Mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc: Tìm giải pháp bù khối lượng chậm tiến độ
Các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu phải có giải pháp để bù lại khối lượng đã chậm, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Công trường thi công nút giao hai trục cao tốc chính của Đồng bằng sông Cửu Long là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025, Thủ trướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương phối hợp xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và nâng công suất mỏ vật liệu. Các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cập nhật lại tiến độ thi công, xác định rõ đường “găng”, đặc biệt tại nhóm các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.
Cụ thể, các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu phải có giải pháp để bù lại khối lượng đã chậm, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là với các dự án khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cần hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa. Đồng thời, tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công 3 ca 4 kíp đảm bảo hoàn thành các dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra gồm 10 dự án với 291km có kế hoạch hoàn thành năm 2025; trong đó, Bộ Xây dựng chủ quản 1 dự án có chiều dài 18 km; các địa phương chủ quản 9 dự án với chiều dài 273 km. Ngoài ra, có 2 dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Các tỉnh có khối lượng giải phóng mặt bằng còn nhiều như Đồng Nai (Biên Hòa - Vũng Tàu), Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang), Bình Dương (Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Quảng Trị (Vạn Ninh - Cam Lộ) tập trung chỉ đạo hoàn thành trước ngày 15/4/2025 và không được lùi tiến độ.
Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bình Dương, Long An phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thành di dời đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan) và tỉnh Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đá, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/4/2025.
Tỉnh Long An (Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh) đẩy nhanh tiến độ triển khai nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành để bảo đảm khai thác đồng bộ 20km dự án Bến Lức - Long Thành vào dịp 30/4/2025 (dự kiến ngày 19/4/2025).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ tại dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), Đồng Tháp (dự án Cao Lãnh - An Hữu) chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bổ sung nguồn vốn cho dự án để hoàn thành trong năm 2025.
Tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị - Chi Lăng) và Cao Bằng (Đồng Đăng - Trà Lĩnh) chỉ đạo các nhà đầu tư, quyết liệt triển khai để bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (An Hữu - Cao Lãnh), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang) rà soát lại tiến độ, chủ động về nguồn vật liệu, có các giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ hoàn thành dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Các địa phương phối hợp với chủ đầu tư xác nhận thực trạng hư hỏng của nhà dân do ảnh hưởng của thi công để chi trả bồi thường đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, tuân thủ quy định, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự khu vực. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng chống đối gây mất trật tự an ninh.
Bên cạnh đó, xác địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành, chia sẻ, ủng hộ, tạo điều kiện cho các đơn vị tranh thủ thời tiết tốt, thi công “3 ca, 4 kíp”; xuyên ngày nghỉ, ngày tết; tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió” để hoàn thành đúng tiến độ; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công cần có giải pháp thi công hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân trong quá trình thi công tăng ca vào ban đêm.