Mùa nắng nóng, coi chừng dị ứng
Qua những nghiên cứu, giới bác sĩ da liễu và dinh dưỡng phát hiện thấy, dị ứng là một trong những căn bệnh phổ biến, nhất là khi trời nắng nóng, với nhiều nguyên nhân.
Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất vô hại trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng, các phản ứng này xảy ra nhanh và có thể dự đoán được.
Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm và được gọi là quá mẫn loại I (xảy ra tức thì). Nó kích hoạt quá mức các tế bào bạch cầu lympho B và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến phản ứng viêm nhiễm như chàm, phát ban, sốt, lên cơn hen suyễn...
Dị ứng nhẹ rất phổ biến, gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi. Ở một số trường hợp thuốc y dược cũng có thể gây phản ứng phản vệ (sốc phản vệ) đe dọa đến tính mạng.
Để chẩn đoán, người ta phải dùng các thử nghiệm trên da để kiểm tra mức độ phản ứng với các chất gây dị ứng hoặc phân tích máu kiểm tra sự hiện diện và nồng độ của kháng thể IgE. Điều trị dị ứng bao gồm tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, sử dụng các thuốc chống dị ứng, steroid (thuốc kháng viêm) hoặc các loại thuốc khác.
Dưới đây là những lý do gây dị ứng nhiều lúc khó ngờ được.
Chàm dị ứng có mối quan hệ mật thiết với dị ứng thực phẩm ở trẻ em: chàm dị ứng (Allergic Eczema) là một dạng phát ban khô, ngứa, đau rát kèm theo mụn nước. Những nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh chàm có liên quan đến dị ứng ở trẻ em, khoảng 20 % số trẻ em bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này và có tới 30% số trẻ bị dị ứng thực phẩm lại mắc bệnh chàm dị ứng.
Nghiên cứu còn phát hiện thấy vùng da gần các đốm chàm thường có cấu trúc phân tử khác với các vùng da khác ở nhóm trẻ bị dị ứng thực phẩm. Trẻ bị bệnh chàm dị ứng nếu bị dị ứng thực phẩm thì có cấu trúc da phân tử, so với nhóm trẻ không bị dị ứng thực phẩm. Chính cấu trúc phân tử da này cho phép phát hiện sớm dị ứng thực phẩm ở trẻ em.
Ký sinh trùng gây ngứa khi bơi lội: phát ban clo thường bị nhầm với ngứa khi bơi lội. Mặc dù cả hai đều xuất phát từ bể bơi, trong một cơ thể nhưng lại không giống nhau. Phát ban clo chỉ xuất hiện sau khi bơi trong nước có chứa clo, nhưng khi bơi trong nước không có clo sẽ không còn ngứa nữa. Con người không thể phát triển dị ứng với clo được mà chỉ bị tổn thương với clo, còn ngứa khi bơi lội là do ký sinh trùng gây ra.
Ngứa khi bơi lội (còn được gọi là viêm da do cercarial) là do ký sinh trùng. Nó thường xuất hiện trong hồ bơi, ao và đôi khi là nước mặn. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra trong bể bơi vì clo ngăn chặn ký sinh trùng phát triển.
Giấy lau có thể gây dị ứng thực phẩm ở trẻ em:khăn lau trẻ em là sản phẩm mới được cho là thủ phạm gây dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh. Qua nghiên cứu cho thấy, giống như xà phòng, khăn lau cho trẻ em có thể làm xáo trộn các hóa chất ở lớp trên cùng của da.
Một số trẻ em có các gen có thể gây ra bất kỳ tương tác nào với các hóa chất nói trên và cuối cùng dẫn đến dị ứng thực phẩm. Đây là lý do, các nhà nghiên cứu khuyến nghị các bậc cha mẹ nên tránh dùng khăn lau, thay vào đó, sử dụng nước để vệ sinh cho em bé.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ thực hiện trên chuột sơ sinh chứ không phải trẻ nhỏ nên cần thêm nhiều nghiên cứu nữa mới có thể kết luận được chính xác.
Dị ứng với thiết bị công nghệ:đầu tiên là dị ứng với máy điều hòa nhiệt độ. Theo giới da liễu cái gọi là dị ứng điều hòa ở đây chính là các hạt huyền phù có trong không khí như phấn hoa, mạt bụi, vẩy, nấm mốc, độc tố, vi khuẩn, vi rút, hoặc hóa chất độc hại khác.
Phấn hoa đi vào tòa nhà thông qua các cửa ra vào và cửa sổ hoặc thông qua quần áo và giày dép của con người. Đôi khi chất tạo dị ứng có thể phát sinh ngay trong tòa nhà như sản phẩm tẩy rửa gia dụng hay làm đẹp, vệ sinh cho con người...
Thứ hai là dị ứng Wi-Fi: quá mẫn điện từ (Electromagnetic hypersensitivity hay EHS) là một dị ứng được cho là gây ra do sống gần các thiết bị phát sinh tín hiệu điện từ. Ví dụ, phụ huynh của một đứa trẻ 12 tuổi ở Massachusetts, Mỹ, mới đây đã kiện trường học do thiết bị Wi-Fi của trường phát tín hiệu gây EHS, khiến đứa trẻ này chảy máu cam và tim đập nhanh. Thật kỳ lạ, các bác sĩ không thể chẩn đoán được bệnh vì nó biến mất khi cậu bé nghỉ học.
Nhận diện được các “thủ phạm” gây dị ứng nói trên, để có thể phòng tránh, cách tốt nhất là không để bị dị ứng. Khi đã bị dị ứng và ngứa, có thể chườm đá để giảm nhẹ triệu chứng. Trong một số trường hợp, cần đến bác sĩ da liễu để được thăm khám và cho thuốc bôi hoặc uống. Không nên tùy tiện dùng thuốc.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mua-nang-nong-coi-chung-di-ung.html