Mùa vọng...
1. Tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc luôn là câu chuyện của mọi miền đất nước. Nhưng với tháng bảy, Quảng Trị lại như một tâm điểm hội tụ của niềm tri ân.
Tháng bảy năm nay có phần đông hơn, một phần do sau hai năm dịch dã khiến những cuộc hành hương tri ân phải nén lại. Hơn mười năm trước, khi làm mấy phút phim tài liệu cho các bạn kiến trúc sư trẻ trong cuộc cạnh tranh giành quyền đăng cai tổ chức liên hoan lần tiếp theo với nhiều tỉnh, thành phố "rất có tiềm năng", tôi nói với các bạn ấy rằng, nếu để tôi viết, tôi sẽ chọn cái tựa là "Tôi không khuyên bạn về Quảng Trị". Các bạn kiến trúc sư ngạc nhiên: Đang quyết tâm mời người ta về, sao anh lại đặt vấn đề ngược lại như thế? Tôi còn nhớ cái ý cuối cùng của đoạn phim rằng:
"…Như trong một gia đình có những đứa con giỏi giang tài năng biết bay xa đến những chân trời. Nhưng nếp nhà ấy luôn luôn có một đứa con khó nghèo mà đôn hậu, nhọc nhằn mà hiếu thảo sẽ sống dưới mái gianh nghèo chăm lo vùa hương bát nước, biết khói nhang sóc vọng cho hương hồn người đã khuất. Quảng Trị, trong chừng mực nào đó cũng là đứa con khó nghèo mà đôn hậu ấy, gìn giữ trông nom hương khói cho hàng vạn linh hồn người lính-những đứa con của người Mẹ Việt đã nằm lại dọc hành trình vệ quốc…".
Quảng Trị là như thế.
Nên mỗi tháng bảy về, ở Quảng Trị bỗng thành "mùa vọng". Quảng Trị thành đất thiêng. Đất thiêng vừa là một khái niệm bao trùm lên núi sông đồng bãi thắm máu hàng vạn người lính. Nhưng sự linh thiêng ấy cũng cụ thể trong từng số phận người lính nằm lại nơi đây. Chúng ta đã từng biết đến liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" từng lay động hàng triệu người đọc. Trong những lá thư gửi bạn của anh từng có những dòng thư như một tiên tri kỳ lạ :
"Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa
Qua những áng văn và bài thơ bài toán
30 tháng Tư của bốn năm sau hãy nhớ lời anh dặn
Anh sẽ trả lời được câu hỏi của em hạnh phúc là gì…"
(Trích từ cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc)
Những dòng chữ đó anh Thạc viết vào tháng 9 năm 1971.
Và đúng bốn năm sau, ngày 30/4, tất cả đã chính xác tới từng ngày từng tháng như những gì liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết trước khi vào chiến trường Quảng Trị và hy sinh. Nguyễn Văn Thạc cũng hy sinh đúng vào những ngày cuối cùng của tháng 7-ngày 30/7/1972, dịp này cũng vừa tròn 50 năm kể từ ngày anh nằm lại.
Những tiên cảm về sự hy sinh và tương lai không chỉ trong câu thơ của anh Thạc, sau này chúng ta biết thêm ở Thành cổ có một bức thư khác, nay vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ, lá thư được viết khi chiến sĩ Lê Văn Huỳnh gửi cho vợ là Đặng Thị Xơ, làm sao có thể tưởng tượng được những gì anh viết trong thư trước khi hy sinh lại chính xác đến lạ kỳ: Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này… Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…". Không những thế, anh còn tiên đoán được ngày mình hy sinh cũng như cái nơi mà anh sẽ ngã xuống, địa điểm đồng đội sẽ chôn cất. Trong bức thư viết trước ngày mất, người chiến sĩ trẻ Lê Văn Huỳnh đã dự cảm chính xác về ngày 2/1/1973 anh sẽ hy sinh-cũng chính là tròn một năm kỷ niệm ngày cưới của anh với người vợ hiền Đặng Thị Xơ (quê nhà Thái Bình).
Những câu chuyện vừa cụ thể, vừa bí ẩn như vừa nhắc đã khiến chúng ta tin vào điều thiêng liêng nhiệm màu trong sự hy sinh của những người lính trẻ. Hàng triệu anh linh người lính làm nên linh thiêng Việt Nam.
