Mục tiêu khí hậu đang chệch hướng, trái đất có thể nóng thêm 2,7 độ C
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng, các cam kết về khí hậu toàn cầu đang đi chệch hướng, khiến lượng khí thải nhà kính có thể tăng thêm 16% và trái đất sẽ nóng thêm 2,7 độ C vào năm 2030.
Thông báo trên được đưa ra chưa đầy một tuần trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 do Vương Quốc Anh tổ chức ở Glasgow. Nó cho thấy các quốc gia giàu đã không cung cấp đủ 100 tỷ USD tài chính khí hậu cho đến năm 2020 như đã hứa tại hiệp định ở Paris. Và giờ thời hạn này đã được lùi lại đến năm 2023.
Lượng phát thải khí nhà kính sẽ tăng thêm 16% vào năm 2030 nếu các quốc gia không có những thay đổi nhanh chóng - Ảnh: Getty
Những diễn biến xấu gần đây cho thấy Vương Quốc Anh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể tạo nên thành công cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng nhất kể từ sau cuộc gặp tại Paris hồi năm 2015.
Hôm thứ Hai (25/10), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hạ thấp kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá nào ở Glasgow. Ông nói với một nhóm nghiên cứu ở Phố Downing rằng mình không chắc chắn liệu COP26 có thành công hay không.
Thái độ đó trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của ông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước rằng “thật dễ dàng để trở nên xanh”. Johnson còn nói về các nhà lãnh đạo khác trên thế giới như sau: “Tôi kêu gọi mỗi người trong số họ đồng ý làm điều gì đó để giúp hành tinh chúng ta… một điều gì đó mà sẽ gây khó khăn cho họ”.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc vào hôm thứ Hai (25/10), các kế hoạch khí hậu mà 192 bên tham gia đã đệ trình trong hiệp định tại Paris vẫn sẽ dẫn đến sự gia tăng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 16% vào năm 2030, so với mức năm 2010.
“Trừ khi có những thay đổi nhanh chóng”, sự gia tăng như vậy có thể dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Patricia Espinosa, thư ký điều hành phụ trách biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết: “Chúng ta đang ở gần nơi mà khoa học nói rằng chúng ta nên đến. Các bên phải khẩn trương nhân đôi nỗ lực về khí hậu nếu muốn ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu vượt quá mục tiêu của thỏa thuận Paris là dưới 2 độ C, lý tưởng là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này”.
Alok Sharma, cựu bộ trưởng chính phủ Vương Quốc Anh và đang giữ vị trí chủ tịch COP26, đã thúc giục các nước nâng cao các cam kết cắt giảm khí thải trước hội nghị thượng đỉnh - điều mà vào tháng 7 vừa rồi, các quốc gia G20 đã hứa sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, một số quốc gia, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn chưa làm như vậy. Trong khi một số quốc gia khác, gồm có Brazil, đã đệ trình các cam kết thấp hơn nhiều so với cam kết ban đầu của họ.
Vào năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài chính cho khí hậu đến năm 2020, song mục tiêu đó được cho rằng đã thất bại. Báo cáo của Liên Hợp Quốc không cung cấp con số cụ thể cho năm 2020, nhưng chủ tịch COP26 cho biết mục tiêu này vẫn chưa đạt được vào vào năm ngoái.
Khoản đóng góp 100 tỷ USD là một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn đến hiệp định khí hậu tại Paris cách đây 6 năm.
Jochen Flasbarth, Bộ trưởng Môi trường của Đức cho biết: “Thật tệ khi các nước phát triển không thực hiện kịp thời cam kết của mình. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa trong những năm tới”.
Việc kết nạp thêm thành viên mới cũng là nhiệm vụ khó khăn tại hội nghị ở Glasgow tới đây, vì các nước đang phát triển cho biết họ cần thêm hỗ trợ tài chính từ các nước giàu mới có thể thực hiện các mục tiêu về khí hậu của mình.