Mức phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng với vi phạm về tài sản mã hóa

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể dự thảo nghị định đề xuất bổ sung một mục riêng với 5 điều, quy định cụ thể các hành vi vi phạm, mức xử phạt và thẩm quyền xử lý liên quan đến lĩnh vực tài sản mã hóa.

Các hành vi bị xử phạt bao gồm vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa; tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa trái phép; không thực hiện báo cáo, công bố thông tin theo quy định; giao dịch bằng thông tin nội bộ; thao túng thị trường tài sản mã hóa.

Trong đó có quy định một số mức phạt cụ thể như, phạt tiền từ 1-1,5 tỷ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện hành vi đưa loại tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Phạt tiền từ 1,5-2 tỷ đồng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép.

Phạt tiền từ 100-200 triệu đồng đối với hành vi không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định. Phạt tiền từ 1,5-2 tỷ đồng đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.

"Việc bổ sung chế tài là cần thiết để đảm bảo thực thi hiệu quả đề án thí điểm, bảo vệ nhà đầu tư, hạn chế rủi ro thị trường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong bối cảnh tài sản mã hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam", Bộ Tài chính cho biết.

Đồng thời, theo Bộ Tài chính, việc triển khai xây dựng thị trường giao dịch tài sản mã hóa dự kiến có quy mô lớn, số lượng nhà đầu tư và quy mô giao dịch lớn sẽ đòi hỏi cơ quan quản lý, cơ quan xử lý vi phạm hành chính bổ sung nguồn lực tương ứng để đảm bảo khả năng quản lý giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm.

Do thị trường tài sản mã hóa được triển khai thí điểm và lần đầu tiên triển khai, việc chuẩn bị tăng cường nguồn lực có thể thực hiện theo từng bước bổ sung nguồn lực về nhân sự, phương tiện và điều kiện đảm bảo thi hành.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/muc-phat-cao-nhat-len-den-2-ty-dong-voi-vi-pham-ve-tai-san-ma-hoa-post122751.html