Mục tiêu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Diện tích trồng lúa ở nước ta hiện nay khoảng 7,1 triệu héc-ta, riêng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 3,8 triệu héc-ta. Trước những thách thức lớn của ngành lúa gạo ÐBSCL trước tình trạng biến đổi khí hậu, Ðề án 'Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030' được coi là giải pháp phù hợp, khả thi, mở ra hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Nhận diện thách thức

Ðánh giá về “sức khỏe” ngành hàng lúa gạo vùng ÐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định: “Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo, đặc biệt là tại các vùng sản xuất trọng điểm như vùng ÐBSCL. Những điều kiện này không chỉ làm giảm sản lượng thu hoạch mà còn gây khó khăn cho việc bảo quản lúa gạo sau thu hoạch”.

Thực tế, thị trường xuất khẩu gạo đang ngày càng cạnh tranh gay gắt, với sự tham gia mạnh mẽ của các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Ðộ; điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giữ vững thị phần và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Với những công việc trước mắt và lâu dài, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương và cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia - cơ quan tham mưu về chiến lược, chính sách và xử lý các vấn đề liên quan đến ngành hàng lúa gạo.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu mua, chế biến và bảo quản lúa gạo; bao gồm việc nâng cấp hệ thống kho bãi, trang bị các thiết bị bảo quản hiện đại và mở rộng công suất của các nhà máy chế biến. Ðẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam, nhất là các thị trường mới như châu Phi, Trung Ðông, châu Âu, Halal.

Lợi nhuận cho nông dân là giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo vùng ÐBSCL. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ảnh: HUỲNH LÂM

Lợi nhuận cho nông dân là giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo vùng ÐBSCL. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ảnh: HUỲNH LÂM

Ðồng thời, ngành lúa gạo phải nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết sản xuất “4 nhà”, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo. Hoàn thiện chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo vệ lợi ích của người nông dân. Cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian xử lý các dự án liên quan đến chế biến và bảo quản lúa gạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất.

Thay đổi tư duy và hành động

Với Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại vùng ÐBSCL, ông Lê Minh Hoan cho biết: “Ðây là đề án mà Chính phủ hết sức kỳ vọng, hoàn toàn khả thi. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 2/3/2024, về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Sản lượng lúa năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Trong đó, sản lượng gạo xuất khẩu gần 8,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu gần 4,8 tỷ USD. Các doanh nghiệp chế biến gạo cũng đã tích cực mở rộng thị trường, ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu với các đối tác mới tại châu Phi, Trung Ðông và châu Âu”.

Nội lực và hướng đi của ngành lúa gạo cũng đã được tăng cường củng cố, định hình thông qua việc đầu tư vào hệ thống kho bãi bảo quản hiện đại và nâng cấp các nhà máy chế biến, giúp nâng cao khả năng bảo quản, chế biến gạo, đảm bảo chất lượng sản phẩm cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Việc quản lý thu mua và chế biến lúa gạo đã góp phần quan trọng vào việc ổn định giá cả trên thị trường trong nước. Các biện pháp điều tiết và hỗ trợ nông dân đã giúp hạn chế tình trạng ép giá, đảm bảo người trồng lúa có thu nhập ổn định. Sự ổn định về giá cả cũng giúp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dễ dàng hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nông dân Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu cho đồng ruộng. Ảnh: TRẦM NGHĨ

Nông dân Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu cho đồng ruộng. Ảnh: TRẦM NGHĨ

Bên cạnh đó, các chính sách quản lý, điều phối từ Trung ương đến địa phương đã chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Các chính sách hỗ trợ và các biện pháp khuyến khích sản xuất đã giúp người trồng lúa duy trì năng suất cao, có đầu ra ổn định. Ðồng thời, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu được hưởng lợi từ sự hỗ trợ về hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Ðặc biệt, nhằm phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường tiêu thụ, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QÐ-TTg, ngày 27/11/2023, phê duyệt Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” nhằm thúc đẩy xây dựng các vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn, có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; sản xuất lúa bền vững, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ÐBSCL”, ông Hoan thông tin thêm./.

Phạm Hải Nguyên tổng hợp

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/muc-tieu-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-a34187.html