mối dạm lời mà ba má còn đang suy nghĩ...
Tôi không còn nghe rõ Thúy An nói những gì sau đó nữa. Trong tôi dậy lên nỗi buồn. Tôi bỏ chạy ra cánh đồng trơ gốc rạ, chạy trên những vạt đê lởm chởm đất khô, lội băng qua mấy con kênh nước đục ngầu.
Tôi không biết đang chạy đi đâu. Tới khi hai bàn chân tôi rướm máu, tôi mới nằm vật xuống một đống rơm khô và khóc như đứa trẻ, khóc cho đến khi những vệt trăng loang lổ cánh đồng, mới lững thững về nhà.
Mùa lúa chét trĩu nặng... tâm tư
Rồi cũng tới ngày lúa chét chín, cả nhà tôi kéo nhau đi cắt. Mỗi người được trang bị một cái thau bự, buộc dây kéo theo, cắt được nắm lúa nào thì bỏ vào thau, đầy thau thì lấy trút vô bao để trên bờ mẫu. Thường thì má tôi và mấy chị cắt, tôi làm nhiệm vụ đổ lúa vào bao, rồi vác về ủ một đống cao như đống rơm trước sân nhà.
Cắt xong thì tới công đoạn đập lúa. Hột lúa chét dính vào thân chắc hơn hột lúa thường. Do vậy chúng tôi phải đập cật lực bằng khúc tre to. Đập mỏi quá thì vò, thì đạp, hết mỏi lại đập tiếp. Lúa đập xong má tôi phơi rồi rê lại, sau đó vô bao chất bên hông nhà. Hột lúa chét nhỏ hơn lúa thường, nhưng gạo xay ít bị gãy.
Cơm gạo chét rất thơm ngon, mềm xốp nên ai cũng thích. Cả xóm tôi khi ấy tập trung hết vào vụ lúa chét, dường như mọi thứ lúc này chẳng gì quan trọng bằng. Tôi là lao động chính nên cũng dốc sức phụ giúp gia đình thu hoạch cho kịp mấy mẫu lúa chét.
Cái vòng lẩn quẩn cứ cắt, ủ, đập, phơi, rê lúa, vô bao dự trữ rồi lại tiếp tục cắt lúa khiến tôi không còn thời gian nghĩ đến chuyện gì khác. Tuy vậy, thỉnh thoảng hình bóng Thúy An vẫn khiến lòng tôi xao động. Những lúc như thế, tôi càng làm việc dữ dội hơn. Tôi muốn hơi thở mình mạnh thêm, mồ hôi chảy nhanh hơn để xô đẩy hình bóng Thúy An khỏi tâm trí.
Nhiều lần bưng lúa cho tôi đập hoặc đứng rê lúa, má tôi cũng hay nhắc đến Thúy An. Má nói, hôm rồi ba Thúy An qua nhà tôi chơi, ông có bảo là đã chọn được một mối cho cô ấy rồi, chắc tết này gả. Má Thúy An khen bên chồng tương lai của Thúy An khá giả lắm, nhà có cả chục công đất, cô lấy người ta thì không còn vất vả nữa.
Tôi giả vờ không để ý gì tới những lời má nói, nhưng không hiểu sao lòng tôi như lửa đốt. Tôi nắm chặt thanh tre như muốn bóp vụn nó ra, tôi đập từng nhát thật mạnh xuống đống lúa. Mồ hôi túa ra như tắm. Máu cuộn lên từng đợt trong tim.
Một buổi chiều nọ, khi đang loay hoay trút mấy thau lúa vô bao định vác về trước khi trời tối thì tôi thấy Thúy An lại. Cô thông báo với tôi rằng ngày mai thương lái tới mua bầy vịt của cô, gia đình cô cũng sẽ nhổ trại về quê.
Cô nói thêm mấy lời nữa nhưng giọng nghèn nghẹn khiến tôi không nghe được, rồi cô nhét vô tay tôi vật gì đó và chạy về phía đồng. Tôi đứng lặng thật lâu, chẳng biết nên làm gì. Cánh đồng bỗng chốc ngập tràn bóng tối.
Tôi khuỵu xuống dựa vào bao lúa, nước mắt trào ra. Thúy An tặng tôi chiếc khăn tay trắng tinh nhưng khi tôi mở ra thì bùn đã lấm lem gần hết, do bàn tay tôi đã lấm bùn.
Rồi cánh đồng lúa chét cũng chỉ còn trơ gốc rạ. Ba Thúy An đã nhổ trại vịt từ lâu. Ngày cô và gia đình trở về quê, tôi trốn miệt trong đồng. Lúc tối về nhà nghe má tôi nói Thúy An có tới chào tạm biệt nhà tôi. Cô có hỏi thăm tôi nhưng má không biết tôi đi đâu. Tôi bảo, mỗi năm có mấy chục trại vịt tới cánh đồng này, hơi đâu mà bận lòng má ơi.
Trại vịt cuối cùng đã nhổ đi mấy ngày nay. Trên nền đất còn sót lại vài lỗ cọc sâu hắm như vết thương chưa lành miệng. Mấy bãi đất dọc bờ kinh vẫn còn hằn rõ dấu chân vịt, phân vịt lông vịt khắp nơi. Thế nhưng, có vẻ dân xóm tôi chẳng còn ai để ý đến.
Mọi người còn mãi cuốn theo niềm vui của một vụ lúa chét bội thu. Nhà tôi năm đó cũng trúng lớn. Tự nhiên được mấy chục giạ lúa trên trời rơi xuống đâu phải chuyện dễ, má tôi nói thế. Má còn nói, phải chi năm nào cũng được một mùa lúa chét như vầy thì dân tình bớt khổ. Ba tôi cãi lại, bảo lâu lâu một mùa thì được, chứ mùa nào nước cũng cạn queo như năm nay, đất đai không được phù sa bồi đắp thì lấy gì mà trồng trọt.
Nhưng sự đoán định của ba má tôi đều sai hết, bởi đó là mùa lúa chét cuối cùng ở cánh đồng quê tôi. Từ đó trở về sau, năm nào nước cũng lút đầu, có khi cắt lúa vụ hè thu còn không kịp.
Rồi người ta bao đê thâm canh tăng vụ, trồng lúa và hoa màu đan xen nhau, chỉ lâu lâu mới xả đê một lần cho đất đai được tắm táp. Tôi cũng không gặp lại Thúy An lần nào nữa, dù năm nào tới mùa nước nổi tôi cũng dõi mắt theo mấy ghe chở vịt chạy đồng. Có mấy lần tôi lặn lội qua miệt Đồng Tháp, giả bộ hỏi nhà người quen để dò tìm gia đình Thúy An, nhưng vẫn vô vọng.
Có lẽ Thúy An đã lấy chồng, đã làm mẹ rồi cũng nên. Nhiều lúc tôi nghĩ, cô đi ngang qua cuộc đời tôi cũng ngẫu nhiên như vụ chét chợt vàng ươm khắp cánh đồng rồi mãi mãi tìm lại chẳng thấy. Cái khăn tay Thúy An tặng ngày trước giờ tôi vẫn cất kỹ trong tủ, lâu lâu lại lấy ra xem.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-lua-chet-que-toi-201501.html