Mùa Vu Lan, nhà giàu săn nấm ăn chay có mức giá mà nhà nghèo không dám nghĩ đến
Giới nhà giàu Việt hiện truyền tai nhau về nấm Tùng Nhung có giá lên tới 30 triệu đồng/kg được quảng cáo là có tới 18 loại vitamin và chứa nhiều dưỡng chất.
Nấm là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong tháng cô hồn, mùa Vu lan vì chế biến được rất nhiều món ăn, lại bổ dưỡng, ngon miệng. Giá nấm bình dân chỉ vài trăm ngàn đồng/kg nhưng loại nấm Tùng Nhung có giá khủng, bán giới giá gần 5 chỉ vàng/kg.
Trên thế giới có khoảng 100 loại nấm có thể ăn và làm thuốc được. Riêng ở Nhật Bản có loại nấm Matsutare, người Việt gọi là nấm Tùng Nhung vô cùng quý hiếm, bổ dưỡng, chỉ mọc vào dịp lễ Vu lan (khoảng tháng 8) trên rễ cây thông lớn ở trong những cánh rừng thông đỏ. Loại nấm này ẩn mình kỹ tới mức rất khó tìm, phải đào sâu lớp đất và lá thông rụng mới tìm thấy loại nấm quý này.
Đầu mùa giá loại nấm này dao động 25 – 30 triệu đồng một kg, vào mùa còn 18 triệu đồng.Giá bán đắt đỏ như vậy nhưng nhu cầu mua nấm Tùng Nhung (matsutake) vào tháng 7 Âm lịch vẫn tăng cao. Vì mùa thu hoạch đúng vào dịp lễ Vu Lan nên loại thực phẩm này được coi là món ăn chay hảo hạng của dân sành ăn.
Hai loại nấm Tùng Nhung được khách Việt chuộng mua nhiều nhất là nấm tươi và nấm khô. Giá mỗi kg nấm tươi dao động 18-20 triệu đồng, nấm khô 30 triệu đồng. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, vận chuyển bằng đường hàng không khó khăn nên giá tăng hơn trước. Hiện mỗi kg nấm tươi nhập về khoảng 23-25 triệu đồng, nấm khô 35-40 triệu đồng, thậm chí hàng "tuyển" giá lên tới 45 triệu đồng một kg. Vì là loại hàng đắt đỏ, quý hiếm nên các mối buôn chỉ dám nhập số lượng ít, còn lại khách phải đặt thì mới có hàng.
Lý giải về sự đắt đỏ, chị Hương thông tin, nấm Tùng Nhung là dòng mọc tự nhiên ở vùng núi sâu Nhật Bản. Nấm có màu nâu nên khá giống với màu lá thông mục và màu đất nên rất khó để tìm kiếm. Trong một năm, cây chỉ mọc duy nhất vào tháng 8 và chỗ lên mầm sau này không bao giờ xuất hiện thêm được bất cứ dòng nấm nào khác.
Nấm Tùng Nhung bên ngoài có kích thước khá lớn, thân cao khoảng 8 – 10cm, chóp rộng từ 5 - 20cm. Bào tử màu trắng, mũ hình chóp tròn, thân dày thịt và có mùi thơm tự gỗ thông. Và trong nấm có chứa khoảng 18 loại vitamin, tiêu biểu như nhóm B1, B2, E và sở hữu lượng lớn protein, vi khoáng và chất xơ.
Ngoài là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, Tùng Nhung còn được biết tới là phương thuốc quý dùng trong Đông Y. Các chất trong nấm có khả năng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị một số căn bệnh. Thế nên, nhiều nhà giàu Việt sẵn sàng rút ví hàng chục triệu đồng để mua dòng nấm thượng hạng.
Khác với các loại thông thường, khi chế biến nấm Nhật chỉ cần cắt bỏ phần chất, dùng khăn sạch lau phần vỏ và thái thật nhanh để tránh mất mùi. Ngoài nấu súp nấm thì có thể làm lẩu chay, nướng than hoa hoặc ăn cùng với cơm trắng.
Ở Việt Nam, nấm Tùng Nhung tuyết sơn cũng là loại đặc biệt quý hiếm: loại nấm này mọc trên các cánh rừng thông (Tùng) cổ thụ, trên các đỉnh núi cao cách mặt nước biển 3.500 m trở lên. Trong 1 năm có từ 7 đến 10 ngày Tuyết tan, đó là thời điểm nấm mọc lên. Loại nấm này là sản phẩm tiến Vua của các địa phương có nấm. Nấm Tùng Nhung được phân bố trên đỉnh núi Hoàng Liên Sơn của nước ta, nhưng có ý kiến cho rằng nấm đó không phải nấm Tùng Nhung Nhật.
Những tai nấm mới nhú có màu nâu như lá thông mục và màu đất chỉ mọc đúng dịp tháng 8, và hết tháng 8 chúng không mọc lên nữa. Ở nơi nấm mọc bị hái sẽ không bao giờ có lại cây nấm mọc lần thứ 2. Con người vẫn chưa thể trồng loại nấm này được mà chỉ có thể thu hoạch ngoài tự nhiên, vì thế mà nấm rất hiếm.
Nấm matsutake hay nấm Tùng Nhung là một loại nấm thường được tìm thấy ở những cánh rừng tùng quanh năm có mây mù, tuyết, độ ẩm cao, cách mặt nước biển từ 2.500 m, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bhutan... Tại những quốc gia này, nấm matsutake thường xem là loại nấm quý hiếm được dùng để làm quà biếu tặng. Nhưng nấm matsutake trở nên nổi tiếng và được biết tới nhiều thông qua các món ăn Nhật Bản. Chúng có mùi vị đặc thù, thơm, thịt dày, ăn giòn và ngọt thanh.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)