Ghi nhận của Người Đưa Tin những ngày cuối tháng 8, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Tp.Hà Nội, lại tất bật, các công nhân cùng máy móc làm việc liên tục.
Trải qua hơn 70 năm thăng trầm, nơi đây vẫn lưu giữ được nghề truyền thống may cờ Tổ quốc. Từ đây, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng với đủ kích cỡ đã được gửi đi mọi miền đất nước.
Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển đa dạng các loại ngành nghề mới, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Từ Vân đã chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm khác. Số lượng giữ gìn nghề truyền thống này đơn giản chính là niềm tự hào khi đã dệt nên một phần linh hồn của dân tộc.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi - Nguyễn Tấn Phát cho biết, hiện nay có khoảng 50 % người dân làng Từ Vân vẫn theo nghề làm cờ Tổ quốc. Hàng năm tiêu thụ đi khắp nơi trên mọi miền tổ quốc khoảng 45.000 đến 50.000 lá cờ các loại. "Nơi đây, công nghệ làm cờ có kỹ xảo, tay nghề người thợ cũng tỉ mỉ hơn các nơi khác với đầy đủ các loại hình từ cờ thêu, cờ may và cờ in với đẩy đủ kích cỡ khác nhau", Chủ tịch UBND xã Lê Lợi nói.
Để làm ra một chiếc cờ đẹp trải trải qua nhiều công đoạn khác nhau.
Một trong những khâu đầu tiên nhưng lại quan trọng nhất là khâu chọn vải. Vải phải tốt, màu sắc phải đẹp, tươi mới có thể may đẹp từng đường kim mũi chỉ.
Đối với mỗi người dân làng Từ Vân, may cờ là sự may mắn, vinh dự không phải ai cũng có. Bởi mỗi lá cờ làm ra mang đến cho họ niềm tự hào vì đã dệt nên một phần linh hồn dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi những lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp phố phường của Thủ đô, trên khắp nẻo đường của đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo.
Có mặt tại xưởng làm cờ Tổ quốc của gia đình anh Phục (làng Từ Vân) cho biết, từ bé hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã in đậm trong tâm trí nên đã quyết nối nghiệp cha mẹ giữ gìn nghề làm cờ thiêng liêng này.
Cũng theo anh Phục, trong làng hiện tại sản xuất rất đa dạng sản phẩm về cờ.
Người thêu cờ, người may cờ phục vụ khai giảng năm học mới, cờ Tổ quốc treo ngày quốc khánh 2/9, băng rôn, khẩu hiệu... Trước đây, may cờ chủ yếu làm bằng tay tốn nhiều thời gian, cần nhiều người làm nên có năm làm không kịp hàng. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở đã dùng máy móc sản xuất hiện đại tự động, lập trình trên máy tính nên độ chính xác, năng suất rất cao.
"Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp", anh Phục nói.
Anh Phục còn cho biết, cơ sở của mình còn sản xuất những lá cờ lớn treo ở những nơi địa đầu tổ quốc và ngoài biển đảo. “Với nhưũng lá cỡ lớn treo ở những nơi địa đầu tổ quốc hay ngoài biển đảo, để chịu đựng được tính chất đặc thù nắng gió nên từ khâu chọn chất liệu vải, đến các công đoạn sản xuất ra được lá cờ đều phải chăm chút rất tỉ mỉ...”, anh Phục nói.
Lá cờ được hoàn thành sẽ được các công nhân gấp gọn gàng và cho vào túi nilong để chuẩn bị xuất đi các nơi.
Trong làng hiện nay vẫn còn nhiều gia đình đã gắn bó lâu đời làm nghề may cờ Tổ quốc. Gắn bó với nghề truyền thống vừa là công việc thiêng liêng, tự hào và vừa mang đến nguồn thu nhập ổn định cho đời sống người dân.
Nguyễn Hữu Thắng