Tổ chức chuỗi hoạt động 'Xuân về trên bản làng' tại Làng Văn hóa
Chuỗi hoạt động 'Xuân về trên bản làng' giới thiệu các hoạt động đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, của đồng bào các dân tộc.
Ngày 31/12/2024, tin từ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, từ ngày 1 - 31/1/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu tập quán đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, của đồng bào các dân tộc.
Theo đó, chuỗi các hoạt động tháng 1/2025 có chủ đề “Xuân về trên bản làng” với nhiều hoạt động hàng ngày và trong các dịp cuối tuần, dịp Tết cổ truyền 2025 của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, các dân tộc ở các dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ.
Cụ thể, trong những ngày cuối năm, đồng bào các dân tộc trang trí không gian tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày để chuẩn bị đón Tết. Bên trong nhà, đồng bào sửa soạn bàn thờ ngày Tết, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục truyền thống.
Bên ngoài khu vực cổng, không gian xung quanh, lối đi vào cũng được trang hoàng; có thêm không gian tổ chức trò chơi dân gian, trang trí thêm các điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt, trang trí làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc phía Bắc, bao gồm dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Lào.
Tiếp đó, đồng bào tổ chức dựng cây nêu ngày Tết. Đây là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp.
Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Dựng cây nêu ngày Tết cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hàng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách những phong tục lâu đời trong Tết Việt. Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa của 54 dân tộc anh em.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tháng 1/2025 là chuyên đề “Xuân về bản em”. Trong đó, chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc trình diễn cùng với các tiết mục hát múa ngày xuân, diễn xướng dân gian của các dân tộc phía Bắc khi xuân về.
Tại Khu các làng dân tộc I diễn ra hoạt động giới thiệu không khí ngày xuân của các dân tộc phía Bắc qua trò chơi dân gian, sản vật truyền thống, những món ăn ngày xuân.
Tại làng dân tộc Dao, trong dịp cuối tuần sẽ diễn ra hoạt động tái hiện Lễ tạ ơn của dân tộc Dao. Đây là nét văn hóa đã trở thành phong tục truyền thống của đồng bào Dao. Trong lễ này, tất cả những khó khăn, vất vả, những mâu thuẫn xích mích đều được dẹp bỏ, mọi thành viên trong gia đình dù xa, dù gần đều đến chung vui.
Hoạt động “Hội xuân” Vui đón tết Nguyên đán năm 2025 sẽ mang tới chương trình đón Tết của đồng bào các dân tộc phía Bắc.
Theo đó, đồng bào các dân tộc phía Bắc cùng tập trung tại làng dân tộc Mường đón Tết, chào mừng những vị du khách đến tham quan trải nghiệm những nét văn hóa Tết của đồng bào các dân tộc.
Mọi người cùng nhau chúc tụng những lời chúc năm mới theo tiếng dân tộc của đồng bào mình gửi tới du khách; cùng nhau ca hát, uống rượu cần đầu năm mới theo phong tục truyến thống của đồng bào Mường.
Bên cạnh đó là hoạt động chúc phúc cầu an dịp năm mới Ất Tỵ. Đại đức Kim Tuệ trụ trì chùa Khmer và các chư tăng đang tu tập tại chùa Khmer tụng kinh chúc phúc cầu an nhân dịp đầu năm mới, phát túi muối lộc đầu năm tới du khách và phật tử.
Tiếp đó là hoạt động dâng hương tại chùa pháp Ấn, tháp Chăm để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an, hạnh phúc.
Các hoạt động tháng 1 có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc cùng với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.