Mục tiêu kép
Cách đây 4 - 5 tháng, dịch lây lan trong cộng đồng lần thứ nhất, cả nước gần như co cụm lại để đối phó. Những phản xạ thời chiến của người Việt những tưởng 'ngủ quên' hơn 40 năm nay thì giờ được đánh thức trước một kẻ thù chung nhưng giấu mặt, đó là dịch Covid-19. 'Phải sống đã rồi mới tính đến chuyện làm việc'.
Đó là một cách nghĩ và cũng là cách hành xử trong lúc có dịch. Và rồi chúng ta đã thành công và “chiến thắng” lần ấy. Nhưng cái “thua” thì không phải ai cũng nhận ra. Đó là sản xuất gần như ngưng trệ. Hàng vạn người mất việc làm, đẩy đất nước vào tình thế hết sức khó khăn mà các vấn đề xã hội đòi hỏi phải dùng ngân sách để giải quyết thì không thể “tạm dừng” được.
Trong lúc cứ tưởng cả nước có thể vỡ òa sung sướng khi gần 100 ngày, bóng ma dịch Covid-19 không còn xuất hiện trong cộng đồng nữa thì nó quay trở lại với một diện mạo hoàn toàn khác trước. Lần này dịch dữ dằn hơn cả về số người mắc, số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lẫn số người tử vong do dịch.
Không thể co cụm như lần trước vì làm như thế là tự đẩy mình vào thế chân tường, Chính phủ đã đề ra những giải pháp để vừa có thể “sống chung với dịch”, vừa không thể để kinh tế đình trệ. Trong cuộc họp giao ban mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi cách ứng phó với dịch lần này là chúng ta phải thực hiện “mục tiêu kép” là vậy.
Đó là vừa dập dịch một cách quyết liệt và hiệu quả nhất để sớm trả lại cuộc sống “bình thường mới” cho toàn bộ người dân nhưng cũng vừa phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Mục tiêu kép này không phải mới mẻ gì vì các nước vẫn làm. Chúng ta cũng đã làm, bằng chứng rõ nhất là Kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây.
Dù còn nhiều lo ngại về an nguy cho hàng chục vạn học sinh và phụ huynh cũng như hàng nghìn thầy giáo và cán bộ ngành Giáo dục phục vụ kỳ thi nhưng chúng ta đã có thể thở phào vì “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa tổ chức tốt kỳ thi, coi như đã hoàn thành.
Chỗ nào có dịch cần phải giãn cách thì làm quyết liệt nhưng chỗ nào chưa đến mức phải giãn cách thì mọi sinh hoạt vẫn phải diễn ra. Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi người dân đều tự ý thức - cái này quan trọng hàng đầu, về việc phòng chống dịch của mình. Nhiều người ở TPHCM dù đã xét nghiệm âm tính sau khi chữa trị, vẫn lưu lại các cơ sở y tế tập trung thêm 14 ngày nữa theo khuyến cáo của ngành y tế chứ không về nhà. Vì vậy, một vài ca dương tính trở lại hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cộng đồng.
Tự ý thức trong phòng chống dịch cũng là phương thức thực hiện “mục tiêu kép” đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều nhà máy với hàng vạn công nhân nhưng công việc sản xuất vẫn cứ vận hành một cách êm xuôi vì công tác phòng dịch của mỗi công nhân là rất cao, từ việc mang khẩu trang cho đến rửa tay thường xuyên và “giãn cách” với chính đồng nghiệp của mình ngay khi đang làm việc.
Không thể đợi hết dịch thì mới “làm việc trở lại” vì dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng trên phạm vi toàn thế giới. Vắc-xin đã có nhưng đợi đến “phiên mình” thì còn xa với. Vì vậy, tự ý thức phòng dịch của mỗi người, mỗi đơn vị thôn ấp, mỗi phân xưởng, mỗi nhà máy, mỗi cơ quan… vẫn là loại vắc-xin hiệu quả nhất trong lúc này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/muc-tieu-kep-aYHgn8SMR.html