Mức độ gắn kết của liên minh

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Nhà Trắng cuối tuần qua dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, là cuộc gặp cấp cao chính thức thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức năm 2021 với mục tiêu củng cố quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu, cân đối lại nền kinh tế thế giới cũng như phối hợp lập trường trong giải quyết các điểm nóng hiện nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh tư liệu: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh tư liệu: Reuters

So với hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tổ chức hồi tháng 6/2021 tại Brussels (Bỉ), hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khó khăn hơn rất nhiều khi mà Mỹ và châu Âu phải giải quyết những thách thức địa chính trị trong một thế giới ngày càng chia rẽ với những cuộc xung đột khốc liệt đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Chương trình nghị sự của hội nghị lần này phần nào bị phủ bóng bởi các sự kiện hiện tại, đặc biệt là xung đột giữa Hamas và Israel, mà cả Mỹ và châu Âu đều muốn ngăn chặn, không để cuộc xung đột này kéo dài hoặc lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực. Bởi vậy, hội nghị được xem là "phép thử" mức độ gắn kết của mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương tồn tại hàng chục năm qua.

Trước cuộc gặp, dư luận đánh giá quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đang trên đà phát triển tốt đẹp, nhưng vẫn có những khoảng cách nhất định trong quan điểm của hai bên, trong đó đáng chú ý là các vấn đề như năng lượng, các mục tiêu phát triển bền vững hay gần đây là xung quanh việc hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và EU hy vọng giải quyết các tranh chấp thương mại, bao gồm cả vấn đề thuế bảo hộ đối với thép và nhôm mà Mỹ nhập khẩu từ châu Âu, cũng như việc tạo điều kiện cho ô tô điện của châu Âu vào thị trường Mỹ.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức hướng tới một thế giới hòa bình và an ninh hơn, đề cập đến các cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza, Ukraine, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ và EU dành cho Kiev và Tel Aviv. Tổng thống Biden chỉ rõ tại hội nghị thượng đỉnh gần nhất, hai bên đã cam kết khôi phục quan hệ đối tác giữa EU và Mỹ, và trong hơn 2 năm qua, hai bên đã thực hiện tốt cam kết đó, sát cánh cùng nhau ủng hộ Ukraine, giải quyết các thách thức kinh tế, thiết lập các tiêu chuẩn nhằm định hướng mối quan hệ với Trung Quốc và hiện đang cùng nhau ủng hộ Israel.

Kết thúc cuộc họp, hai bên đã ra tuyên bố chung gồm 34 điểm, nhấn mạnh rằng Mỹ và EU cùng các quốc gia thành viên đại diện cho gần 800 triệu dân gắn kết bởi các giá trị và các mối quan hệ kinh tế năng động, tái khẳng định cam kết chung với mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tuyên bố xác định hai trụ cột hợp tác chính gồm an ninh, với trọng tâm hướng tới một thế giới an ninh, ổn định hơn và tăng cường hợp tác kinh tế Mỹ-EU.

Về quan hệ với các đối tác và khu vực khác, hai bên nhắc lại cam kết chung trong việc tăng cường quan hệ phối hợp và hợp tác nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU cho biết sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hợp tác với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Về quan hệ song phương, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU, đồng thời cam kết tăng cường thị trường xuyên Đại Tây Dương, hỗ trợ việc làm bền vững và các cơ hội kinh tế với trọng tâm là khả năng phục hồi và tính bền vững cùng có lợi của chuỗi cung ứng. Hai bên cũng thảo luận việc hợp tác giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp bách về khí hậu, mở rộng hợp tác triển khai năng lượng sạch, trao đổi về khả năng các khoáng sản được khai thác, tinh chế ở EU được hưởng một số miễn trừ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, nhất trí mở rộng hợp tác và trao đổi công nghệ.