Nhưng tháng bảy những tháng năm này không chỉ là hành hương về Quảng Trị.
Còn có một tháng bảy khác ở Vị Xuyên (Hà Giang).
2. Tại sao tôi lại nhắc câu chuyện Vị Xuyên và Quảng Trị trong những ngày này? Có điều gì liên quan trong hai địa danh đó? Lịch sử hiện đại của đất nước Việt Nam có ba cuộc chiến và mỗi cuộc chiến đều có một vùng đất mang ý nghĩa "quyết chiến điểm". Đó là nơi khốc liệt nhất, tốn nhiều máu xương nhất.
Với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trận chiến khốc liệt nhất là Điện Biên Phủ, và giờ đây Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ đã trở thành Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia thời kháng chiến chống Pháp.
Với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị là trận chiến khốc liệt nhất. Và lịch sử cũng chọn Quảng Trị làm nơi an nghỉ cho hàng vạn người lính với hai Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (và một nghĩa trang không bia mộ chính là dòng sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thị xã Quảng Trị).
Những tưởng ngày 30/4/1975 đất nước sẽ hòa bình vĩnh viễn, nhưng rồi những người lính Việt lại tiếp tục ra trận, "ngăn bước quân thù phía nam phía bắc, vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con".
Cuộc chiến của tình nguyện quân Việt Nam cứu đất nước Campuchia thoát nạn diệt chủng với việc giải phóng Phnompenh vào ngày 7/1/1979 thì chỉ hơn một tháng sau đó, "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới", nhiều người nghĩ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc chỉ diễn ra trong mùa xuân 1979 mà không biết rằng cuộc chiến ấy kéo dài tận 10 năm, từ năm 1979 đến 1989. Đặc biệt từ năm 1984 đến 1989 cuộc chiến khốc liệt ấy chỉ tập trung vào mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).
Và nếu như Thành cổ Quảng Trị là cuộc chiến khốc liệt nhất từ 1954 đến 1975 của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thì mảnh đất Vị Xuyên, với trận đánh ngày 12/7/1984 là trận chiến khốc liệt, bi thương và hào hùng nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tính từ năm 1979 đến 1989. Hằng năm, ngày 12/7, những cựu binh của mặt trận biên giới phía bắc lại về đây "giỗ trận" để cúng vọng đồng đội và gặp mặt những bạn bè còn sống.
Hai tuần trước, tôi có may mắn được tham gia vào cuộc trở về "giỗ trận Vị Xuyên" cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Là phóng viên hay đi viết mảng biên giới, biển đảo, từ hơn 10 năm nay dõi theo những hoạt động từ khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn đương chức cho đến sau này về hưu, tôi vẫn không hết ngạc nhiên về tình cảm mà ông dành cho bà con biên giới phía bắc, đặc biệt là tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên của tỉnh này. Xuyên suốt hàng trăm chương trình thiện nguyện đền ơn đáp nghĩa của ông và phu nhân dành cho biên ải là sự tri ân, chia sẻ, cảm thông với những hy sinh mà cán bộ, chiến sĩ, đồng bào biên giới đã đổi bao máu xương để giữ gìn từng tấc đất biên cương, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
Nghĩa trang Vị Xuyên hôm nay đã mở rộng ra đến 10,6ha, được quy hoạch xây dựng đẹp như một công viên với nhiều kiến trúc trang nghiêm, cảm nhận được sự siêu thoát của linh hồn những liệt sĩ đã hy sinh và thêm ấm lòng bao đồng đội còn ở lại. Hôm đại lễ cầu siêu đêm 9/7/2022 ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên tôi đọc thấy dòng chữ trên tấm phông ghi rõ: "Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên", với từ "Quốc gia" định danh và định vị ấy, có thể hiểu rằng, từ nay, nơi hành hương ải bắc sẽ chọn đây làm điểm hội tụ.
Trận chiến Thành cổ 81 ngày đêm bắt đầu từ ngày 28/6 và xuyên suốt qua tháng 7, tháng 8/1972. Trận chiến bi thương hào hùng ở Vị Xuyên cũng diễn ra trong một sớm tháng 7/1984 với gần một nghìn người lính hy sinh.
Và tháng 7 năm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Điện Biên Phủ hay
Quảng Trị hay Vị Xuyên… Không ai, không điều gì bị lãng quên!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mua-vong-post706772.html