Mực nước trên sông Hồng xuống chậm, lũ trên sông Đáy vượt đỉnh lịch sử
Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã xuống mức 11,16m, cách báo động 3 là 33cm, giảm 2cm so với 1 giờ trước đó. Trong khi tại Ninh Bình, lũ trên sông Đáy đã vượt đỉnh lịch sử, hơn 1.000 hộ dân vẫn đang chịu cảnh ngập sâu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội lúc 10h ngày 12/9 là 11,16m (dưới báo động 3 là 33cm). Mực nước lũ này đã xuống 2cm so với 1 giờ trước đó.
Tại Lào Cai, mực nước được ghi nhận là 80,21m (dưới báo động 1 là 21 cm). Mực nước lũ này đã xuống 4cm so với 1 giờ trước.
Dự báo trong những giờ tới, nước lũ trên sông Hồng tiếp tục xuống.
Lũ trên thượng nguồn sông Hồng tại Yên Bái đang ở mức 31,26m, trên báo động 2 là 27cm. Dự báo lũ tại đây tiếp tục xuống dưới mức báo động 1 trong 12 - 24 giờ tiếp theo.
Với các sông khác tại miền Bắc, trên sông Thương (tỉnh Bắc Giang) dao động ở mức đỉnh lũ 7,22m, trên báo động 3 là 0,92m.
Lũ trên sông Lục Nam, Thái Bình, Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3.
Dự báo từ 12 đến 24 tiếng tiếp theo lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 1. Lũ trên sông Cầu sẽ xuống chậm, nhưng vẫn trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm dưới mức báo động 3.
Lũ trên các sông: Thương, Thái Bình, Hoàng Long (Ninh Bình) sẽ biến đổi, xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3.
Cảnh báo trong 24h giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tình trạng ngập lụt có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.
Lũ trên sông Đáy đã vượt đỉnh lũ lịch sử
Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình cho biết, sau một ngày biến đổi chậm, lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy tại Ninh Bình đang tiếp tục dâng.
Lũ trên sông Đáy đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (0,12m), dự báo sẽ lên mức 4,15-4,35m trong 12-24 giờ tới.
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu và sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục lên.
Mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông...
Hiện nay tại Ninh Bình hơn 1.000 hộ dân vẫn đang chịu cảnh ngập sâu. Khu vực dân cư ngập sâu nhất là thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong thuộc huyện Nho Quan cũng bị ngập nước lũ 0,5-1,5m.
Căn cứ vào khoản 2, Điều 3 của Quyết định 05/2020, cấp báo động lũ được phân chia thành ba cấp, dựa trên đặc điểm, độ lớn của mực nước lũ và mức độ tác động của nó đến an toàn đê điều, bờ sông, công trình và đời sống kinh tế - xã hội của khu vực.
+ Cấp báo động 1: Mực nước sông, suối dâng cao, bắt đầu gây ngập lụt nhẹ tại các vùng đất thấp. Nguy cơ đe dọa an toàn của một số khu vực, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
+ Cấp báo động 2: Lũ tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng đến các vùng bằng phẳng, ngoại trừ những thị trấn và thành phố được bảo vệ bởi đê điều. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xói lở đê, cầu và bờ sông.
+ Cấp báo động 3: Đây là mức lũ nguy hiểm nhất, khi mực nước đã rất cao, gây ngập lụt toàn diện, kể cả trong các thành phố. Nguy cơ thiệt hại về cơ sở hạ tầng và an toàn của hệ thống đê điều ven sông trở nên rất nghiêm trọng.