Mùa quả ngọt ở Sơn La

Là tỉnh miền núi, biên giới, Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất phía Bắc, lớn thứ hai cả nước. Nhờ các chính sách của địa phương cộng với tinh thần đổi mới tư duy, nông dân các dân tộc trong tỉnh đang đón nhận mùa quả ngọt từ mồ hôi, công sức của mình.

Nông dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bọc trái để nâng cao chất lượng, giá trị cho quả xoài. Ảnh: Phương Liên

Nông dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bọc trái để nâng cao chất lượng, giá trị cho quả xoài. Ảnh: Phương Liên

Những năm gần đây, khi cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La đã biết đến quy trình bọc quả xoài. Nhờ đó, tỷ lệ xoài đạt tiêu chuẩn loại I đạt tới 70%. Tùy theo nhu cầu của từng thị trường mà cách bọc quả xoài cũng có sự khác biệt. Ví dụ, thị trường Trung Quốc ưa chuộng xoài có mẫu mã màu xanh đậm thì bà con dùng túi màu trắng để bọc; thị trường Mỹ thích trái màu vàng, bà con dùng túi giấy 2 lớp để bọc quả. Trên 50 triệu túi bao quả đã được bà con sử dụng trên diện tích hơn 4.000ha. Giá thành của túi giấy không cao, chỉ từ 700-1.000 đồng/túi và có thể tái sử dụng 2 lần.

Theo chị Quàng Thị Lả, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Làng Ngà, huyện Yên Châu, việc bọc quả phần nào khiến chi phí sản xuất tăng lên, bà con cũng mất công sức hơn, nhưng đổi lại, chất lượng, giá trị của quả xoài sẽ cao hơn, đồng nghĩa với thu nhập cao hơn. Nhờ đó, đồng bào có cơ hội thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả.

Ở tỉnh miền núi, biên giới Sơn La, xoài được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây ăn quả trên những vùng đất dốc của địa phương. Thực tế cho thấy, xoài cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Có thời điểm, một héc ta xoài cho thu nhập tới 120 triệu đồng. Nhiều diện tích cây ăn quả khác cũng có hiệu quả kinh tế cao, như: Chanh leo tím và bơ ghép: 600 triệu đồng/ha; xoài ghép: 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép: 360 triệu/ha; na hoàng hậu ghép: 1 tỷ đồng/ha.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu cho biết, bà con nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, có định hướng rõ ràng, sản phẩm mình làm ra sẽ hướng vào thị trường cố định nào để tìm cách đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngay từ ban đầu.

So với năm 2017, diện tích cây ăn quả của Sơn La tăng 91,2%, sản lượng tăng 210,5%. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn đã hình thành vùng sản xuất tập trung như: Nhãn ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; xoài ở huyện Yên Châu; na ở huyện Mai Sơn; mận, bơ ở huyện Mộc Châu; sơn tra ở các huyện Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu... Dự kiến năm nay, tổng sản lượng cây ăn quả ở Sơn La khoảng 400.000 tấn, trong đó, xoài 77.800 tấn, mận 80.000 tấn, nhãn 81.000 tấn, sơn tra 6.500 tấn. Với sản lượng lớn như vậy thì chế biến chính là giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm áp lực mùa vụ, đồng thời nâng cao giá trị nông sản. Trước mắt, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ bà con giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản ngay tại vùng nguyên liệu mỗi khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Thông qua các video trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, bà con có thể dễ dàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó, tiêu thụ nông sản được nhiều hơn.

Anh Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu cho biết, việc livestream giúp khách hàng biết rõ quy trình sản xuất như thế nào, từ đó tăng độ tin cậy cho sản phẩm bán ra. Chẳng hạn, muốn cho khách hàng thấy nhà vườn sản xuất theo quy trình hữu cơ, chủ vườn có thể quay cho khách thấy những thảm cỏ vẫn còn đang tốt um dưới gốc cây, hoặc quả trên cành đang còn săn chắc, tươi rói để gia tăng uy tín của nhà vườn với khách hàng.

Anh Lò Văn Sao, thành viên Hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là chủ một vườn na. Vào mùa thu hoạch, công việc thường ngày của anh là livestream trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm của vườn nhà. Việc giúp người tiêu dùng có điều kiện tận mắt chứng kiến sản phẩm từ chính vùng trồng đã giúp anh bán hàng thuận lợi hơn trước kia rất nhiều. Na được thu hái, đóng thùng ngay tại vườn rồi chuyển đi cho khách mua để đảm bảo tươi ngon. Cách bán hàng này đã giúp gia đình anh tiêu thụ nông sản thuận lợi. Anh Sao cảm thấy rất may mắn vì nhờ có mạng xã hội nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều so với cách bán hàng truyền thống trước đây của ông bà, bố mẹ. Bán hàng trên mạng mang lại hiệu quả gấp 5 - 10 lần so với bán hàng ở chợ.

Anh Lò Văn Sao sử dụng mạng xã hội để bán na hoàng hậu. Ảnh: Phương Liên

Anh Lò Văn Sao sử dụng mạng xã hội để bán na hoàng hậu. Ảnh: Phương Liên

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, để góp phần thực hiện mục tiêu này, địa phương định hướng giữ khoảng 85.000ha cây ăn quả hiện nay; đồng thời chú trọng phát triển theo chiều sâu, tập trung phát triển những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu ra quốc tế và đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ tiêu dùng trong nước. Nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, tỉnh Sơn La xây dựng vùng chuyên canh, phát triển sản xuất theo hướng chuỗi liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và các nhà máy chế biến nông sản. Toàn tỉnh hiện có trên 300 hợp tác xã trồng cây ăn quả; 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 500 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản...

Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được tỉnh Sơn La ban hành và triển khai thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Toàn tỉnh đã hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả cho gần 26.000 hộ gia đình, trên diện tích 13.100ha.

Nông dân Sơn La cũng đã biết áp dụng kỹ thuật rải vụ, có thể cho nhãn, xoài thu hoạch dịp Tết Nguyên đán với giá bán gấp 6 lần chính vụ... Bên cạnh đó là các chính sách như khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm... đã làm gia tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả kinh tế, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đó là con đường đúng đắn đưa Sơn La trở thành một trung tâm nông sản của cả nước, giúp nông dân các dân tộc trong tỉnh được đón nhận nhiều mùa quả ngọt từ mồ hôi, công sức của chính mình.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-qua-ngot-o-son-la-post479735.html