Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 53 - 54 tỷ USD, các ngành còn cách đích bao xa?
9 tháng đầu năm 2023, nông nghiệp vẫn thể hiện rõ vai trò là 'bệ đỡ' nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 3,66%. Với kết quả đạt được và những diễn biến từ thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: 'Năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ về đích ngoạn mục'.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu xuất khẩu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm nông sản với 19,54 tỷ USD; tiếp sau là lâm sản với 10,44 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản 6,64 tỷ USD; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD.
"Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD"
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Xuất khẩu nông sản với mục tiêu 25 tỷ USD
Xuất khẩu nhóm nông sản 9 tháng ghi nhận đóng góp cao bởi giá trị xuất khẩu hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái,...
Trong nửa cuối tháng 9, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung tại khu vực châu Á tiếp tục có những điều chỉnh mạnh theo hướng giảm lùi về mốc dưới 600 USD/tấn, riêng gạo của Việt Nam vẫn giữ mức ổn định 613-617 USD/tấn đối với gạo loại 5% tấm. Với mức này gạo của Việt Nam tiếp tục cao hơn Thái Lan 23 USD (590 USD/tấn) và cao hơn Pakistan 15 USD/tấn (598 USD/tấn).
Sở dĩ giá gạo của Việt Nam bỏ xa các đối thủ, nhiều ý kiến cho biết do Việt Nam chưa đến thời điểm thu hoạch rộ lúa Thu Đông. Bên cạnh đó, lượng gạo hàng hóa và khả năng xuất khẩu từ nay đến cuối năm không nhiều, chỉ khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó các nước như Thái Lan, Myanmar, Pakistan và đặc biệt là Ấn Độ đang chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ vụ lúa chính trong năm. Chính vì vậy, ở những nước này sản lượng dồi dào, giá giảm nhẹ.
Liên quan đến sản lượng lúa gạo, theo Tổng cục Thống kê dự báo, cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43-43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Với đà tăng trưởng này, dự báo nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam cả năm 2023 sẽ cán mốc kỷ lục 4 tỷ USD.
Với rau quả, thời gian qua mặt hàng này liên tục “bùng nổ” khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua từng tháng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tiếp tục được thị trường Trung Quốc đón nhận như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài…
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Năm 2023, mặt hàng nông sản chính đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 25 tỷ USD. Như vậy, nhóm hàng này còn cách mục tiêu 5,5 tỷ USD.
Tại họp báo thường kỳ tháng 9 sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: "Nguồn cung các mặt hàng nông sản đang dồi dào, vấn đề an ninh lương thực có thể yên tâm. Những tháng cuối năm chỉ lo và cần tập trung vào vấn đề thị trường tiêu thụ".
Xuất khẩu thủy sản hoàn thành 66% kế hoạch năm
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và tăng nhẹ 16 triệu USD so với tháng trước. Lũy kế tới hết quý III, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.
Cụ thể trong tháng 9, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep phân tích, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD; trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,15 tỷ USD, giảm 15%, trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về thị trường thủy sản những tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Vasep, Chủ tịch CTCP Sao Ta cho rằng, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ khó bứt phá dù mức độ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng. Kết quả xuất khẩu tôm năm 2023 ước tính chỉ đạt khoảng 85-90% so với năm 2022. Dự báo này dựa trên tính chu kỳ, thời điểm này hàng năm đã là cao điểm giao hàng, trong khi đó năm nay lượng đơn hàng có tăng nhưng không nhiều và giá bán chưa cải thiện.
Theo Lực, một điểm đáng chú ý là trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam – Mỹ đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Mỹ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn. Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp thủy sản trong việc thích nghi với mọi hoàn cảnh, hy vọng tình hình sẽ xoay chuyển theo hướng tích cực.
Vasep dự báo, nếu không có biến động bất ngờ từ thị trường và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD, rất khó để hoàn thành mục tiêu trên 10 tỷ USD Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm.
Xuất khẩu lâm sản 9 tháng hoàn thành 61% kế hoạch năm
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước (1,29 tỷ USD). Lũy kế 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21%.
Như vậy, xuất khẩu lâm sản 9 tháng mới chỉ đạt khoảng 57%, cách khá xa mục tiêu 17 tỷ USD của năm 2023.
Xét về thị trường, dù Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...., còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường xuất khẩu quý IV năm nay đang khởi sắc. Do đó, "mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD chắc chắn sẽ hoàn thành". Tuy nhiên, vẫn cần phải căn cứ vào đối tượng thị trường.
Nhận định về những mặt hàng có nhiều bứt phá trong tháng 9, trao đổi với phóng viên DNVN bên lề họp báo, Thứ trưởng Tiến cho biết: "Có thể khẳng định nông nghiệp vẫn là "bệ đỡ" nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng 3,66% trong 9 tháng 2023. Trong đó các mặt hàng nổi trội là lúa gạo xuất khẩu 33,6 triệu tấn, tăng 1,4%, mức tăng không nhiều nhưng sản lượng rất lớn nên trị tuyệt đối cao. Thứ 2 là với tín hiệu thị trường như này thì Bộ chỉ đạo vụ Mùa ở miền Bắc và vụ Thu Đông ở miền Nam, cũng như vụ Đông Xuân sang năm tập trung vào giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói một cách hoàn chỉnh.
Ngoài ra, chăn nuôi vẫn tăng trưởng ở mức cao trên 5%, thịt lợn 3,63 triệu tấn, tăng 6,8%; Rau quả 9,42 tỷ quả, tăng 5,2%; Thủy sản 6,8 triệu tấn, tăng trưởng ở mức khá. 3 lĩnh vực này để khẳng định chúng ta vẫn duy trì đà tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Chúng tôi tin tưởng rằng với đà tăng trưởng như này thì đến cuối năm, mục tiêu 3-3,5% có thể thực hiện được".
Chia sẻ về sự thiếu hụt xuất khẩu 2 mặt hàng lâm sản và thủy sản, Thứ trưởng cho rằng, phải căn cứ vào đối tượng và thị trường. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ rõ, gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản và thủy sản hiện giải ngân được 5.500 tỷ đồng, do đó kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm hàng này đã nhích nhanh. Ngoài ra, gạo, rau quả, cà phê, hạt điều kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh sẽ bù đắp cho những mặt hàng sụt giảm.
Hiện Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Philippines là khách hàng lớn. Từ cơ cấu này, sẽ có chiến lược thúc đẩy nông sản phù hợp với từng thị trường trong những tháng cuối năm. Trong đó, rau quả sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc; gỗ và cá tra tập trung vào thị trường Mỹ.