Mức thuế 46% của Mỹ tác động ra sao đến tỷ giá?
Việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam làm xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, khiến tổng xuất siêu của Việt Nam giảm, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ. Nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối, tỷ giá USD/VND có thể tăng 3-5% trong năm 2025.
Trong ngày 3/4, nhiều chuyên gia cho rằng cửa đàm phán về thuế quan với Mỹ vẫn còn rất lớn, đồng thời kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá.
Giá USD bật tăng
Ngay sau khi mức thuế quan được công bố, giá USD ngày 3/4 tăng “dựng đứng” theo những diễn biến mới trên thị trường. Tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng thêm 3 đồng so với ngày 2/3, lên 24.854 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần ngày 3/4 là 26.097 đồng/USD, tỷ giá sàn là 23.611 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND cũng “nhảy vọt’. Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 25.960 đồng/USD, tăng 140 đồng/USD so với hôm trước. Giá mua vào cũng tăng từ 25.430 đồng/USD lên 25.570 đồng/USD.
Tại Eximbank, giá bán USD tăng lên 25.980 đồng/USD, còn giá mua USD tiền mặt ở mức 25.570 đồng/USD, mua chuyển khoản lên đến 25.600 đồng/USD. So với hôm trước, giá USD tại Eximbank tăng đến 160 đồng/USD ở chiều bán ra và 130 đồng/USD ở chiều mua vào.
Sacombank cũng tăng giá bán USD lên 25.980 đồng/USD, trong khi giá mua vào vọt lên 25.620 đồng/USD - cũng là mức gần như cao nhất thị trường.

Tỷ giá có thể tăng lên 26.000 đồng/USD trong thời gian tới.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nếu có hiệu lực vào ngày 9/4/2025, sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, về xuất khẩu, với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, có thể lên đến 20- 30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường.
Về nhập khẩu, Việt Nam có thể phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.
Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng sẽ khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bị thu hẹp đáng kể, có thể khiến tổng xuất siêu của Việt Nam giảm từ mức 24,77 tỷ USD (2024) xuống thấp hơn, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ.
“Nếu NHNN can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối, tỷ giá USD/VND có thể tăng 3-5% trong năm 2025. Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, đồng Nhân dân tệ nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Liên quan tới tỷ giá, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research phân tích, VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" nhất định. Do đó, áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh.
“Tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng NHNN vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”, ông Hưng nhận định.
Kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá, lạm phát
Giám đốc SSI Research cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu bị tác động nặng nề thời gian tới, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nội địa. Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng hơn 16% năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được.
Chuyên gia này phân tích, một khi khu vực nội địa tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tìm kiếm cơ hội để đẩy mạnh cho vay mạnh hơn nữa. Đơn cử, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp thu lại tiền đầu tư nhanh hơn, từ đó ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
“Ngay cả ngành “khó nhằn” như cơ sở hạ tầng mà ngân hàng còn cho vay mạnh mẽ thì khi kinh tế nội địa phục hồi, nhiều ngành sẽ có cơ hội phát triển và ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay”, ông Hưng đánh giá.
Thực tế, trong tháng 2, mặc dù đồng USD suy yếu, nhưng tỷ giá USDVND cũng đã có xu hướng biến động mạnh dưới áp lực của nhiều yếu tố, nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tư liệu sản xuất.
Thời điểm đó, NHNN cũng có động thái mới khi không còn thiết lập mức chặn cứng cho tỷ giá liên ngân hàng ở mức 25.450 VND/USD như giai đoạn trước đó. Vào ngày 11/2, nhà điều hành đã tăng mạnh giá bán USD can thiệp lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2024, lên mức 25.698 VND/USD và liên tục thả nổi giá bán USD. Động thái này cho thấy tín hiệu về việc NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.
Vì vậy, dù đánh giá chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ tác động đến tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng tín dụng, nhưng các chuyên gia cho rằng NHNN vẫn còn dư địa điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể, nhà điều hành sẽ giảm lãi suất, kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá, lạm phát.
Các chuyên gia dự báo trước những biến động thương mại trên thị trường thế giới, chính sách thuế quan thay đổi…, tỷ giá có thể tăng lên 26.000 VND/USD trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, để quản lý rủi ro về tỷ giá, cơ quan quản lý với mục tiêu ổn định lãi suất, tỷ giá nhưng không cố định hay neo cứng vì kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường vốn rất cần sự linh hoạt.
Các chuyên gia từ Ngân hàng UOB khuyến nghị, giải pháp tốt nhất của doanh nghiệp lúc này là quản lý dòng tiền chặt chẽ. Trên cơ sở có được kế hoạch sử dụng dòng tiền, dòng vốn chi tiết, xây dựng được kế hoạch huy động vốn, chuyển đổi ngoại tệ đúng thời điểm có lợi nhất, sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư.