Mùa nhặt trái vàng
Cuối xuân, khi những 'trái vàng' rụng đầy dưới tán điều là mùa thu hoạch đã tới. Từng đoàn người cần mẫn nhặt lấy phần hạt mang về cho chủ vườn, đưa vào nhà máy chế biến thành loại hạt có giá trị cao, cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Các nhân công đến đây thu hoạch điều thuê chủ yếu đi cả gia đình
Thiên di trong cánh rừng vàng ruộm quả
Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, những cánh rừng điều (đào lộn hột) bắt đầu chín rộ. Những chùm quả chín mọng vàng ươm hoặc đỏ au lúc lỉu trên cành lần lượt rụng xuống mặt đất. Khi ấy, là lúc người nông dân nơi những vườn điều xanh ngát trải dài tít tắp từ Tây Nguyên xuống miền Đông đất đỏ Bình Phước bước vào mùa thu hoạch điều, một mùa vụ nhộn nhịp và đầy hứa hẹn. Đây cũng là giai đoạn háo hức nhất của một mùa vụ khi mọi người thoăn thoắt nhặt những quả điều chín mọng. Không khí lao động tại các vườn điều trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi người dân khẩn trương thu nhặt, phân loại và chế biến hạt điều để kịp cung ứng cho thị trường.

Các nhân công đến đây thu hoạch điều thuê chủ yếu đi cả gia đình
Mùa điều chín cũng là mùa thiên di của nhiều lao động thời vụ ở khắp các địa phương đổ về vùng điều. Nhiều lao động từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên đổ lên Tây Nguyên, nhiều lao động từ miền Tây cũng nườm nượp về các vùng điều Bình Phước để nhặt điều kiếm thêm thu nhập.
Ánh nắng cuối mùa khô chiếu xiên xuống những rừng điều cổ thụ đang mùa chín quả. Từng tốp người cặm cụi ngồi nhặt và di chuyển chậm rãi như đàn kiến cần mẫn. Họ nhặt từng quả điều rồi ngắt lấy phần hạt bỏ vào làn hay gùi đựng, bỏ phần quả chín nhão gọn sang một bên. Cứ thế từng mét vuông đất, nơi những quả điều chín rụng được thu nhặt sạch sẽ bởi những đôi bàn tay thoăn thoắt nhặt, ngắt.

Dù công việc có nhọc nhằn nhưng những nhân công làm thuê vẫn kiên trì bám vườn, kiếm sống
Anh Điểu Thân (người M’nông, trú Đắk Nông) chia sẻ, loại quả điều này chứa một loại dầu độc, có thể gây bỏng da nếu không được xử lý cẩn thận. Nhiều người không biết thấy quả chín mọng rất đẹp mắt, ăn vào lúc đầu có vị ngọt nhẹ nhưng chỉ sau vài phút môi miệng sẽ sưng tấy ngay. Khi thu nhặt điều và ngắt hạt, nếu chỉ dùng tay không trang bị bảo hộ mà không cẩn thận có vết xước ở tay cũng sẽ bị sưng tấy, đau nhức rất khó chịu. Chính vì thế, ngoài việc lấy hạt thì quả điều chín mọng thường sẽ không được sử dụng mà chủ yếu để làm phân bón ngay tại vườn.
Điểu Thân cho biết: “Công việc không cần phải học, không đòi hỏi tay nghề mà đem lại thu nhập khá nên hằng năm vợ chồng tôi đều đặn lên đây lượm điều thuê. So với công việc làm thuê khác thì lượm điều mỗi ngày cho công cao gấp đôi. Chịu khó ít tháng mà thu nhập tốt cho gia đình”.

