Mùa vui trên 'cánh đồng OCOP' tiền tỷ ở Hà Tĩnh
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự quyết tâm của các chủ thể OCOP mà nòng cốt là các HTX đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Cách đây chưa đầy một thập kỷ, bánh đa vừng Nguyên Lâm ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh chỉ là một sản phẩm truyền thống, chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi địa phương.
Song, nhờ những chính sách thiết thực từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cùng sự năng động, quyết liệt của các chủ thể kinh tế nông thôn, bánh đa vừng Nguyên Lâm đã từng bước vươn lên thành sản phẩm tiêu biểu, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Thương hiệu OCOP vươn tầm
Năm 2020, bánh đa vừng Nguyên Lâm chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất, năm 2021, HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm được thành lập với sự tham gia góp vốn của 7 thành viên.
HTX nhanh chóng trở thành đầu tàu tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương, với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm OCOP giúp nông dân, HTX ở Kỳ Anh nâng cao thu nhập (Ảnh: BHT).
Không dừng lại ở việc duy trì sản phẩm truyền thống, HTX Nguyên Lâm đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác, áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tích cực quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử và truyền thông.
Sự chuyển mình mạnh mẽ này giúp thương hiệu bánh đa vừng Nguyên Lâm nhanh chóng ghi dấu trên thị trường, tạo được sự tin tưởng nơi người tiêu dùng.
Đặc biệt, năm 2024, sản phẩm của HTX đã vươn xa đến các thị trường lớn như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, với sản lượng xuất khẩu chiếm tới 20% trong tổng số 6 triệu chiếc bánh đa được sản xuất trong năm. Doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng – một con số đáng tự hào với một HTX địa phương.
Cũng trong năm 2024, sản phẩm chính thức được nâng hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao do UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận.
Ông Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Nguyên Lâm chia sẻ: “Chúng tôi xác định chương trình OCOP là cơ hội để nâng tầm sản phẩm truyền thống của địa phương. Kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, nhưng chúng tôi chưa dừng lại. Mục tiêu sắp tới là tiếp tục nâng hạng sản phẩm lên OCOP 5 sao, giữ vững thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu sang châu Âu”.
Khẳng định giá trị sản phẩm
Cùng với bánh đa vừng Nguyên Lâm, một sản phẩm khác cũng đang từng bước khẳng định vị thế và chất lượng vượt trội là nước mắm Phú Khương của HTX Thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương, xã Kỳ Xuân. Từ lâu, nước mắm Phú Khương đã là cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Hà Tĩnh bởi hương vị đậm đà, thơm ngon, được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của nước mắm Phú Khương hiện nay chính là việc kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ hiện đại: sử dụng năng lượng mặt trời trong quá trình chế biến, hệ thống đóng chai tự động khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ giữ vững hương vị đặc trưng mà còn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Hiện nay, HTX thu mua từ 350 – 400 tấn cá mỗi năm làm nguyên liệu sản xuất, cho ra hơn 200 nghìn lít nước mắm/năm, đạt doanh thu gần 15 tỷ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, chưa kể lao động thời vụ.

Sự ra đời của các HTX đang mở hướng xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân ở Kỳ Anh (Ảnh: BHT).
Bên cạnh nước mắm – sản phẩm chính đã đạt OCOP 4 sao, HTX Phú Khương còn mở rộng sản xuất một số sản phẩm hải sản khác, trong đó ruốc quết cũng đã đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện nay, HTX đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, quy trình và nâng cấp cơ sở vật chất nhằm mục tiêu được công nhận nước mắm Phú Khương là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Hà Tĩnh.
Giám đốc HTX, bà Lê Thị Khương cho biết: “OCOP đã giúp chúng tôi định hướng rõ ràng trong việc xây dựng thương hiệu, hoàn thiện sản phẩm. Khi được nâng hạng 5 sao, HTX sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường nước ngoài để mở rộng đầu ra bền vững, đưa nước mắm truyền thống của quê hương đến với người tiêu dùng quốc tế”.
Đòn bẩy phát triển kinh tế
Thành công của HTX Nguyên Lâm và HTX Phú Khương là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chương trình OCOP trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là vai trò trung tâm của các HTX trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tính đến nay, toàn huyện Kỳ Anh đã có 28 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao, phần lớn thuộc nhóm thực phẩm. Trong đó, 17 chủ thể là các HTX và tổ hợp tác, 11 chủ thể là các hộ kinh doanh và cơ sở sản xuất.
Điều đáng mừng là hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đều đã được truy xuất nguồn gốc, giới thiệu và phân phối qua các sàn thương mại điện tử như: nongsankyanh.com và nhiều nền tảng thương mại điện tử khác. Đây là yếu tố cốt lõi giúp sản phẩm của địa phương khẳng định vị thế, tăng giá trị, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thành công của chương trình OCOP tại Kỳ Anh không thể không nhắc tới dấu ấn nổi bật của các HTX, với sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Hà Tĩnh. Các chương trình hỗ trợ toàn diện về vốn, công nghệ và xúc tiến thương mại đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực nông thôn..
Điển hình, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ thiết bị sản xuất, kinh doanh cho các HTX hoạt động theo chuỗi giá trị, giúp các HTX trên địa bàn huyện phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị kinh tế.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Hà Tĩnh cũng tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến Luật HTX 2023, chính sách phát triển khoa học công nghệ và hướng dẫn thủ tục vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Ngoài ra, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chương trình bao gồm các nội dung như tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Với những thành công đang có, thời gian tới, huyện Kỳ Anh dự kiến tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm lợi thế, hỗ trợ chủ thể trong nâng hạng sao, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường – đặc biệt là xuất khẩu.
Đồng thời, huyện cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP mới, nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các chủ thể OCOP mà nòng cốt là các HTX, huyện Kỳ Anh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả, phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống người dân.