Mục tiêu giảm lãi suất đối mặt thách thức mới
Việc tỷ giá tăng sau 'đòn' thuế từ Mỹ khiến mục tiêu giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Lãi suất bình quân giảm 0,4% trong quý I
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu tháng 4 đến nay đã có thêm 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động, là: OCB, MB và VPBank. Như vậy, từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN (cuối tháng 2/2025), đến thời điểm này đã có khoảng 28 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, có ngân hàng đã giảm rất nhiều lần, như Eximbank (7 lần), Kienlongbank (4 lần)... Mức giảm cao nhất lên tới hơn 1%/năm.
Dù các ngân hàng có nhiều đợt giảm lãi suất huy động nhưng trên thực tế, việc tín dụng tăng nhanh thời gian gần đây khiến nhu cầu huy động vốn vẫn tăng cao, các ngân hàng vẫn phải duy trì mức lãi suất ổn định để thu hút tiền gửi. Theo đó, tính đến cuối quý I, theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, tăng nhẹ 0,08%.
Tuy vậy, các ngân hàng vẫn nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay với lãi suất cho vay bình quân giảm 0,4% so với cuối năm 2024.

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm nay
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Theo đó, hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Con số này cũng cho thấy tín dụng tăng mạnh vào những ngày cuối quý, bởi trong tháng 1 và tháng 2, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp; thậm chí đến ngày 25/3, theo số liệu của NHNN tín dụng toàn hệ thống cũng mới chỉ tăng 2,5%.
Dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp
Mặc dù NHNN vẫn quyết tâm giảm lãi suất, song với những diễn biến phức tạp gần đây sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam, mục tiêu này đang đối mặt những khó khăn mới.
Hiện nay, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế cao, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, tác động tiêu cực đến xuất khẩu sang thị trường này (xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm đến 20- 30% hoặc hơn).
Theo các chuyên gia, nếu xuất khẩu của Việt Nam giảm đột ngột, cung ngoại tệ sẽ giảm, theo đó gây áp lực lên tỷ giá. Không chỉ vậy, dòng vốn FDI có nguy cơ bị chững lại, thậm chí rút đi cũng khiến ngoại tệ này chịu áp lực giảm.
TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực tỷ giá và lạm phát đang tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vì lãi suất thấp có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát.
Về phía nhà điều hành, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định sẽ cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất. Theo đánh giá của Thống đốc, diễn biến tỷ giá là phức tạp, khó lường, thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%; nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ.
“NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc NHNN cho biết.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, dư địa chính sách tiền tệ hiện nay là rất hạn chế, thậm chí là không còn.
Do đó, thay vì tiếp tục giảm lãi suất, Việt Nam cần ưu tiên ổn định vĩ mô, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời tận dụng các công cụ tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/muc-tieu-giam-lai-suat-doi-mat-thach-thuc-moi-post608278.antd