Mùa xuân 'thần tốc'

'Tết này con bận việc quân/ Đường xuân quê mẹ vắng chân con về/ Bước đường trăm núi ngàn khe/ Vẫn nghe quấn quýt sơn quê bên mình...' là câu thơ trong bài thơ 'Tết xa quê mẹ' được tôi sáng tác vào những ngày trên chiến trận. Dù ở nơi chiến trường lửa đạn nhiều gian khó, thiếu thốn nhưng mùa xuân vẫn tặng người chiến sĩ những bông hoa rừng muôn màu trên tàn tro của bom đạn.

Sắc xuân xa quê hương của “thời hoa lửa” không làm cán bộ, chiến sĩ chúng tôi nao lòng, mà ngược lại còn nung nấu sức mạnh tinh thần nâng bước quân hành, giúp người lính vượt qua nguy khó, mưa bom, bão đạn trong niềm tin tất thắng.

Trong những mùa xuân nơi chiến trận, đối với tôi cũng như nhiều đồng đội, mùa xuân được hòa vào đoàn quân thần tốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mùa xuân đẹp nhất, với những kỷ niệm luôn tràn đầy.

Năm đó, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 12). Ngày 16-3-1975, khi Trung đoàn 27 đang làm nhiệm vụ trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng trên địa bàn huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình thì nhận lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu.

Nghe tin Trung đoàn chuẩn bị lên đường chiến đấu, nhân dân huyện Yên Mô nô nức đến phụ giúp cán bộ, chiến sĩ làm công tác chuẩn bị hành quân. Trong giờ phút chia tay, tình cảm lưu luyến, chan chứa mến thương của nhân dân vỡ òa theo dòng nước mắt và rừng tay vẫy chào. Trong lòng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27, ai cũng nghẹn ngào cảm xúc và bùng cháy ngọn lửa quyết tâm hoàn thành trách nhiệm với non sông, đánh đuổi kẻ thù để xứng đáng với tình cảm yêu mến và niềm tin của nhân dân gửi tặng.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và gia đình. Ảnh: HÀ VIỆT

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và gia đình. Ảnh: HÀ VIỆT

Trên bước đường hành quân chiến đấu, tin vui thắng trận liên tục từ tiền tuyến báo về làm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn càng thêm hăng hái, quyết tâm, bởi thời cơ là sức mạnh, thời gian là lực lượng, là chiến thắng, chỉ chậm một phút là có tội với dân tộc, với lịch sử.

Cả Trường Sơn rùng rùng chuyển động. Chúng tôi hành quân cả ngày lẫn đêm. Lúc đó, Trung đoàn có khoảng 2.000 người, tăng cường phối thuộc thêm 1.000 người, tổng là 3.000 người, đi bằng xe ô tô theo đường 559 (hệ thống đường Trường Sơn được gọi là đường 559). Khi đến đèo Ampun (trên đường Trường Sơn, phía Tây TP Huế), vì trời mưa nên con đường vượt đèo bị băm nát, sình lầy. Cả đội hình hành quân của Trung đoàn và nhiều đơn vị bạn phải dừng lại do có xe bị sa lầy. Con đường bị ách tắc cả chục cây số.

Không thể chậm trễ, tôi quyết định dùng toàn bộ lực lượng của Đại đội 17 Công binh và Tiểu đoàn 5 mở tuyến đường tránh. Để động viên cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy Trung đoàn đã quán triệt mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".

Sau gần hai giờ đồng hồ chặt cây, san đất, con đường tránh dài gần 1km đã hoàn thành, cả đoàn xe bắt đầu lăn bánh. Con đường này đã giúp không chỉ Trung đoàn mà cả các đơn vị bạn khẩn trương tiến về giải phóng miền Nam.

Hòa vào mùa xuân thần tốc, Trung đoàn 27 đã kịp thời có mặt trên chiến trường miền Nam, mở nhiều trận đánh thắng lợi. Đến gần 10 giờ ngày 30-4-1975, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đã chiếm toàn bộ Bộ tư lệnh thiết giáp ngụy, Căn cứ 25, 26 truyền tin và Tổng y viện Cộng hòa. Sau đó, Trung đoàn 27 cùng đơn vị bạn đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên một mùa xuân đại thắng.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN HUY HIỆU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mua-xuan-than-toc-814400