Mũi Né trong cơn đại dịch Covid-19 !

Mũi Né, một địa danh đã quá quen thuộc, nó trở thành thương hiệu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng Mũi Né đang đứng trước khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.

Từ lợi thế thiên nhiên ban tặng

Với lợi thế chiều dài 192 km bờ biển, Bình Thuận có rất nhiều bãi biển đẹp đến nao lòng. Không chỉ có Mũi Né, một thương hiệu nổi tiếng hiện nay, mà du lịch Bình Thuận còn có những bãi biển xanh, cát trắng như Hòa Thắng, Kê Gà, đảo Phú Quý…tất cả tạo nên một bức tranh du lịch biển tuyệt vời, không phải tỉnh nào cũng có được lợi thế này.

Mũi Né đã được quy hoạch thành Khu du lịch quốc gia với diện tích hơn 14.700 ha; trải dài từ P.Phú Hài, TP.Phan Thiết đến tận TT. Phan Rí Cửa, H.Tuy Phong.

Mũi Né không chỉ là điểm đến thu hút bởi văn hóa làng chài 300 năm, mà nó còn là nơi giao thoa của hai nền văn hóa làng biển và văn hóa Chăm-pa. Vì vậy, khách du lịch khi đến Mũi Né không chỉ được thưởng thức hải sản tươi sống, nước mắm ngon nổi tiếng, mà còn biết đến Tháp Pô Sah Inư nghìn năm trên đồi lầu Ông Hoàng ở Phố Hài; hay chứng kiến lễ hội Katê của người Chăm dưới chân tháp cổ này.

Kể từ khi sự kiện Nhật thực toàn phần (24.10.1995) mà Mũi Né là nơi quan sát thấy rõ nhất, du khách cho rằng nơi này như một “thiên đường nghỉ dưỡng” chưa được phát hiện. Từ đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven biển. Sau hơn 25 năm phát triển, Mũi Né có hàng trăm khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp với hàng chục nghìn phòng nghỉ. Mỗi năm, bình quân ngành du lịch Bình Thuận đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế (2019), trong đó lượng khách của Mũi Né vẫn là đông nhất.

Hiện nay, các dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây đang được thi công, cùng với sân bay Phan Thiết đã được triển khai xây dựng. Khi các dự án này hoàn chỉnh và đi vào khai thác, nhất định sẽ tạo động lực và vị thế mới cho Mũi Né cất cánh. Lúc ấy, Mũi Né sẽ tạo ra “sự khác biệt” và thu hút du khách.

Với lượt khách không chỉ hơn 6,4 triệu lượt vào năm 2019, mà sẽ có 9 triệu lượt khách, trong đó có tới 1,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, như mục tiêu mà ngành du lịch Bình Thuận đặt ra.

…nhưng thách thức, yếu kém vẫn còn đó !

Thế nhưng hiện nay, Mũi Né nói riêng hay du lịch Bình Thuận nói chung đang vướng phải nhiều cản trở, yếu kém. Nó trở thành thách thức cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch cũng như cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm cách vượt qua.

Cách đây 12 năm, tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, một nhà khoa học về dự báo khí hậu, môi trường của Mỹ khi tham quan đã cảnh báo một điều hết sức thực tế với Mũi Né. Đó là tình trạng “bê tông hóa” trong những rặng dừa ở Mũi Né đang có xu thế lấn át không gian khi các nhà đầu tư triển khai ồ ạt các khu nghỉ dưỡng ven biển. Theo TS Trần Tiễn Khanh, “bê tông hóa” là điều tối kỵ, phải được kiểm soát đối với những vùng du lịch nghỉ dưỡng mang đậm tính thiên nhiên hoang sơ như Mũi Né.

Và 12 năm sau, lời cảnh báo của nhà khoa học này vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, tỉ lệ xây dựng trong các resort của Mũi Né chiếm diện tích rất lớn. Những vườn dừa cổmất đi dần, thay vào đó là các khách sạn cao tầng chen chúc nhau bên bờ biển. Điều này đang dần làm Mũi Né thêm ngột ngạt.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TNMT) thì cho rằng, hiện nay rất ít không gian để có thể điều chỉnh quy hoạch khu du lịch Mũi Né “do tính lịch sử”để lại.

Mũi Né có hàng trăm resort ven biển, nhưng thiếu những khu nghỉ dưỡng tầm cỡ, quy mô. Nhiều resort chỉ vài chục phòng nghỉ mà không có những sản phẩm du lịch chất lượng phục vụ du khách. Quy hoạch manh mún là điều dễ thấy nhất ở Mũi Né hiện nay. Để điều chỉnh lại quy hoạch Mũi Né hiện nay là bài toán khó.

Vẫn theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, các bãi cát ven biển ở Hàm Tiến và Mũi Né đang bị tình trạng xâm thực làm mất dần bãi tắm của khách. Các chủ đầu tư đang “mạnh ai nấy làm” các kè mềm bằng đê chắn cát. Nó không chỉ làm mất mỹ quan bãi biển vốn nổi tiếng đẹp này, mà còn gây xói lở các khu vực lân cận. Điều này cho thấy việc quản lý quy hoạch xây dựng kè ở Mũi Né thiếu thống nhất.

Trong khi tái đầu tư cho hạ tầng giao thông, môi trường chưa tương xứng. Sức ép quá tải về môi trường đối với Mũi Né hiện nay đang là thách thức lớn nhất. Cả khu du lịch rộng lớn vẫn chưa có bãi thu gom xử lý rác theo tiêu chuẩn. Vào mùa nam, gió biển mang theo hàng tấn rác vào bãi cát. Rác vẫn là nỗi khiếp sợ của cả doanh nghiệp và du khách. Nhiều cảnh quan trong khu vực bị khai thác quá mức, mối xung đột giữa du lịch và làng nghề chài lưới với các ngành nghề khác vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19

Cái này thì không riêng gì Mũi Né, mà nó là thách thức, khó khăn của toàn ngành du lịch hiện nay, hay nói đúng hơn nữa là đè nặng lên nền kinh tế địa phương.

Kể từ tháng 3/2020 đến nay (tháng 5.2021), Mũi Né hầu như rất hiếm khách quốc tế, chỉ ít ỏi khách nội địa. Có thời điểm, khi mà đại dịch Covid-19 tạm được kiểm soát thì khách nội địa đến Mũi Né đông hơn vào hai ngày cuối tuần. Dù đang có dấu hiệu “ấm dần” thị trường khách nội địa, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch ở Mũi Né nói riêng và Bình Thuận nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là đứng bên bờ phá sản. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa mới lắng xuống, lại bùng lên đợt dịch khác và không biết bao giờ mới dừng lại.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa lo ngại, cho rằng UBND tỉnh cần có nhiều giải pháp hơn nữa giúp doanh nghiệp trụ vững lúc này. Đó là hỗ trợ về tiền thuê đất, vốn vay, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch đang mất việc làm, mất thu nhập rất đông.

Để tháo gỡ những khó khăn cho du lịch hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ, vực dậy kinh tế du lịch.

Mới đây, khi trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Huy- Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, cho rằng ngành du lịch đã sẵn sàng với một “kịch bản” mới. Đó là chương trình kích cầu “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm mới bằng chương trình “Oh Wow Mũi Né”.

Hy vọng, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch Mũi Né sẽ được phục hồi từng bước, góp phần là một trong “3 trụ cột” thúc đẩy kinh tế Bình Thuận phát triển trong những năm tiếp theo.

QUỐC HANH

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/mui-ne-trong-con-dai-dich-covid-19-137649.html