Mục đích của Saudi Arabia và Nga là gì khi tiếp tục 'ra tay' với sản lượng dầu?
Ngày 6/9, Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông tin, nước này sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện lên tới 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Theo đó, sản lượng dầu khai thác trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 sẽ duy trì ở mức 9 triệu thùng/ngày.
Quyết định này là nhằm "hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ", tuy nhiên bộ trên cũng sẽ xem xét tình hình cung-cầu hàng tháng để quyết định xem có nên cắt giảm sâu hơn hay tăng sản lượng xuất khẩu.
Cùng ngày, Nga - quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới – cũng tuyên bố gia hạn quyết định tự nguyện giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2023.
Sau thông báo trên, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn giao dịch đã lên trên 90 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Trước đó, giá dầu thô giao dịch trong tháng 7 đã lên hơn 80 USD/thùng và các nhà phân tích cho rằng mức giá như thế này mới đủ để Saudi Arabia cân bằng ngân sách của nước này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/9, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm thảo luận những nỗ lực ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về một số chủ đề cùng quan tâm, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Thái tử Mohamed khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác kinh tế với Nga và mong muốn hợp tác với các nước BRICS vì lợi ích chung.