Mùa quả chín và nỗi niềm của nông dân

Dịp cuối năm ở Thái Nguyên, nắng vàng ruộm tràn qua các cánh đồng, núi rừng xua đi cái giá rét của mùa Đông. Dưới ánh nắng nhảy nhót tinh nghịch như đứa trẻ, những vườn bưởi, cam, quýt… đang vào vụ chín rộ. Người nông dân Thái Nguyên rất mong năm nay, quả được mùa, được giá.

Mùa quả chín, giá bán bưởi Diễn ở Thái Nguyên chỉ còn từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg. Hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích trồng bưởi đang có xu hướng giảm dần.

Mùa quả chín, giá bán bưởi Diễn ở Thái Nguyên chỉ còn từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg. Hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích trồng bưởi đang có xu hướng giảm dần.

Đến hẹn lại lên

Cứ vào tháng 12 hằng năm, nông dân Thái Nguyên lại bước vào vụ thu hoạch quýt, cam, bưởi rộ nhất trong năm. Đến những “vựa” quả lớn của tỉnh, chúng tôi không thể rời mắt khỏi những chùm bưởi, cam, quýt vàng ruộm, thơm nức…

Với Thái Nguyên, bưởi Diễn trồng ở đất Tiên Hội (Đại Từ) đã trở thành “đặc sản” được nhiều người biết đến. Từ những hộ tiên phong đi đầu ở Tiên Hội (hơn 10 năm trước), nay trái bưởi Diễn đã xuất hiện tại nhiều vùng cây ăn quả của tỉnh như Bản Ngoại, Hoàng Nông (Đại Từ); Tràng Xá, Dân Tiến, Phú Thượng, La Hiên, Phương Giao (Võ Nhai); Phúc Tân, Phúc Thuận, Minh Đức (TP. Phổ Yên); Tân Khánh, Tân Đức (Phú Bình); Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa (Đồng Hỷ)…

Thời “hoàng kim”, bưởi Diễn ở Thái Nguyên được bán với giá từ 30 đến 35 nghìn đồng/quả. Người trồng bưởi vì thế trở nên sung túc hơn. Tuy nhiên, khi diện tích trồng bưởi ngày càng mở rộng (hiện đạt gần 2.000ha), sản lượng tăng vùn vụt theo từng năm thì giá bán quả bưởi cũng vì thế giảm sâu theo từng năm (năm nay, giá bán chỉ từ 7 đến 10 nghìn đồng/quả). Có những năm, bưởi bán rẻ như cho, người dân đành vặt về ủ làm phân bón cho đồng ruộng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai): Gia đình tôi trồng được hơn 100 gốc bưởi. 3 năm nay, quả bưởi mất giá, nhưng tôi không muốn chặt bỏ vì đã mất công trồng và chăm bón. Hơn nữa, vườn bưởi đã hơn 10 năm tuổi nên quả rất ngọt. Tôi mong mùa tới, giá bán quả bưởi sẽ cao hơn những năm vừa qua.

Không chỉ có bưởi, cam Vinh cũng là loại cây được nhiều hộ dân trong tỉnh đưa về trồng mang lại nguồn thu không hề nhỏ. Trong đó, xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), từng là nơi trồng nhiều cam Vinh nhất. Khoảng 7 năm trước, cả xóm có gần 50 hộ (chiếm khoảng 75-80% số hộ của xóm) trồng gần 15ha cam Vinh. Nay, giá bán cam không còn giữ mức 25 đến 30 nghìn đồng/kg như trước mà giảm xuống một nửa, thậm chí, có thời điểm chỉ bán với giá 10 nghìn đồng/kg nên diện tích trồng cam ở Thái Nguyên nói chung, Lâu Thượng nói riêng đã giảm dần…

Riêng với cây quýt, phần lớn tập trung ở các xã tiếp giáp với huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), trong đó, Phú Thượng (Võ Nhai) là địa phương trồng được nhiều quýt nhất (khoảng 15ha). Với chất đất, khí hậu khá tương đồng nên những quả quýt Phú Thượng chín vàng thơm, có vị ngon ngọt không khác gì quýt được thu hoạch từ núi rừng Bắc Sơn. Đây cũng là lý do để mỗi khi vào vụ chín, quýt Phú Thượng được nhiều tư thương tìm mua.

Chị Lê Thị Huân, hộ kinh doanh các loại quả ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) nói: Quýt Phú Thượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thay vì đi tận Bắc Sơn, tôi vẫn mua buôn quýt Phú Thượng về bán cho người tiêu dùng.

