Mùa nắng nóng, làng nghề lại lo cháy

Không chỉ đóng góp quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh còn góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và đặc trưng của từng địa phương. Tuy nhiên, do chưa được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nên nhiều làng nghề luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là làng nghề mộc, tái chế nhựa, bông vải sợi...

Công an thị trấn Yên Lạc hướng dẫn các hộ dân làng nghề mộc kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Công an thị trấn Yên Lạc hướng dẫn các hộ dân làng nghề mộc kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Đã nhiều tháng trôi qua kể từ vụ cháy lớn tại cơ sở tái chế nhựa của các ông Nguyễn Kim Bộ, Lê Trung Thực và Nguyễn Văn Quỳnh ở cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng phần lớn nhà xưởng, nguyên liệu, hàng hóa của các hộ đều bị thiêu rụi, thiệt hại tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng. Vụ cháy một lần nữa cho thấy công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các làng nghề còn nhiều bất cập.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 làng nghề, trong đó, có 19 làng nghề truyền thống, 2 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề. Các làng nghề phát triển đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 55.000 lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, những năm gần đây, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng chức năng, các CCN và làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật PCCC, phần lớn theo mô hình kết hợp sản xuất kinh doanh và nhà ở, nhiều làng nghề nằm đan xen trong khu dân cư, bởi vậy, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao, nhất là thời điểm mùa hè, thời tiết hanh khô.

Tại thị trấn Yên Lạc, nơi có làng nghề mộc truyền thống có từ hàng trăm năm trước với hơn 2.000 hộ làm nghề thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các sản phẩm gỗ với các mặt hàng chủ yếu như giường, tủ, bàn ghế… Tuy đã được quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề nhưng do một số nguyên nhân, đến nay, nhiều xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 30 vụ cháy, trong đó, có hàng chục vụ cháy tại các làng nghề truyền thống. Mặc dù số vụ cháy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024, nhưng nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề luôn ở mức cao.

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC cho các làng nghề, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, công an địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm trang bị kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân và các chủ hộ sản xuất kinh doanh. Tổ chức hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các tổ liên gia an toàn PCCC, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở…

Với phương châm “3 tại chỗ”, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và các điểm chữa cháy công cộng tại các làng nghề, nhất là những làng nghề có nguy cơ cháy nổ cao như làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên); thị trấn Yên Lạc; làng nghề mộc Bích Chu (Vĩnh Tường); làng nghề chế biến bông vải sợi Yên Đồng (Yên Lạc)…

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 330 tổ liên gia an toàn PCCC và hơn 560 điểm chữa cháy công cộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn lực lượng PCCC tại chỗ, các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề về kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát nạn an toàn khi có sự cố xảy ra. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, hệ thống cấp nước phục vụ chữa cháy đồng bộ cho CCN, làng nghề.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng, mưa dông bất thường nên rất dễ xảy ra cháy nổ, chỉ cần một bất cẩn nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả lớn, nhất là những hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề bông vải sợi, chế biến gỗ…

Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, mỗi người dân, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao ý thức PCCC và tự trang bị kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm an toàn để bảo vệ tài sản, bảo vệ bản thân, gia đình và người thân khi có tình huống xấu xảy ra.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128060//mua-nang-nong-lang-nghe-lai-lo-chay