Mùa xuân năm ấy tôi qua Đường 9

Ngày 16/1/1971, chúng tôi lên chuyến tàu lửa chở quân ra chiến trường, xuất phát từ ga Thường Tín - Hà Nội. Sở dĩ không xuất phát từ ga Hàng Cỏ, có lẽ vì lý do bảo mật. Nhưng lúc bấy giờ, những chuyến tàu công khai chở quân vào chiến trường miền Nam đã trở nên bình thường, không còn là những toa tàu bịt kín, chạy vào ban đêm nữa. Chúng tôi xuất phát lúc 8 giờ sáng, các toa tàu mở toang cửa, lính thò đầu ra cửa sổ toa tàu thoải mái luôn.

Cầu treo Đakrông nối Quốc lộ 9 với Quốc lộ 14 - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cầu treo Đakrông nối Quốc lộ 9 với Quốc lộ 14 - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cũng không thể nói: mới đó, đã 53 năm. Mới đó làm sao được, khi hơn nửa thế kỷ đã qua, từ ngày chúng tôi bước lên con tàu ra trận.

Buổi sáng mồng 1 Tết năm đó, chúng tôi đón Tết ở Trạm 6 - Binh trạm đầu tiên trên Trường Sơn. Và chỉ khoảng 10 ngày sau, chúng tôi cắt ngang qua Đường 9. Cái buổi trưa vượt cung Đường 9 ấy, cả đoàn chúng tôi ai cũng háo hức. Vì Đường 9 là một địa danh đã quá quen thuộc dù chúng tôi chưa gặp lần nào. Quen thuộc qua những bài hát nổi tiếng, qua những bút ký chiến trường mà các nhà văn đi trước gửi ra in trên báo chí miền Bắc.

Riêng tôi, do đã “ủ mưu” từ trước, là qua Đường 9 thế nào cũng làm được bài thơ, nên càng thấy rạo rực. Thực ra, thì buổi trưa đầu xuân nắng nóng mà qua Đường 9 thì không phải “rạo rực” nữa, mà vã mồ hôi mẹ mồ hôi con. Lại nữa, khi sắp cắt ngang con đường lịch sử này, chúng tôi được phổ biến là khi qua đoạn cắt phải bôn tập, tức là chạy, chứ không được đi bình thường. Vì đây là đoạn đường thường xuyên bị đánh bom.

Đi chiến trường chứ không phải đi du lịch nên không có chuyện nhẩn nha hái hoa bắt bướm gì ở đây cả. Khi giao liên của đoàn hô “chạy” là cứ thế cả đoàn rầm rập chạy qua...Đường 9. Riêng tôi, do ủ mưu làm thơ nên vừa chạy, vừa quan sát. Đường 9 đây ư? Đúng là có một con đường màu đất đỏ nho nhỏ mà mình chạy cắt qua, cả một vùng đất bom đào tơi tả, phơi ra dưới nắng gắt buổi trưa. Chỉ có một chút an ủi duy nhất: một trạm gác công binh nhỏ bé như một quán nước chè xanh giữa vùng trọng điểm. Một chiến sĩ công binh đứng gác trong trạm, bình thản nhìn đoàn chúng tôi bôn tập.

Nếu tính cả thời gian chúng tôi chạy qua Đường 9 thì chỉ khoảng 1 phút thôi. Chỉ 1 phút mà nhớ mãi. Lúc bấy giờ tôi cũng chưa biết, khi chúng tôi vượt qua Đường 9 chưa được bao lâu, thì chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào” nổ ra, một chiến dịch với quy mô rất lớn, địa bàn rất rộng và là chiến dịch mang tầm chiến lược hết sức quan trọng của quân giải phóng.

Còn nhớ, khi qua Đường 9 được ít ngày, trên đường Trường Sơn chúng tôi đã gặp một tiểu đội quân giải phóng hành quân ngược ra hướng Bắc. Họ nai nịt rất gọn gàng, đi vội vã và người chỉ huy của họ mới nhìn đã biết ngay là “chẳng phải dạng vừa”. Đó chính là Sư trưởng Sư đoàn 2 Nguyễn Chơn. Khi ông đi qua, tôi mới nghe một thông tin rất khẽ nhẹ, thì thào: “Ông Chơn ra đánh chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đấy!”. Ông đi cùng tiểu đội cận vệ của mình và cách hành quân hối hả của họ đã nói lên tất cả: sắp đánh lớn rồi!

Chúng tôi cứ mải miết hành quân về hướng Nam, vì đường còn xa lắm, cũng chưa biết những gian khổ khó khăn gì sẽ chờ mình phía trước nhưng cứ đi và tin sẽ đến. Rồi một ngày, chúng tôi lại gặp một đoàn cán bộ dân sự, khoảng dăm người, đi ngược ra Bắc. Người dẫn đầu đoàn có gương mặt thật phúc hậu, tuy đã có tuổi nhưng ông vẫn tự hành quân cùng anh em cận vệ, không để họ mang ba lô cho mình, mà tự mang lấy.

Lại một thông tin khẽ nhẹ mà tôi nghe được khi đoàn đi ngang qua và vị đoàn trưởng cười chào hỏi chúng tôi rất thân tình: “Đoàn của ông Nguyễn Hộ ở Trung ương Cục đấy!”. Vui quá, thì chúng tôi đang hành quân vượt Trường Sơn về Trung ương Cục đây, mật danh của nơi chúng tôi sẽ đến là “Ông Già”. Kể ra, như ông Nguyễn Hộ thì cũng chưa già lắm nhưng vẻ mặt đầy phong trần, từng trải. Chúng tôi cứ đi, đi mãi.

Ngày mỗi ngày, con Đường 9 anh hùng và nổi tiếng cứ lùi về phía sau nhưng tôi rất vui vì trong một lúc căng võng chờ cơm sôi bên bờ suối cạn, tôi đã viết được bài thơ về con đường mà tôi ngưỡng mộ này:

QUA ĐƯỜNG 9

Vẫn là màu trời xanh trang nghiêm

Những khối mây bông trôi điềm tĩnh

Tôi chưa biết mình qua

Đường 9 Trưa oi nồng và cây lắng im

Mái tranh bên đường - trạm gác công binh

Trọng điểm ở đây phải không đồng chí?

Anh gật đầu - cái miệng cười trẻ thế

Khuôn mặt như nung giữa gió

Lào Những đồi tranh khét nắng tựa vào nhau

Hay gọi “túi bom” cũng là nơi đó

Tôi nhìn mãi chẳng có gì khác lạ

Và con đường màu đất đỏ thân quen

Và nụ cười của đồng chí công binh

Và trạm gác nom lành như quán nước

Và quanh trạm những hố bom khô khốc

Tất cả dội lên khoảng trời xanh trang nghiêm

Tất cả dội lên ánh sáng thực của chiến trường

Qua Đường 9 tôi chợt nhìn rất rõ

Cuộc sống ở đây vẫn cuộc sống bình thường

Cái lạ nhất là không thấy gì lạ cả...

Tháng 2/1971

Vâng, cái lạ nhất với tôi khi cắt ngang con đường lịch sử này là một cảm giác hết sức bình thường, không một chút kỳ lạ hay kinh ngạc nào. Đây là bài thơ mở đầu của tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” được tôi viết trong những năm đi kháng chiến.

Thanh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/mua-xuan-nam-ay-toi-qua-duong-9/183442.htm