Chuyển hướng đi mới

Sau hơn 10 năm trồng những loại cây có múi, nông dân Thái Nguyên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để quả to hơn, ngọt hơn. Tuy nhiên, diện tích trồng bưởi ở Thái Nguyên ngày một tăng lên trong khi sức mua loại quả này không tăng khiến nhiều nông dân gặp khó. Không ít hộ, sau nhiều năm thất thu bởi tình trạng “được mùa mất giá” đã phá bỏ những cây bưởi để trồng một số loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Đơn cử ở Phú Thượng, một số hộ dân đã chặt bỏ bưởi để trồng hoa Bích đào bán trong dịp Tết.

Gia đình chị Đàm Phương Thảo, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) là hộ dân đầu tiên trồng na dứa Đài Loan trên đất quê hương.

Gia đình chị Đàm Phương Thảo, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) là hộ dân đầu tiên trồng na dứa Đài Loan trên đất quê hương.

Có những hộ dân, sau những năm phát triển cả một vùng trồng bưởi rộng lớn nhưng đầu ra gặp khó đã chuyển hướng làm du lịch. Họ chăm sóc để vườn bưởi ra những chùm quả vàng ươm, mọng nước và mở cửa nhà vườn, bán vé cho những du khách đến tham quan, chụp ảnh. Vườn bưởi của gia đình chị Lan Phương, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) là một minh chứng sống động nhất. Từ cuối tháng 11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nắng vàng rực rỡ, không ít đoàn khách ở xa gần đã về đây vui chơi, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm. Với giá vé khoảng 1 triệu đồng/đoàn khách, số tiền thu được chắc chắn cao hơn so với việc bán buôn từ 5 đến 10 nghìn đồng/quả bưởi…

Để cây ăn quả mang lại thu nhập cao hơn, thay vì chọn trồng các loại cây có múi, một số hộ dân ở Võ Nhai đã mạnh dạn thâm canh na rải vụ và trồng loại na dứa Đài Loan. Trong đó, gia đình chị Đàm Phương Thảo, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) là hộ đầu tiên trồng na dứa Đài Loan trên đất quê hương.

Khởi đầu, chị lặn lội tìm mua được 60 cây giống nhưng chỉ có hơn 40 cây còn sống. Đáng mừng là cây na dứa hợp đất nên phát triển khá tốt. Chỉ sau hơn 2 năm, những cây na đầu tiên bám rễ ở chân núi đá Mỏ Gà của gia đình chị Thảo đã cho quả (mỗi cây cho khoảng 20kg quả).

Cây càng lâu năm, số quả càng sai hơn, có thể cho 60 đến 70 kg quả/cây vào năm 7 tuổi. Dù vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tháng (từ khoảng đầu tháng 12 năm trước đến giữa tháng 1 năm sau) nhưng với giá bán lên đến 60 nghìn đồng/kg, gia đình chị cũng thu khá khá tiền.

Chị Đàm Phương Thảo: Trồng na dứa cũng đòi hỏi phải chăm sóc khá tỉ mỉ từ việc tỉa lá, chống cho cây không bị gẫy đổ.... Nhất là khi thụ phấn cho hoa, gia đình tôi thường lấy hoa na dai thụ phấn với na dứa Đài Loan để quả chín nhanh hơn (thường nửa năm mới cho 1 lứa quả nhưng thụ phấn với na dai chỉ mất 5 tháng).

Từ mô hình trồng thử nghiệm của gia đình chị Thảo, đến nay, nhiều hộ dân ở Võ Nhai bắt đầu tìm mua giống na dứa Đài Loan về trồng. Nhờ đó, thứ quả đắt đỏ của Đài Loan (hiện có giá bán từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg khi nhập khẩu vào Việt Nam) đã “hiện diện” ở Thái Nguyên với giá bán phải chăng.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng cây ăn quả phát triển ồ ạt, cung vượt quá cầu dẫn đến được mùa, mất giá, rất cần có sự quy hoạch, định hướng của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Việc chuyển hướng phát triển cây ăn quả phù hợp với nhu cầu thị trường là rất cần thiết. Tuy vậy, nông dân nên quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm thay vì mở rộng diện tích ồ ạt thì hiệu quả kinh tế mới đạt được như mong muốn.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/mua-qua-chin-va-noi-niem-cua-nong-dan-ae61696/