Dù công việc có nhọc nhằn nhưng những nhân công làm thuê vẫn kiên trì bám vườn, kiếm sống
Tại thủ phủ điều Bình Phước đang vào mùa thu hoạch, nhiều nhân công từ các địa phương cũng tập trung về nhặt điều kiếm thu nhập. Họ dựng lều, dựng bếp để sinh hoạt ngay trong rừng điều cho thuận tiện công việc. Vợ chồng anh Trần Văn Tùng ở Tây Ninh đến xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) nhặt điều thuê ăn vội chén cơm mới xới khi đã quá giờ Ngọ. Anh cho biết: “Nghề này sướng hơn làm thuê ở quê tôi. Ở quê làm vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Lượm điều thuê tuy có đau lưng nhưng công việc không tốn sức nhiều lại mát mẻ. Nếu siêng năng mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 500 nghìn đồng. Chủ vườn có tới 40 ha điều nên ngoài cả gia đình trụ ở đây, tôi còn rủ thêm hàng xóm cùng làm và sống quây quần hỗ trợ nhau, vì diện tích của chủ vườn lớn nên công việc vẫn có làm đều đều, không lo thất nghiệp!”.

Vào mùa thu hoạch, những quả điều chín mọng trên cây
Bà Trần Thị Hường, có 6 ha điều ở Đắk Song (Đắk Nông) cho biết, vào thời điểm điều chín rộ cần lượng nhân công rất lớn để thu nhặt. Những nhân công này đến từ nhiều địa phương khác và lao động kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi mùa vụ. Những nhân công đến làm thuê thường đi cùng cả gia đình. Họ căng bạt dựng lều, nấu ăn, sinh hoạt ngay tại vườn để tiện cho việc thu nhặt hạt điều. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt rất đơn sơ đủ để phục vụ cuộc sống. Thông thường các chủ vườn sẽ bao điện, nước còn nhân công tự nấu nướng. Nhiều nhân công lao động chịu khó, thật thà nên thường xuyên được chủ vườn liên hệ thu nhặt điều trong nhiều năm. Người chủ vườn thường không tính tiền công theo ngày mà theo khối lượng, từ 3.200 đồng đến 3.500 đồng/kg để kích thích sự siêng năng. Nếu chịu khó, người nhặt điều có thể thu nhặt được 400-600 nghìn đồng mỗi ngày.

Điều rụng xuống là thời điểm thu nhặt tốt nhất
Bên cạnh lượng người nhặt điều được thuê, ở nhiều nơi còn có một lực lượng đi mót điều trong mỗi mùa vụ. Do có những vườn điều ở xa hoặc điều đến mùa tàn khiến sản lượng thấp mà chủ vườn không thu hoạch, thì đây cũng là thời gian, cơ hội để những người không có đất rẫy, chưa có việc làm đi “nhặt lộc”. Những người đi mót điều nếu chịu khó và may mắn có thể kiếm được một vài trăm nghìn mỗi ngày. Đặc biệt, người đi mót điều phân biệt rõ ràng chuyện “nhặt mót” điều khác với “trộm” điều. Thế nên chỉ những vườn nào chủ đã “bỏ”, người dân mới tới thu nhặt. Với giá điều hạt tươi khoảng 25-29 nghìn đồng/kg, người mót điều cuối vụ cũng có được một nguồn thu nhập không nhỏ.
Những nhọc nhằn mùa vụ
Mỗi năm vào vụ điều, những người có thâm niên và kinh nghiệm thu nhặt điều thuê lại coi đây là nghề chính, đem lại thu nhập đáng kể. Nghề nhặt hạt điều thuê có lẽ không mấy vất vả so với nhiều công việc lao động khác, nhưng cũng phải đối diện với một số nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe. Cả ngày dù làm việc dưới những tán cây mát mẻ, nhưng việc ngồi cúi cả ngày trong vườn cũng khiến nhiều người mệt mỏi. Cùng với đó, nhựa quả điều cũng khiến tay chân có lúc sưng tấy. Nhiều lúc đau ê ẩm toàn thân, tối về đặt lưng xuống là ngủ ngay để lấy sức khỏe ngày hôm sau tiếp tục công việc. Nhưng nguy hiểm nhất có lẽ là khi làm việc dưới rặng cây và trên những thảm lá rừng, cũng sẽ thường gặp rắn, rết, kiến, bọ… tấn công.

