Mục tiêu của phát triển kinh tế tập thể là phát triển kinh tế hộ gia đình, cá thể

Tham gia ý kiến vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) cho rằng, có một thực tế là người dân nông thôn hiện nay chưa thật mặn mà tham gia hợp tác xã, tham gia kinh tế tập thể. Câu chuyện này liên quan đến vấn đề cụ thể, đó là bảo toàn quyền sử dụng ruộng đất của người nông dân trong trường hợp liên kết, hợp tác với nhau để làm kinh tế chung…

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, chiều ngày 1.11

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, chiều ngày 1.11

“Chúng ta ai cũng biết, đất đai vẫn là tư duy đậm đặc về hồi môn, của để dành từ đời nọ sang đời kia ở khu vực nông thôn”, đại biểu đặt vấn đề. “Còn nhiều nơi, nhiều chỗ người nông dân sợ rằng họ sẽ… mất đất khi mang góp cho kinh tế tập thể!”

Đại biểu Phạm Đức Ấn chia sẻ, kể cả khi quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề dịch chuyển lao động, thanh niên từ nông thôn ra đô thị hoặc các khu công nghiệp ngày càng nhiều; và nông thôn sẽ chỉ còn người già, trẻ con thì nhu cầu sở hữu ruộng đất vẫn còn. Vì con cái họ được sinh ra vẫn là lực lượng để tham gia vào quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp trong tương lai, đại biểu phân tích.

Do vậy, vấn đề nêu ra trong chủ trương tích tụ và tập trung đất để thực hiện sản xuất lớn, với người dân vấn đề còn đất vẫn là quan trọng nhất. Chúng ta đi theo hướng tích tụ nhưng chuyển quyền sử dụng đất để tạo ra diện tích đất lớn, đại biểu cho rằng là động tác trên chỉ phục vụ được một việc duy nhất đó là dễ dàng sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, với người nông dân và gắn với phát triển hợp tác xã như kỳ vọng của chính sách, thì phải tìm cho ra mô hình tập trung được người nông dân cùng tham gia. Như vậy nền kinh tế vẫn hình thành được các loại hình hợp tác xã, gồm các xã viên là những người nông dân tham gia góp ruộng đất để trở thành cánh đồng lớn để sản xuất.

Bài toán ở đây là làm thế nào chúng ta vẫn phát triển được những cánh đồng mẫu lớn bằng cách tập trung ruộng đất, nhưng người nông dân vẫn được bảo đảm quyền sở hữu khi bắt tay cùng nhau sản xuất sẽ là mấu chốt để cơ chế hợp tác vẫn duy trì được trong nền kinh tế quốc dân.

Dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2013-2021, đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác (chỉ gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác, không bao gồm cá nhân, gia đình, tổ hợp tác) vào GDP của cả nước trung bình 3,84%/năm, đại biểu Phạm Đức Ấn khẳng định, khu vực kinh tế tập thể không chỉ góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho từng thành viên. Và mục tiêu sâu xa của phát triển kinh tế tập thể chính là phát triển kinh tế hộ gia đình, cá thể.

Lê Tùng (ghi)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/muc-tieu-cua-phat-trien-kinh-te-tap-the-la-phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-ca-the-i305518/