Mua thiết giáp Stryker của Mỹ, cơ hội và thách thức cho Ấn Độ
Ấn Độ đang tìm cách nâng cao vị thế của mình trên thị trường quân sự toàn cầu với một loạt các cuộc đàm phán mới đang diễn ra với Mỹ về việc mua và đồng sản xuất các phương tiện chiến đấu tiên tiến trong đó có thiết giáp Stryker.
Danh sách mua sắm quân sự của Ấn Độ trước đây chủ yếu là do Nga sản xuất, nhưng điều đó đang thay đổi sang Mỹ. Chuyến thăm Washington của Thủ tướng Ấn Độ sắp diễn ra sau khi Trump thúc đẩy trực tiếp để Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào công nghệ quân sự của Mỹ.
Mỹ đang tìm cách giành được một phần lớn hơn trong chiếc bánh quốc phòng của Ấn Độ, cả hai nước đang phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn trong cả thương mại và an ninh.
Một lĩnh vực quan tâm chính của Ấn Độ là Stryker, một loại xe bọc thép mà quân đội Mỹ đã tin tưởng trong nhiều năm, do General Dynamics sản xuất. Các cuộc đàm phán đang diễn ra sẽ mở đường cho New Delhi trang bị và thậm chí sản xuất nội địa chúng.
Tuy nhiên, đây không chỉ là việc bổ sung thêm "đồ chơi mới" vào kho vũ khí của Ấn Độ; mà còn là bước tiếp theo trong việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng chiến lược giữa hai quốc gia.
hưng đó không phải là tất cả, Ấn Độ đang tìm cách chế tạo động cơ của Mỹ cho máy bay chiến đấu của riêng mình theo một thỏa thuận khung được đưa ra vào năm 2023.
Các cuộc đàm phán được cho là đang diễn ra nhanh chóng, cả hai bên đều thúc đẩy để sớm hoàn tất thỏa thuận.
Các quan chức Ấn Độ đang họp với các kỹ sư và đại diện quốc phòng Mỹ để giải quyết các chi tiết. Thời hạn chót là tháng 3 đang đến gần, và cả hai bên đều đang chịu áp lực phải hoàn thành thỏa thuận này.
Mặc dù các chi tiết cụ thể chưa được công bố, Bộ trưởng Sản xuất Quốc phòng Ấn Độ, Sanjeev Kumar, đã ám chỉ đến tính cấp bách. "Chúng tôi muốn đẩy nhanh quan hệ đối tác này", ông nói, tiết lộ ít nhưng báo hiệu động lực đằng sau thỏa thuận.
Tiềm năng sản xuất xe bọc thép Stryker trong nước của Ấn Độ có thể là bước tiến đáng kể cho ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế của nước này.
Nếu thành công, điều này không chỉ nâng cao năng lực quốc phòng của Ấn Độ mà còn thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.
Việc sản xuất phần cứng quân sự tiên tiến như Stryker sẽ đòi hỏi công nghệ tiên tiến, chuyên môn đặc biệt và chuỗi cung ứng mạnh mẽ - tất cả đều có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, dẫn đến sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và cơ hội việc làm.
Ngoài ra, một cơ sở sản xuất tại địa phương có thể giúp Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, giúp giảm chi phí và cải thiện tính bền vững của hoạt động mua sắm quốc phòng trong dài hạn.
Việc sản xuất xe Stryker tại địa phương cũng có thể đưa Ấn Độ trở thành trung tâm quốc phòng trong khu vực, với tiềm năng xuất khẩu những loại xe này sang các quốc gia khác, qua đó thúc đẩy hơn nữa vị thế kinh tế của nước này trên thị trường quốc phòng toàn cầu.
Tuy nhiên, những thách thức của một nỗ lực như vậy cũng lớn. Sự phức tạp của việc sản xuất một chiếc xe bọc thép như Stryker không chỉ đơn thuần là lắp ráp các bộ phận; mà còn liên quan đến việc nắm vững công nghệ, kỹ thuật và hệ thống bảo trì đi kèm với phần cứng quân sự cao cấp.
Trong khi Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất quốc phòng trong những năm gần đây, họ sẽ cần phải đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đào tạo lực lượng lao động để đạt được các tiêu chuẩn sản xuất cần thiết.
Sự hợp tác với các nhà sản xuất Mỹ, chẳng hạn như General Dynamics, có thể cung cấp một số hỗ trợ, nhưng bí quyết kỹ thuật để vận hành dây chuyền sản xuất và bảo trì thiết bị sẽ cần phải tự lực.
Hơn nữa, những cân nhắc về chính trị và địa chính trị có thể đóng vai trò trong sự thành công hay thất bại của một dự án như vậy.
Mặc dù quan hệ đối tác với Mỹ có vẻ hứa hẹn, nhưng nó mang theo những rủi ro cố hữu gắn liền với sự thay đổi của bối cảnh chính trị và những thay đổi trong quan hệ quốc tế.
Thiết giáp Stryker là phương tiện chiến đấu bọc thép 8 bánh, chúng cung cấp một giải pháp tuyệt vời giữa xe tăng và xe bọc thép chở quân.
Loại phương tiện bọc thép này do nhà sản xuất General Dynamics Land Systems phát triển cho quân đội Mỹ.
Chúng đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002 và đã từng tham chiến ở Iraq, Afghanistan, Syria và hiện nay là tại Ukraine.
Stryker có thể hoạt động trong các địa hình phức tạp với độ cơ động cao.
Stryker phiên bản M1126 chở quân có trọng lượng 16,47 tấn, chiều dài 6,9 m, chiều rộng 2,7 m và chiều cao 2,6 m.
Xe được trang bị một động cơ diesel Caterpillar 3126 có công suất 350 mã lực. Với động cơ này giúp xe cơ động tối đa 100 km/h.
Tầm hoạt động của thiết giáp Stryker khi đổ đầy bình nhiên liệu là 530 km.
Ngoài kíp điều khiển 2 người thì xe còn có khả năng chở theo 9 binh sĩ với trang bị đầy đủ.
Xe được thiết kế với cửa khoang đổ quân phía sau giúp nhanh chóng triển khai quân cũng như bảo đảm an toàn cho binh sĩ khi ra vào xe.
Stryker tuy không có hiệu quả bằng xe chiến đấu bộ binh Bradley khi chiến đấu với xe tăng, nhưng bù lại chúng lại có sự cơ động cao.
Thiết giáp bánh lốp Stryker di chuyển nhẹ nhàng hơn xe chiến đấu bộ binh Bradley, đồng thời có thể chở nhiều binh sĩ hơn (9 người so với 6 người của chiếc M2 Bradley tiêu chuẩn).
Về trang bị vũ khí, ở phiên bản M1126 xe có thể trang bị súng máy hạng nặng M2HB. Súng được điều khiển hoàn toàn tự động với hệ thống ngắm bắn điện tử tiên tiến.
Ngoài ra súng có thể được xạ thủ khai hỏa khi cần thiết. Xe còn có thể chuyển đổi để lắp đặt súng phóng lựu Mk-19.
Trên cơ sở Stryker, Mỹ còn phát triển những biến thể xe chiến đấu bộ binh với pháo 30mm thậm chí 40mm.
Thậm chí còn trang bị cả pháo 105mm cho sức mạnh hỏa lực vượt trội.
Hiện Mỹ đang có hàng ngàn chiếc thiết giáp Stryker với các phiên bản khác nhau.
Đơn giá của thiết giáp này ở cấu hình chở quân vào khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc.