Mức chiết khấu về SGK đang bị hiểu chưa đúng

Để xuất bản một cuốn sách giáo khoa đảm bảo chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức cần phải trải qua nhiều khâu khác nhau khiến chi phí bỏ ra lớn là điều khó tránh khỏi.

Chỉ còn gần một tháng nữa năm học mới 2024-2025 sẽ chính thức bắt đầu, thời điểm hiện tại câu chuyện giá sách giáo khoa (SGK) được sự quan tâm lớn của phụ huynh và học sinh.

Trên thực tế, để đến tay được người học, một cuốn SGK phải trải qua rất nhiều khâu với rất nhiều chi phí khác nhau. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn chưa có cái nhìn đúng về chi phí cấu thành lên một cuốn SGK, để làm rõ về vấn đề này Người Đưa Tin đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Một cuốn sách giáo khoa phải "gánh" rất nhiều chi phí

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, đứng dưới góc độ kinh tế, SGK được coi là mặt hàng thiết yếu. Do đó, chi phí giá vốn và giá bán SGK sẽ tác động lớn đến đời sống nhân dân.

Vậy bên cạnh chi phí giá vốn như nguyên vật liệu, bản quyền, nhân công, chi phí quản lý, chi phí lưu thông – bán hàng…Để SGK đến tay người tiêu còn phải chịu những chi phí nào?

Ông Nguyễn Văn Tùng: Giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó tập trung vào 5 yếu tố sau:

Chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí sản xuất: gồm giấy và công in, chi phí khâu lưu thông hay còn gọi là chi phí phát hành; chi phí tài chính.

Phí tổ chức bản thảo của một bộ sách giáo khoa lên tới hàng trăm tỷ đồng; chi phí nhuận bút hiện nay được tính theo tiết học.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" của NXBGDVN hàng năm cũng lên tới gần 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in), trong khi chi phí sản xuất hiện nay của NXBGDVN hoàn toàn dựa vào vốn vay ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành phí cũng là những khoản chi phí rất lớn.

Mặc dù phải bỏ ra chi phí lớn nhưng trên thực tế hiện nay, việc tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phải độc quyền của NXBGDVN. Chúng tôi đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần SGK , nhưng hoàn toàn không phải là đơn vị độc quyền hay có bất cứ ưu đãi nào.

NĐT: Mức chiết khấu phục vụ việc bán hàng tới người tiêu dùng được phản ánh trên báo chí là 11-15% đối với SGK, tùy theo nhà xuất bản. Theo ông đánh giá, con số này là cao hay thấp?

Ông Nguyễn Văn Tùng: Mức chiết khấu này đang bị hiểu chưa đúng. Chiết khấu này thực chất là chi phí phát hành. Phát hành SGK cũng như phát hành các ấn phẩm sách khác, hay phát hành báo chí đều phải có chi phí, gồm: đóng gói, vận chuyển, kho bãi, giao hàng,…

Mức phí phát hành SGK như vậy là rất thấp, đặc biệt là với vùng núi, vùng sâu vùng xa. Tôi có thể lấy ví dụ phí phát hành báo chí hiện nay đang ở mức từ 22% đến 25% giá bìa, cao hơn nhiều so với phí phát hành SGK.

Giá sách giáo khoa ngày càng ổn định qua các năm học.

Giá sách giáo khoa ngày càng ổn định qua các năm học.

NĐT: Như vậy, với chi phí chiết khấu thấp như vậy, thì các đơn vị phát hành dường như sẽ có lãi rất thấp? Điều này đã thay đổi nhiều nếu như so sánh mức chiết khấu các năm về trước?

Ông Nguyễn Văn Tùng: Việc tiết giảm chi phí để giảm giá thành SGK là chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đối với NXBGDVN chúng tôi vì mục đích đảm bảo an sinh xã hội, vì quyền lợi người tiêu dùng. Các đơn vị phát hành cần chia sẻ điều này với doanh nghiệp chúng tôi để cùng thực hiện trách nhiệm xã hội. Điều đó cũng đòi hỏi các đơn vị nỗ lực tiết giảm các chi phí khác để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Làm sách giáo khoa có thật sự lãi?

NĐT: Đối với riêng NXBGDVN, trước thềm năm học mới đã giảm trên dưới 10% giá SGK đối với từng bộ. Để làm được điều này, NXB đã phải làm những gì?

Ông Nguyễn Văn Tùng: NXBGDVN đã rà soát các chi phí cấu thành giá để thực hiện tiết giảm. Trong những chi phí mà đã rà soát tiết giảm để giảm giá thì có 2 khoản mục quan trọng nhất, đó là:

Chi phí tổ chức bản thảo: Chúng tôi đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Sản lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.

Cùng với đó, chi phí khâu lưu thông tiếp tục được NXBGDVN tiết giảm, theo đó việc tiết giảm chi phí phát hành và bán hàng đã giúp giảm được 2,5% giá bìa.

Với SGK các lớp đã xuất bản sẽ tiết giảm chi phí để điều chỉnh giảm giá bán. Cụ thể giá của bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu chúng tôi đã xây dựng và hoàn thành kê khai giá theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp đã xuất bản trước đó.

Trong Chương trình GDPT 2018 học sinh được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa.

Trong Chương trình GDPT 2018 học sinh được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa.

NĐT: Không ít người cho rằng làm SGK là rất lãi. Điều này có thật không, tại sao lâu nay dư luận lại có sự hiểu lầm như vậy?

Ông Nguyễn Văn Tùng:Quy trình làm sách giáo khoa của NXB GDVN phải trải qua 8 bước nghiêm ngặt: xây dựng tác giả; xây dựng mô hình bao gồm đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm; biên soạn bản thảo thô, góp ý điều chỉnh bản thảo tác giả.

Tiếp theo là biên tập thiết kế; thẩm định nội bộ đọc rà soát ý kiến chuyên gia thẩm định; thẩm định quốc gia 2 vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách và cung ứng SGK.

Do đó trong cấu thành giá của SGK có rất nhiều chi phí mà chúng tôi đã liệt kê ở trên. NXBGD Việt Nam và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục quản lý giá phê duyệt.

Như vậy, trên thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có, hoặc có rất ít . NXBGD VN có lợi nhuận là từ các sách khác như: sách bổ trợ, sách tham khảo…

Nhưng dư luận, ngay cả người trong ngành cũng không biết điều này, cứ cho rằng NXB GDVN doanh thu 3.000 tỷ, lãi 300 tỷ là từ SGK. Nếu làm SGK dễ và lãi nhiều như vậy thì có lẽ đã có rất nhiều NXB, nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

Về chi phí phát hành cho khâu lưu thông, NGƯT Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VEPIC bày tỏ thực tế, chiết khấu được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.

Chiết khấu SGK không phải là một loại "hoa hồng". Mức chiết khấu là một cấu phần của giá SGK và được kê khai đầy đủ với Cục Quản lý giá. Đó chính là chi phí lưu thông, phân phối mà bất cứ một loại sản phẩm nào đều phải gánh chịu.

"Mức chi phí phát hành là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước", ông Ngô Trần Ái bày tỏ.

Chi phí phát hành bao gồm: Chi phí thuê kho bãi, chi phí bốc xếp vận chuyển hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ…

Ở đây, ông Ngô Trần Ái phân tích như mọi quy luật lưu thông khác, phần chi phí này dùng để trả cho các đại lý cấp dưới; chi phí cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển, lưu kho), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/muc-chiet-khau-ve-sgk-dang-bi-hieu-chua-dung-204240808183039154.htm