Mức độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 không hề giảm tại châu Âu

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin ngừa COVID-19 - Nguồn: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, mức độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không hề giảm tại châu Âu.

Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh.

Để đối phó với làn sóng lây nhiễm lần thứ 2, ngày 30/10/2020, Chính phủ Bỉ đã quyết định tái phong tỏa toàn quốc. Giới chức Bỉ cũng duy trì lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tới 6 giờ.

Tới nay, tuy các chỉ số về số người phải nhập viện và tử vong đều giảm, nhưng số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại (1.816 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 7 ngày qua), vì vậy Chính phủ Bỉ vẫn cẩn trọng duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ăn, quán cà phê, quán bar; duy trì lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tới 6 giờ…

Với dân số chỉ 11,5 triêu người, tới ngày 11/1, tại Bỉ đã tới 664.263 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch tới nay và 20.078 ca trong số này đã tử vong.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Prague dẫn thông báo của Ủy ban châu Âu (ec.europa.eu), kể từ ngày 11/1, Bỉ, Hà Lan và Slovenia sẽ trở thành những quốc gia mới cung cấp vật tư y tế theo Cơ chế bảo vệ dân sự EU (rescEU). Ngoài ra, một trung tâm dự trữ y tế thứ hai sẽ được triển khai tại Đức.

Phát biểu về việc mở rộng các kho dự trữ trên, Ủy viên Quản lý Khủng hoảng châu Âu Janez Lenarčič cho biết: “COVID-19 vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe vào năm 2021 và kể từ năm ngoái, chúng ta đã biết rằng EU không bao giờ để mất cảnh giác. Với 4 kho dự trữ y tế bổ sung của (rescEU) ở Bỉ, Đức, Hà Lan và Slovenia, EU đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương và nhân viên y tế sẽ nhận được thiết bị cần thiết để bảo vệ và duy trì hệ thống y tế hoạt động tốt trên khắp lục địa”.

Tổng cộng, hiện có 9 quốc gia thành viên lưu trữ kho thiết bị y tế chung của châu Âu. Nguồn cung cấp hiện có hơn 65 triệu khẩu trang y tế và 15 triệu khẩu trang FFP2, FFP3; hơn 280 triệu đôi găng tay y tế; gần 20 triệu áo bảo hộ y tế cùng hàng nghìn máy thở.

Dự trữ y tế (rescEU) bao gồm các loại thiết bị y tế khác nhau, chẳng hạn như khẩu trang hoặc máy thở y tế được sử dụng trong chăm sóc đặc biệt. Nguồn dự trữ do Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Slovenia, Thụy Điển và Hà Lan chịu trách nhiệm mua sắm. Ủy ban Châu Âu tài trợ liên quan đến lưu trữ và vận chuyển.

Trung tâm Điều phối ứng phó khẩn cấp EU điều hành việc phân phối nguồn cung cấp, đảm bảo đến nơi cần thiết nhất, dựa trên nhu cầu của các quốc gia yêu cầu EU hỗ trợ theo Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU.

Trong khi đó, lần đầu tiên tại Đức, nhà chức trách phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi. Các thành viên trong một gia đình ở TP Bottrop, bang Nordrhein-Westfalen, đã nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 sau khi một người trong gia đình tới Nam Phi trước dịp Giáng sinh.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, người đàn ông, vì lý do công việc đã tới Nam Phi và trở về Đức ngày 15/12/2020. Khi về tới sân bay, người này đã được xét nghiệm sàng lọc và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, không lâu sau đó, người này có những biểu hiện điển hình của người mắc bệnh COVID-19 và đã đi xét nghiệm lần hai, với kết quả dương tính.

Tuy thực hiện tự cách ly tại nhà, nhưng người này vẫn lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình. Hiện người đàn ông đã khỏe trở lại trong khi sức khỏe các thành viên khác trong gia đình cũng tiến triển tốt. Tất cả hiện vẫn đang thực hiện cách ly tại nhà riêng. Những người đã tiếp xúc với các thành viên trong gia đình cũng đã được thông báo.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), không có dấu hiệu cho thấy biến thể phát hiện ở Nam Phi khiến bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vắcxin, nhưng đã được chứng minh là biến thể có tốc độ lây nhiễm cao hơn virus gốc. Chính phủ liên bang Đức thông báo sẽ bơm 200 triệu euro để hỗ trợ các phòng xét nghiệm nâng cao năng lực trong việc truy tìm biến thể mới phát hiện ở Anh và Nam Phi trong thời gian tới.

Trong ngày 11/1, lần đầu tiên kể từ đầu dịch, cả ba đèn báo tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở thủ đô Berlin đã chuyển sang màu đỏ, theo đó cả chỉ dịch bệnh trong 7 ngày, chỉ số lây nhiễm và chỉ số giường bệnh còn trống đều ở mức báo động. Dự kiến, chính quyền Berlin sẽ họp để siết chặt các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm đi ra khỏi nơi ở ngoài bán kính 15 km.

Cùng ngày 11/1, Bộ Y tế Đức xác nhận lô hàng đầu tiên gồm 60.000 liều vắcxin Moderna (Mỹ) đã được chuyển tới Đức. Hiện chưa rõ số vắcxin này sẽ được phân phối như thế nào tới các bang ở Đức. Trong khi đó, công ty BioNTech của Đức cũng thông báo kế hoạch tăng cường sản xuất vắcxin trong năm 2021.

Cụ thể, BioNTech sẽ tiếp tục hợp tác với công ty Mỹ Pfizer để sản xuất tới 2 tỉ liều vắcxin trong năm nay, cao hơn nhiều so với con số 1,3 tỉ liều được biết cho tới nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại nước này từ ngày 14 hoặc 15/1, đồng đưa ra kế hoạch dần nới lỏng các quy định hạn chế trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tiếp tục giảm.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế của chính quyền Palestine (PA) Mai al-Kaila thông báo Palestine đã đạt được một thỏa thuận với Nga, theo đó Moscow sẽ cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V cho người dân Palestine. Bộ Y tế PA cũng đã thông qua quyết định cho phép sử dụng vắcxin Sputnik V trong trường hợp khẩn cấp. Thông báo của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho hay lô vắcxin Sputnik V đầu tiên sẽ được chuyển tới Bờ Tây trong tháng 2/2021.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế hiện vẫn khá do dự trong việc sử dụng Sputnik V, vì cho rằng loại vắcxin này được sản xuất và đưa ra thị trường mà chưa trải qua đủ quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt. Hiện chưa rõ số lượng vắcxin Sputnik V sẽ được vận chuyển tới Palestine. Bộ Y tế PA dự kiến sẽ ưu tiên tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi, với mục tiêu khoảng 70% người dân tại Bờ Tây và Dải Gaza được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, Israel đến nay vẫn chưa cho phép sử dụng vắcxin Sputnik V ở nước này, mặc dù Trung tâm Y tế Đại học Hadassah tại Jerusalem đã ký một bản ghi nhớ về việc mua 1,5 triệu liều và làm thủ tục đăng ký sử dụng với Bộ Y tế.

Tương tự các nước phương Tây, Israel đến nay vẫn lựa chọn các loại vắcxin khác, cho rằng những cuộc thử nghiệm vắcxin của Nga còn ít và chưa đủ để hiểu rõ thông tin. Theo RDIF, vắcxin Sputnik V đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và hoàn toàn có thể phòng ngừa các ca COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251081/muc-do-lay-nhiem-cua-virus-sars-cov-2-khong-he-giam-tai-chau-au.html