Nhìn chung, dù chưa thể giải quyết được hết các chướng ngại trong quan hệ song phương, hội nghị lần này đã tạo cơ hội để lãnh đạo hai bên trao đổi về hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới, như khẳng định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng thế giới hiện đối mặt với những thách thức to lớn và hơn bao giờ hết, thế giới cần một liên minh Mỹ-EU vững mạnh để giải quyết các thách thức này.

Đánh giá về hội nghị, các chuyên gia cho rằng mối quan hệ Mỹ-EU nói riêng và Mỹ-châu Âu nói chung gắn bó rất mật thiết, chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đóng vai trò cốt lõi của trật tự thế giới. EU từ lâu đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng hai bên không tránh khỏi những bất đồng, thậm chí cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Kể từ khi Tổng thống Biden lên cầm quyền, quan hệ Mỹ-EU đã được cải thiện đáng kể với nhiều chuyến thăm cấp cao, hai bên nỗ lực giải quyết các bất đồng thương mại nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng, cũng như phản ứng phối hợp trong việc hỗ trợ Ukraine, qua đó củng cố một liên minh có chiều sâu.

Hai bên thường xuyên trao đổi để chế ngự những bất đồng, tìm kiếm những điểm đồng thuận nhiều hơn. Ở hội nghị lần này cũng vậy, bảo đảm an ninh năng lượng, chống biến đối khí hậu là 2 chủ đề rất quan trọng nổi bật, gắn chặt với nhau. Đây chính là 2 lĩnh vực mà EU và Mỹ có sự hợp tác rất chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh giảm bớt lệ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt của Nga và tìm đến những nguồn năng lượng khác, trong đó Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng ngày càng chiếm nhiều thị phần ở châu Âu. Về chống biến đổi khí hậu, hai bên cũng bảo đảm thúc đẩy ứng dụng các công nghệ và nền tảng mới để giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhiên liệu hóa thạch, phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch.

Trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố quan hệ Mỹ-EU có nhiều thuận lợi, đó là truyền thống hợp tác chặt chẽ từ khi EU chưa thành lập ở định dạng như hiện nay mà là Cộng đồng châu Âu. Hai bên là đối tác và đồng minh chiến lược của nhau, mong muốn hợp tác trong những vấn đề chung như kiềm chế Nga, Trung Quốc, đối phó với những nguy cơ truyền thống và phi truyền thống. Hợp tác an ninh thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò trụ cột giữa hai bờ Đại Tây Dương. 22/27 nước EU là thành viên NATO và khối quân sự này có xu hướng mở rộng trong thời gian tới, đây cũng là cơ sở để Mỹ-EU tăng cường hợp tác. Tình hình bất ổn tại châu Âu có thể khiến EU ngày càng phụ thuộc vào sự bảo trợ của Mỹ về đối ngoại, an ninh, quốc phòng và năng lượng. EU cần sự đảm bảo an ninh từ Mỹ và chính chiếc "ô hạt nhân" của Mỹ đã mang lại cho châu Âu sự tự tin trong việc hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, những biến động, thay đổi về đường lối chính sách mang tính chu kỳ trong bầu cử ở một số nước có thể tác động tới quan hệ hai bên. Nền tảng chiến lược chung trong quan hệ hai bên có thể không thay đổi nhiều, nhưng sách lược, đường đi nước bước tùy theo từng thời điểm có thể có những điều chỉnh và điều đó cũng dẫn đến những trở ngại nhất định trong từng giai đoạn trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của những vấn đề, xu thế mới, cùng những vấn đề của nội bộ Mỹ và châu Âu, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở giai đoạn quan trọng. Dù không đạt được các thỏa thuận mang tính đột phá về các vấn đề vướng mắc, nhưng nhìn chung dư luận đều kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần này sẽ tạo động lực quan trọng không chỉ cho mối quan hệ song phương, mà còn cho việc giải quyết các thách thức đang nổi lên trên thế giới trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2024.

Đoàn Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/muc-do-gan-ket-cua-lien-minh-20231023111815582.htm