Mục tiêu GDP 2025 tăng 8%, phụ thuộc nhiều biến số
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%. Tuy nhiên, tại Công điện ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn với tiêu 8%.
ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Đại học Kinh tế TPHCM xung quanh mục tiêu tăng trưởng này.
PHÓNG VIÊN: - PGS bình luận gì về mục tiêu Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%?
PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN: - Theo tôi, mục tiêu này sẽ là một thách thức, vì kinh tế thế giới hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang thận trọng với chính sách tiền tệ. Trong khi cả thế giới đang kỳ vọng Fed sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh với nhiều lần giảm lãi suất trong năm 2025, nhưng Fed tuyên bố sẽ chỉ có 2 lần giảm lãi suất, cho thấy Fed vẫn đang duy trì mức lãi suất cao.
Với chính sách tiền tệ thận trọng như vậy, sẽ khó kỳ vọng kinh tế thế giới hồi phục mạnh, vì dòng tiền vẫn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ để đầu tư vào trái phiếu, đồng USD tiếp tục mạnh lên, sẽ gây ra ít nhiều trở ngại đối với phần còn lại của thế giới. Và Việt Nam cũng sẽ nằm trong số đó.
Một vấn đề lớn nữa là ông Donald Trump khi đắc cử Tổng thống Mỹ, tuyên bố sẽ áp thuế lên các nước xuất khẩu vào Mỹ, đương nhiên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, ảnh hưởng tốt hay xấu vẫn còn phải chờ xem mức áp thuế đối với Việt Nam ít hơn hay nhiều hơn so với các quốc gia khác.
Giả sử ông Donald Trump áp thuế đối với Trung Quốc, Mexico và Canada ở mức cao 30%, nhưng chỉ áp thuế 10% đối với Việt Nam, đó lại là lợi thế của Việt Nam. Bởi khi đó, dòng vốn từ Trung Quốc sẽ chảy qua Việt Nam nhiều hơn, thay vì chảy qua Mexico để đi đường vòng, và điều này sẽ tạo ra động lực để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu mọi việc không như kỳ vọng, cụ thể ông Trump áp thuế cao hơn đối với Việt Nam hay căng thẳng địa chính trị cao hơn và nhiều yếu tố khác không thuận lợi, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, do vậy bất kỳ một sự biến động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam.
Đối với tiêu dùng nội địa, sức cầu trong nước tương đối yếu. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực thi chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ, cũng như tinh giản bộ máy. Điều đó sẽ khiến mọi người có tâm lý phòng thủ và tiết kiệm nhiều hơn để tránh những rủi ro về mất việc trong tương lai. Tâm lý đó sẽ ảnh hưởng phần nào đến tiêu dùng. Vì vậy, tiêu dùng nội địa khó trở thành một trụ cột mạnh mẽ thay thế xuất khẩu hay đầu tư công trong ngắn hạn, mà cần thời gian.
Khi xuất khẩu phát triển mạnh, đầu tư công đẩy mạnh, kinh tế trong nước phục hồi, và người dân thoải mái hơn trong vấn đề tâm lý, lúc đó mới đẩy mạnh được tiêu dùng nội địa. Nhưng với một nền kinh tế phụ thuộc vào khối ngoại nhiều như Việt Nam, tiêu dùng nội địa chỉ đóng một vai trò nhất định dù cũng là một trụ cột.
Do có nhiều biến số như vậy, nên chúng ta vẫn phải chờ xem tác động của kinh tế thế giới đến Việt Nam như thế nào, nếu như tất cả mọi việc đều tốt đẹp, mức tăng trưởng 7%, thậm chí 8% đều có thể đạt được.
- Gần đây, vấn đề đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đang là câu chuyện thời sự. Theo ông làm thế nào để thúc đẩy được các động lực mới này?
- Bàn về câu chuyện động lực tăng trưởng kinh tế mới, cần phải nói về bài toán 5 năm hay 10 năm nữa sẽ như thế nào? Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang chuyển đổi cơ cấu từ công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp công nghệ cao. Đó sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Nhưng theo tôi, Việt Nam sẽ mất từ 5-10 năm nữa mới làm được điều này. Chẳng hạn muốn dịch chuyển từ công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da sang công nghiệp công nghệ cao như AI hoặc chip bán dẫn, phải mất khoảng 5 năm.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, tuy vẫn đang diễn ra nhưng đã có đà chững lại, thậm chí giảm. Bởi xu hướng người lao động ở các tỉnh dịch chuyển đến TPHCM bắt đầu giảm, họ chọn sống tại địa phương, hoặc họ chuyển sang nhập cư vào những khu vực như Đồng Nai, Bình Dương với chi phí hợp lý hơn.
Những điều đó sẽ làm giảm tốc độ đô thị hóa của TPHCM, và giảm xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, cần phải có những giải pháp để tháo gỡ vấn đề đó, tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn chuyển từ công nghiệp sang công nghiệp công nghệ cao, bắt buộc phải xây dựng đội ngũ đào tạo, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nên cần phải có giai đoạn quá độ khoảng 5 năm. Trong quá trình đó, cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng công việc để sử dụng ngay nguồn nhân lực đã được đào tạo này.
Còn nếu chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa tại những thành phố lớn như TPHCM, cần phải quy hoạch lại để tạo thêm không gian cho người nhập cư, mới có thể đón nhận từ 5-10 triệu lao động nữa trong 10 năm tới để tạo ra được động lực.
Theo tính toán, phát triển nông nghiệp chỉ đóng góp vài phần trăm GDP, nhưng phát triển công nghiệp đóng góp đến vài chục phần trăm, và năng suất lao động của lĩnh vực công nghiệp gấp 10 lần so với nông nghiệp. Hiện nay, 60% lực lượng lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ cần chuyển phân nửa số lao động này sang lĩnh vực công nghiệp, sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm nhiều lần.
Bên cạnh đó, muốn phát triển công nghiệp phải có đất đai, có không gian để làm công nghiệp. Các khu công nghiệp hiện tại đã quá tải, những khu công nghiệp mới không có, đặc biệt là ở TPHCM. Vì vậy, cần phải quy hoạch những khu công nghiệp công nghệ cao mới, và quy hoạch thêm diện tích đất phục vụ cho công nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng và kết nối hạ tầng.
Thí dụ như về cảng biển, TPHCM quy hoạch Cần Giờ thành thành phố cảng, Bình Chánh là thành phố công nghiệp công nghệ cao và 2 khu vực đó kết nối với nhau, sẽ tạo ra một sức bật mới cho thành phố, cũng như cho cả nước. Còn về dịch vụ, tập trung đẩy mạnh ở khu vực trung tâm và TP Thủ Đức, đẩy nhanh việc lập trung tâm tài chính quốc tế.
- Xin cảm ơn ông.
Cả thế giới đang kỳ vọng Fed sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng Fed tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất cao. Với chính sách tiền tệ thận trọng như vậy, sẽ khó kỳ vọng kinh tế thế giới hồi phục mạnh, vì dòng tiền vẫn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ để đầu tư vào trái phiếu, đồng USD tiếp tục mạnh lên.