Mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030: Nước tới chân, liệu có nhảy?
Nếu không xét các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và các dự án đang xây dựng, tới nay mới chỉ có 37.800 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, cách rất xa khoảng cách 1 triệu căn Chính phủ đã giao.
Vẫn cách rất xa mục tiêu 1 triệu căn
Vào năm 2023, Chính phủ đã thông qua Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Tính thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 1 năm nữa là giai đoạn 1 của dự án (2021 - 2025) sẽ kết thúc. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, các dự án đang được triển khai xây dựng và các dự án đã được phê duyệt vẫn còn chậm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, có 71 dự án đã hoàn thành, với quy mô khoảng hơn 37.800 căn; 127 dự án, với quy mô gần 108.000 căn đã khởi công xây dựng. Đồng thời, 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô hơn 265.000 căn.
Nếu không xét các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và các dự án đang xây dựng, thì tới nay mới chỉ có 37.800 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, cách rất xa khoảng cách 1 triệu căn Chính phủ đã giao. Như vậy, trong hơn 6 năm tới, để hoàn thành nhiệm vụ, cả nước cần tới hơn 962.200 căn nhà ở xã hội. Đây là một nhiệm vụ được đánh giá là rất thách thức trong thời gian tới.
Dù vậy, hiện nay, có một số địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn…
Tuy nhiên một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế. Đơn cử, Hà Nội mới chỉ có 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.HCM có 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;...
Cá biệt, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi,...
Phấn đấu năm 2024 có 130.000 căn hộ nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc, ví dụ như nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.
Hoặc vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Trong năm 2024, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.
“Đây cũng là yêu cầu và mục tiêu rất cao, đòi hỏi các Bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ Đề án đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Bên cạnh những thách thức được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, còn nhiều yếu tố thách thức khác đang cản trở nguồn cung nhà ở xã hội.
Đơn cử, một số nơi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; còn thiếu những cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, mua bán kinh doanh đối với dự án nhà ở xã hội, tiếp cận các chương trình hỗ trợ mua bán nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế và bất cập.
“Đặc biệt, nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội” - ông Hiển nói.
Vì vậy, ông Nguyễn Đức Hiển đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Một trong những giải pháp trọng tâm là hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển mới. Trong đó, cơ quan ban ngành cần đẩy nhanh xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế…
“Ngoài ra, cũng cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư và người dân được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội” - ông Hiển nói.
Doanh nghiệp mong muốn điều gì?
Ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng (có trụ sở ở Bắc Ninh) phản ánh vướng mắc trong tiếp cận quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.
Từ năm 2017, Tập đoàn Lan Hưng đã tới 38 tỉnh, thành đề nghị được tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội nhưng cuối cùng chỉ trụ lại được ở 11 địa phương.
“Thủ tục pháp lý phát sinh từ đất quá phức tạp, mất thời gian. Muốn có 1 triệu căn nhà ở xã hội thì không thể không quyết liệt về đất. Tôi đề nghị luật hóa quy định các tỉnh phải bố trí bằng được quỹ đất để làm nhà ở xã hội chứ không phải chỉ khuyến khích như hiện nay”- ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn cũng chia sẻ thêm, công ty ông có dự án 17 ha ở TP. Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó có 2 ha nhà ở xã hội. Doanh nghiệp đã làm hàng chục công văn xin tỉnh được làm đồng bộ hạ tầng với nhà ở thương mại và nhà ở xã hội nhưng dù doanh nghiệp đã hoàn thiện 90% hạ tầng, tỉnh vẫn khăng khăng theo quy định là phải xong hạ tầng mới giao đất.
“Việc doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội được quy định là địa phương phải thu lại đất ấy rồi doanh nghiệp làm hạ tầng xong phải đề xuất mới được giao. Luật lùng nhùng ở đó. Nếu làm xong hạ tầng mới xây nhà ở xã hội thì hỏng hết đường, phá vỡ hết cây cối cảnh quan” - ông Toàn phản ánh.
Ngoài ra, theo vị này, quy định doanh nghiệp phải có ít nhất 1 m2 đất ở mới được làm nhà ở xã hội quá khó, khiến doanh nghiệp vẫn cứ phải “đứng đường”.
Ông Toàn có mấy chục ha đất trồng cao su đã quy hoạch làm đất ở rồi nhưng chưa có mét vuông đất ở nào nên đành bỏ không, không làm nhà ở xã hội được.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera chia sẻ, doanh nghiệp này có nhiều dự án nhà dành cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Mặc dù các dự án này không thua kém chất lượng nhà ở thương mại, với diện tích 26 - 60m2, giá bán 250 - 600 triệu đồng/căn, giá cho thuê 1,2 – 2,4 triệu/tháng/căn hộ ở được 2 - 4 người, song doanh nghiệp hiện đang bị “ế” 3.000 căn nhà ở công nhân do quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua sản phẩm này.
Vì vậy, ông Ngọc Anh cho rằng, tại Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi) sắp tới, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu sửa đổi quy định để khắc phục những bất cập này.