Mùa xuân còn mãi
BPO - 50 năm - nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng ngày 30-4-1975 vẫn luôn là một phần ký ức không thể nào quên của những người đã từng có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử đó. Hào khí của những ngày tháng 4 vẫn như vang vọng tới hôm nay, với khúc khải hoàn ca chiến thắng trở thành động lực để cả nước tiến bước xây dựng quê hương, để mùa xuân thắm tươi là mãi mãi.
Bài 1:
NHỮNG TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
Lịch sử còn ghi lại, những ngày tháng 4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định ngày càng khẩn trương. Trái ngược với khí thế tiến công mạnh mẽ của quân ta, thất bại trên các chiến trường miền Trung - Tây Nguyên đã buộc chế độ Việt Nam Cộng hòa phải dồn hết lực lượng thiết lập tuyến phòng thủ Xuân Lộc nhằm ngăn bước hành quân của quân giải phóng. Đây được ví là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông, mà chế độ cũ buộc phải tập trung giữ bằng mọi giá, bởi mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Đối với quân giải phóng, nhiệm vụ đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc có ý nghĩa quyết định đến việc đảm bảo thời gian, tốc độ của chiến dịch, như chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp trong bức mật lệnh lịch sử ký ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”.
12 ngày mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc
Nhiệm vụ giải phóng Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, mà một trong những đơn vị chủ lực là Sư đoàn 7 anh hùng, được giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu.
Lịch sử Sư đoàn 7 (giai đoạn 1966-2016) ghi rõ: Với nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 đưa Trung đoàn 165 thành 2 mũi đột phá từ hướng Đông; Trung đoàn 209 từ hướng Nam lên đánh từ Suối Cát, ngã ba Tân Phong và sẵn sàng đánh quân dù tăng viện; Trung đoàn 141 làm lực lượng dự bị.


Tri ân những người đã ngã xuống vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc - Ảnh: Như Nam
Đại tá Trần Quang Triệu lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165, Quân đoàn 4 kể lại: Trung đoàn được tăng cường 8 xe tăng, chủ công đánh vào Xuân Lộc từ ngày 9-4. Trong trận đánh Xuân Lộc, cách đánh thì như đánh vào Quảng Trị, Đà Nẵng: mình dùng pháo bắn, địch chạy ra thì mình diệt. Nhưng Xuân Lộc có những đặc điểm khác: Xuân Lộc là điểm cuối cùng sống còn của Sài Gòn. Lực lượng ở đây còn rất đông, cơ sở vật chất đảm bảo. Là căn cứ Mỹ nên ở đây bố trí tường ủi, hàng rào dây thép gai dày đặc. Xe tăng bị dây thép gai quấn cứng xích nên không di chuyển được, hướng tiến công của Trung đoàn 165 phát triển không được.
Chiến sự diễn ra giằng co, ác liệt trong nhiều ngày liền. Trước tình hình nêu trên, ngày 13-4-1975, Bộ chỉ huy Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh, chia cắt và cô lập địch tác chiến ở Xuân Lộc với Biên Hòa. “Sau khi cấp trên thay đổi cách đánh, nhiệm vụ của Trung đoàn tôi là phải giữ chân địch, để cho các đơn vị rút ra đánh vòng ngoài” - Đại tá Trần Quang Triệu nhớ lại.
Sau khi chuyển đổi cách đánh, ngày 21-4-1975, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã được mở toang. “Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tử thủ “lá chắn thép” Phan Rang, sau đó tử thủ “cánh cửa thép” Xuân Lộc nhưng tất cả tuyên bố đó đều thất bại trước sức tiến công như vũ bão của quân đội ta. Chính lực lượng chúng ta cho phép “thần tốc” và “táo bạo” - Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhấn mạnh.
Sau khi giải phóng Phan Rang chúng ta mới mở được đường đưa Quân đoàn 2 tiến thẳng vào áp sát Xuân Lộc, hỗ trợ Quân đoàn 4 lúc đó đang tiến công Xuân Lộc nhưng chưa dứt điểm. Xuân Lộc thất thủ, địch không còn lực lượng bảo vệ nội đô Sài Gòn. Nếu nói về thời cơ, tôi cho rằng chỉ sau khi chúng ta giải quyết xong Phan Rang, Xuân Lộc, lúc đó mới đặt ra vấn đề giải phóng Sài Gòn tính thời gian bằng ngày, bằng giờ. Còn nếu trước đó có lẽ là chưa có.
Thiếu tướng, PGS, TS VŨ QUANG ĐẠO
Bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc
Sau trận đánh Xuân Lộc, trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh quân phía Đông của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận chiến đấu lịch sử đó bắt đầu từ 3 giờ sáng 28-4-1975. 3 tiểu đoàn cùng tác chiến gồm Tiểu đoàn 81 (đặc công khô), Z22, Z23 (đặc công nước) của Lữ đoàn Đặc công 316 thuộc Bộ Tham mưu Miền.
Thắp nén nhang tưởng niệm đồng đội nằm lại nơi chiến trường, Trung úy Nguyễn Đức Thọ, Tiểu đoàn Z23 không khỏi bùi ngùi. Trong trận đánh cuối cùng, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ được cầu Rạch Chiếc.

Niềm vui của 2 chiến sĩ Lê Trọng Hạnh và Lê Tuấn Hữu (đơn vị Z23) khi bảo vệ an toàn cho cầu Rạch Chiếc sáng 30-4-1975 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trung úy Nguyễn Đức Thọ kể lại: 18 giờ ngày 26-4, Bộ chỉ huy mặt trận mới ra lệnh tổng công kích Sài Gòn. 3 giờ sáng 27-4, tôi đã nổ phát súng đầu tiên mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc. Đây là trận đánh sớm nhất và gần Sài Gòn nhất. Từ cầu Rạch Chiếc về Dinh Độc Lập chỉ hơn 6km, lúc này địch còn có đầy đủ sự chỉ huy thống nhất từ trên xuống, có hợp đồng quân binh chủng để đối phó với lực lượng đặc công của mình. Chính vì vậy, trận đánh diễn ra ác liệt và vô cùng khó khăn.
Khó khăn không chỉ từ phía lực lượng địch lúc này vẫn đang phản công quyết liệt nhằm bảo vệ Sài Gòn mà còn ở chính ta. Trung úy Nguyễn Đức Thọ cho biết: Chiến thuật đặc công chủ yếu là đánh bằng mật tập, nhưng do trận này đánh theo yêu cầu nhiệm vụ không có thời gian điều nghiên, trinh sát mục tiêu nên chúng tôi phải chuyển qua đánh theo phương án cường tập. Đối với đặc công, đánh bằng phương án này rất khó khăn do phải dùng hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu chủ yếu của địch, nhưng do đơn vị áp dụng chiến thuật tương đối phù hợp nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.
Đây là mục tiêu không được chuẩn bị trước. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, nhưng khi biết địch có ý định phá cầu Rạch Chiếc thì cấp trên đã ra lệnh hủy bỏ phương án đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy để ra đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc. Tư tưởng chỉ đạo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, mà muốn bảo đảm được đường hành quân thần tốc thì phải bảo vệ được tuyến đường hành quân, bảo vệ được các cây cầu.
Trung úy NGUYỄN ĐỨC THỌ
Tiểu đoàn Z23, Lữ đoàn đặc công 316
Cùng đơn vị Z23, Lữ đoàn đặc công 316, Trung úy La Ngọc Trãi cho biết, trận đánh mà ông nhớ nhất là trận bảo vệ cầu Rạch Chiếc. “Chúng tôi là đơn vị đặc công nước, chủ yếu là đánh mật tập mà lại chuyển đổi đánh cường tập nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, chúng tôi luôn quyết tâm chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - Trung úy La Ngọc Trãi nhớ lại.

Các bạn sinh viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh xúc động khi nghe kể lại trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc của Lữ đoàn biệt động 316 - Ảnh: Như Nam
Chính với tinh thần đó, sau 3 ngày diễn ra, các Tiểu đoàn 81, Z22, Z23 của Lữ đoàn Đặc công 316 đã bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch. Sáng 30-4-1975, cánh quân ở phía Đông đã nhanh chóng băng qua cầu, thần tốc tiến về Sài Gòn. Và một trang vàng của lịch sử đã được viết nên.
Những nén nhang tri ân không bao giờ tắt
Những ngày tháng 4 lịch sử, Công viên - Bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc tại thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) lúc nào cũng ấm áp khói nhang. Họ là đồng đội, là những người dân sinh sống trên địa bàn, các bạn sinh viên đến tưởng niệm, tri ân.
Ông Phan Quốc Ấn ở phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức cho biết, 32 năm nay, cứ đến ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, hay Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7, ông đều đặn mang nhang đèn, bánh trái đến thắp nhang cho anh linh các liệt sĩ, thay cho lời tri ân những người đã ngã xuống, giành lại hòa bình cho đất nước. Ông Phan Quốc Ấn cho biết: Mình là lớp sau, đến đây để thắp nhang cho vong linh các cô, các chú ấm cúng, cảm ơn sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ cho đất nước.



Cầu Rạch Chiếc hôm nay - Ảnh: Như Nam
Cũng với ý nghĩa tri ân, Đoàn thanh niên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hoạt động tình nguyện, tham gia dọn vệ sinh tại công viên. Sinh viên Bùi Huỳnh Bảo Nhân, Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật bày tỏ xúc động khi biết về trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc của bộ đội ta cách đây 50 năm. “Khi được nghe nhân chứng lịch sử kể lại những trận đánh mà chú đã trải qua khi xưa, tụi con rất xúc động và biết ơn những anh hùng đã hy sinh ở đây. Đó là động lực để tụi con cố gắng học tập, sau này góp phần nhỏ cống hiến cho đất nước”.
Lịch sử không chỉ được nhắc nhớ, mà lịch sử còn là động lực, niềm tin giúp chúng ta vững bước trên những chặng đường phía trước.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171819/mua-xuan-con-mai