Mua SIM rác dễ dàng trên các sàn TMĐT

Với giá chỉ từ 9.000 đồng, những sản phẩm SIM không cần đăng ký thông tin thuê bao vẫn được bày bán tràn lan trên mạng sau hàng loạt đợt truy quét và xử lý của cơ quan chức năng.

 Những sản phẩm SIM rác, kích hoạt sẵn vẫn được bày bán tràn lan trên các sàn TMĐT. Ảnh: Duy Tín.

Những sản phẩm SIM rác, kích hoạt sẵn vẫn được bày bán tràn lan trên các sàn TMĐT. Ảnh: Duy Tín.

SIM "rác", hay SIM không đăng ký thông tin chính chủ, chỉ cần mua về là sử dụng ngay, thường được nhiều người dùng tìm mua vì sự tiện lợi và tính ẩn danh.

Dù Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng mua bán và sử dụng SIM rác, song loại SIM này vẫn được bày bán tràn lan không chỉ ở những cửa hàng SIM thẻ truyền thống mà còn ở khắp các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Chỉ cần lắp vào dùng

Chỉ cần gõ từ khóa "SIM rác" trên phần tìm kiếm ở các sàn TMĐT, hàng loạt các kết quả sẽ hiển thị tương ứng với những sản phẩm SIM rác được bày bán công khai với số lượng lớn, thu hút lượt mua khổng lồ từ người dùng.

Trên một sàn TMĐT, tài khoản có tên si*** công khai rao bán số lượng lớn SIM rác từ nhà mạng Vietnamobile với giá dao động khoảng 9.500-16.500 đồng/SIM.

Cụ thể, những SIM có thời hạn sử dụng trong 30 ngày có giá thấp nhất, chỉ 9.500 đồng, những mẫu SIM có thời hạn càng lâu thì càng có mức giá cao hơn. Cá biệt, tài khoản này còn rao bán những loại SIM rác dùng để đăng ký tài khoản mạng xã hội, tài khoản sàn TMĐT với mức giá chỉ 15.000 đồng/SIM.

 SIM rác được người bán quảng cáo đảm bảo đáp ứng số lượng lớn, giá siêu rẻ.

SIM rác được người bán quảng cáo đảm bảo đáp ứng số lượng lớn, giá siêu rẻ.

Theo quảng cáo của người bán, những sản phẩm SIM này có thể mua về và sử dụng ngay, không cần đăng ký thêm thông tin cá nhân. Ngoài ra nếu muốn gia hạn, khách hàng chỉ cần nạp 5.000 đồng vào tài khoản sau khi hết thời hạn được thông báo.

Liên hệ với chủ tài khoản với nhu cầu mua SIM, người bán cho biết muốn mua bao nhiêu SIM rác anh cũng có thể đáp ứng vì cửa hàng có số lượng SIM rất lớn. Nếu mua trên 100 SIM, người bán sẽ chiết khấu giảm giá 1.000-2.000 đồng/SIM.

Khi phóng viên thắc mắc về nguồn hàng từ đâu thì người bán này từ chối cung cấp.

Thậm chí, người bán còn cam kết sẽ "1 đổi 1" nếu phát hiện hàng lỗi và vận chuyển miễn phí nếu khách mua nhiều.

"Thường khách mua một lần 5-10 SIM các loại, ít ai mua lẻ 1,2 cái lắm. Nếu khách hàng mua từ 50-100 SIM trở lên thì bên mình sẽ để giá chiết khấu tốt. Thường mấy đại lý SIM cũng hay đặt sỉ về để bán lại, mỗi lần 100-200 SIM là có giá rất tốt", người bán có tài khoản si*** cho biết thêm.

Theo khảo sát từ Zing, SIM rác được bán trên các sàn TMĐT thuộc nhà mạng Vietnamobile, Viettel, MobiFone. Phổ biến nhất là SIM rác thuộc nhà mạng Vietnamobile với giá dao động khoảng khoảng 10.000-15.000 đồng/SIM. SIM thuộc các nhà mạng khác cũng có giá khoảng 20.000-50.000 đồng/SIM.

Lượt mua lớn

Những sản phẩm SIM rác giá rẻ, không cần đăng ký thông tin thuê bao thường có lượt mua cao ở các sàn thương mại điện tử. Cá biệt, sản phẩm SIM rác thuộc nhà mạng Vietnamobile được bán trên một sàn TMĐT có gần 400.000 lượt mua.

Anh Huỳnh Đức (29 tuổi, TP.HCM) cho biết, vì để sử dụng tạo tài khoản mạng xã hội mà anh đã từng mua loạt SIM rác giá rẻ trên mạng, với giá chỉ 10.000 đồng/SIM, tuy nhiên sản phẩm nhận được thường không như quảng cáo.

Theo anh Đức, những SIM rác anh từng nhận thường có phôi SIM và vỏ SIM không tương thích với nhau, phôi sim được dán kèm vỏ bằng băng dính, che mờ số điện thoại.

"Mình từng mua 10 cái SIM rác trên mạng, lúc quảng cáo thì người ta bảo SIM có hạn 30 ngày, hết hạn nạp tiếp là dùng được. Nhưng lúc SIM nhận đến tay thì là phôi SIM dán băng dính vào vỏ SIM, số điện thoại thì bị bôi đen, dùng 2 ngày thì bị khóa", anh Đức chia sẻ thêm.

 SIM rác được giao đến tay anh Đức được dán bằng băng dính tạm bợ, số điện thoại bị bôi đen. Ảnh: NVCC.

SIM rác được giao đến tay anh Đức được dán bằng băng dính tạm bợ, số điện thoại bị bôi đen. Ảnh: NVCC.

Tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã ban hành đầy đủ các quy định liên quan đến việc quản lý các thông tin thuê bao di động.

Theo thống kê từ Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), tính đến 2021 đã có 157 nước bắt buộc người dùng phải đăng ký thông tin thuê bao di động.

Đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ban hành Quyết định số 61 về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao nhằm xử lý tình trạng SIM có thông tin đăng ký không đúng quy định, SIM dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông.

Bộ TT&TT cũng đang đốc thúc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động hoàn tất đối soát thông tin thuê bao trong tháng 11. Trong đó bao gồm việc áp dụng công nghệ để xác thực thông tin đăng ký thuê bao.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-sim-rac-de-dang-tren-cac-san-tmdt-post1371695.html