Cách trung tâm huyện Bắc Yên (Sơn La) hơn 30 km, vùng cao Xím Vàng ngập tràn sắc vàng óng ả khi thu về.
Giữa không gian hũng vĩ của núi rừng, những thửa ruộng bậc thang mềm mại, xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi trải rộng mênh mông tận chân trời...
... và nhẹ nhàng ôm lấy các bản làng, mái nhà đơn sơ.
Đến Xím Vàng hôm nay, ít ai biết rằng, cách đây hơn 40 năm, nơi đây chỉ là vùng đất cằn cỗi, dân cư thưa thớt, cuộc sống khó khăn thiếu thốn bộn bề. Ở thời điểm đó, người Mông nơi đây chỉ biết canh tác theo tập quán “chọc lỗ tra hạt”, quanh năm thiếu đói.
Giờ đây, vùng đất ấy đã khoác lên mình diện mạo mới, điểm nhấn là những thửa ruộng bậc thang nhuộm sắc vàng của nắng mỗi độ thu về.
Ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ mùa đông ở Xím Vàng khá khắc nghiệt, nên ruộng ở đây chỉ cấy được một vụ, bắt đầu từ tháng 5-6 và thu hoạch vào khoảng trung tuần tháng 9 đến tháng 10.
Vì ít mưa, bà con không cấy đồng loạt mà trồng lần lượt ở chỗ có nước trước. Do vậy, lúa không chín đều cùng một loạt, nhiều sườn đồi phủ màu vàng óng xen lẫn sắc xanh...
Xen kẽ, có những thửa ruộng đã được gặt xong và phơi đầy rạ.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng Giàng A Nênh cho biết: Trước đây, việc vận động người Mông cấy lúa nước ở ruộng bậc thang là vô cùng khó khăn, vì hệ thống thủy lợi không có, khí hậu khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất hạn chế...
Thế nhưng, nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy Đảng, những nỗ lực vận động không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ từ xã tới thôn bản, bà con Xím Vàng đã vững tin vào công cuộc khai hoang ruộng bậc thang.
Theo thời gian, từng cung ruộng cứ nối dài, rộng mở trên các sườn núi, triền đồi. Đến nay, Xím Vàng đã có hơn 320 ha ruộng, trở thành một trong những địa phương có diện tích ruộng bậc thang lớn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Năng suất lúa ruộng đạt bình quân 6 tấn/ ha, cao gấp đôi so với gần 2 thập kỷ trước.
Kết quả ấy có được nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền trong vận động, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, cùng bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây.
Mỗi mùa lúa chín, không những đủ lương thực cho gia đình, nhiều hộ dân còn dành thóc bán, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Những hạt vàng no ấm - thành quả ngọt ngào của bà con sau bao tháng ngày vất vả một nắng hai sương...
Những thang bậc ấm no ấy không chỉ mang lại sự đủ đầy cho bà con nơi đây, mà nó đã, đang trở thành thứ men say làm du khách khắp mọi miền mê đắm tìm về./.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc