Mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 23%
Theo văn bản kê khai giá của Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 1, lớp 2 và lớp 6 là 23%; lớp 3, lớp 7 và lớp 10 là 22,5%; lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.
Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn ký báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.
Mức chiết khấu có tác động đáng kể đến giá SGK
Mức chiết khấu trong chi phí phát hành SGK, giá SGK hiện nay là một trong những nội dung đáng quan tâm được Bộ trưởng GD-ĐT giải trình trong báo cáo này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết theo các quy định hiện nay, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các nhà xuất bản (NXB) tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Theo văn bản kê khai giá của NXB giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 cụ thể là: 23% cho SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho sách lớp 3, lớp 7 và lớp 10. SGK lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.
Bộ trưởng GD-ĐT nhìn nhận mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá, giảm mức chiết khấu phát hành SGK.
Giải trình về việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ cho rằng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã có kết quả tích cực.
Sau 4 năm thực hiện, cả nước có 6 NXB và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Vì vậy việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây sự tốn kém cho xã hội.
Để hỗ trợ học sinh thuộc các hộ nghèo, các vùng sâu xa, miền núi, hải đảo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, không thu tiền SGK.
Việc biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị và cung cấp SGK cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo được thực hiện trên cơ sở là địa phương lựa chọn sách nào sẽ tổ chức biên soạn.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính xây dựng phương án mua SGK trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.
Hiện Bộ GD-ĐT đang tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính toán, xây dựng các phương án hỗ trợ, đánh giá tác động tới ngân sách Nhà nước và xin ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối ngân sách, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn SGK của nhà trường
Về ý kiến đề nghị đánh giá chủ trương "một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ sách cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không…”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng chương trình là thống nhất, SGK là học liệu.
Nhiều SGK góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận. Mỗi môn học, giáo viên và các học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ sách.
Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau, để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó.
Điều này, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Chính phủ thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện hiện nay.
Về việc trao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25 về lựa chọn sách theo hướng tăng cường vai trò tự chủ của nhà trường.
>> Yên Bái: Giá sách giáo khoa tăng cao, phụ huynh "nặng gánh"
* Tại Yên Bái, để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã tổ chức lựa chọn và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8,11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, tất cả các trường học đã hoàn thành việc đăng ký mua sách để kịp thời tiếp nhận SGK cùng đồ dùng học tập giao đến tay học sinh trước ngày khai trường.
Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Yên Bái hiện là đơn vị đầu mối cung cấp sách và thiết bị đồ dùng học tập cho các cơ sở giáo dục toàn tỉnh. Hiện nay, Công ty đã tiếp nhận đủ toàn bộ số sách được đặt hàng và đang tiến hành đóng bộ để sẵn sàng bàn giao cho các nhà trường trong thời gian từ ngày 15 đến 30/8/2023. Sách theo chương trình cũ đối với khối lớp 5, 9, 12 thì Công ty đã phát hành xong.
Trước việc giá SGK lớp 4,8, 11 năm học này tăng gấp 2- 3 lần, các nhà trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đều đã có phương án đảm bảo học sinh có đủ sách giáo khoa bước vào năm học mới, rà soát xem bao nhiêu học sinh có hoàn khó khăn, trên cơ sở đó nhà trường sẽ định hướng cho phụ huynh sử dụng đúng với số tiền hỗ trợ chi phí học tập của Nhà nước để đảm bảo cho học sinh có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học. Với những gia đình không có đủ kinh phí để mua sách, nhà trường tìm cách vận động từ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa.
Văn Tuấn (BT-Vietnamnet)
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/298373/muc-chiet-khau-sach-giao-khoa-len-den-23.aspx