Một bữa ăn trưa của người nhặt điều thuê
Anh Trần Văn Tùng kể, một buổi chiều chạng vạng năm trước, khi đang say sưa nhặt hạt điều thì chợt có tiếng động “phì… phì…” phát ra ngay bên cạnh. Anh phát hiện một con rắn hổ mang to lớn đang ngổm đầu dậy. Theo phản xạ tự nhiên, anh nhặt một cành cây xua đuổi khiến con rắn hoảng sợ vội vã bò vào trong đám lá cây đi mất. Nhưng cũng từ lúc ấy, anh Tùng vừa nhặt điều vừa thấp thỏm. Bởi lo sợ con rắn đó vẫn quanh quẩn đâu đây.
Mùa điều chín cũng là mùa thiên di của nhiều lao động thời vụ ở khắp các địa phương đổ về vùng điều. Nhiều lao động từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên đổ lên Tây Nguyên, nhiều lao động từ miền Tây cũng nườm nượp về các vùng điều Bình Phước để kiếm thêm thu nhập.
Nguy hiểm về côn trùng là một phần, nhiều người đi mót điều cũng gặp phải những người xấu, bị trêu chọc hay dọa dẫm phải bỏ về không dám đi mót điều nữa. Có chị khi đang ở trong vườn mót điều thì bị mấy người đàn ông đi nhậu say về tạt vào chọc ghẹo. Một thân một mình giữa rừng, chị chỉ biết vùng chạy, tri hô và rất may khi có những người ở gần đó tới hỗ trợ.
Những người làm thuê khi đến đây, dựng lên những khu lán trại tại những khu đất trống chưa sử dụng của địa phương. Khó khăn nhất là nguồn nước sinh hoạt. Họ phải đi vào các nhà dân xin hoặc ra suối tắm giặt. Nhưng dưới những cánh rừng điều trải dài như bất tận ấy, cuộc sống của những người nhặt điều vẫn luôn bình dị và nhẹ nhàng. Nhiều người nhặt điều thuê bộc bạch rằng, họ theo nghề này vì thu nhập khá, chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được 300-350 nghìn đồng. Được bao ăn, ở nên cuối mùa tích cóp được khoảng 20 triệu đồng, đủ để lo cho con cái ăn học cả năm. Đó là khoản thu không nhỏ với nhiều gia đình.

Những nhân công nhặt điều thuê có thể kiếm thu nhập 400-600 nghìn đồng mỗi ngày
Như anh Điểu Thân, chính vì có việc nhặt điều trong 5 năm qua mà gia đình anh đã mua được xe máy, tủ lạnh, cuộc sống bớt đi phần cơ cực. Còn gia đình anh Trần Văn Tùng thì sau khi tích lũy từ công việc nhặt điều thuê qua 7 năm cũng đã dành dụm sửa được căn nhà khang trang hơn, không còn lo lắng vào mùa mưa. Sau mỗi mùa vụ, dù công việc có nhọc nhằn như thế nhưng những nhân công làm thuê vẫn kiên trì bám vườn, kiếm sống. Họ gắn bó với những rừng điều từ sáng đến chiều, công việc chỉ dừng lại khi trời đổ mưa, bóng đêm đã tràn về. Họ một lòng lo công việc, kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của mình. Đằng sau những giọt mồ hôi mặn chát, nụ cười vẫn chực nở trên môi những con người lao động cần kiệm trên các rừng điều.

Công việc thu hoạch điều đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại nên phần lớn lao động đều chăm chỉ làm việc với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, do số lượng nhân công đổ về ngày càng nhiều, tập trung tại các vùng sâu, vùng xa, chính quyền cơ sở đã phối hợp cùng lực lượng công an tăng cường quản lý nhân khẩu, đăng ký tạm trú đầy đủ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa kẻ xấu trà trộn. Ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) cho biết, ở các khu vực có nhân công từ các nơi khác về để lao động mùa vụ, chính quyền và công an địa phương vẫn thường chủ động đến các lán trại hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, giúp bà con làm thủ tục lưu trú, để họ an tâm đi thu mùa cho người dân.
Điều được trồng nhiều ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Riêng Bình Phước có diện tích trồng điều rộng hơn 152.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước, sản lượng đạt khoảng 170.000 tấn hạt/năm, với 1.400 cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu đi gần 60 nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mua-nhat-trai-vang-726953.html