Mùi Tết
Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?
Là mùi của nén nhang kính cẩn thắp lên bàn thờ tổ tiên ngày 30 Tết hay là mùi của thúng bánh thuẫn mới đổ? Mùi của nồi nước thơm mẹ nấu từ bó ngò già, ít lá sả, lá chanh sau vườn hay là mùi của những đồng tiền mới đang ở kỹ trong hồng bao?
Tết, cái từ gọi lên nghe mà náo nức và rạo rực, nó gợi nhớ về sự no đủ hơn ngày thường, đó là điều chắc chắn nhất với những đứa trẻ ngày xưa. Đám trẻ con chẳng cần biết cả năm nhà thiếu thốn, bưng rổ rá đi vay từng bò gạo, đi bòn từng mớ rau, con cá ra sao nhưng với Tết, nhất định nhà cũng sẽ có đầy đủ bánh mứt tràng pháo như mọi nhà.
Tết thành hình trong những câu cửa miệng của đám trẻ nhỏ, lúc nào cũng rộn ràng reo: “Sắp đến Tết rồi”, “Sắp được nghỉ Tết rồi”. Cái náo nức đó thổi bay sự lo toan đang trĩu trên mặt bố mẹ để nhìn lại đám con đã cùng mình chịu đựng no đói một năm qua. Để lại loay hoay nghĩ, phải làm gì để lo cho cái nụ cười và sự háo hức con trẻ kia được tròn trịa.
Những lẩn thẩn đó khiến tôi nhớ ra Tết có nhiều mùi lắm. Mùi của bụi bặm, bồ hóng, mạng nhện tích trữ cả năm trên các góc nhà, góc bếp giờ đang được anh trai dùng chổi lông gà khua cho sạch sẽ. Là mùi của vôi ve chua chua, nồng nồng đang được bố khuấy ở ngoài sân, cái màu xanh trời mát mắt luôn được bố lựa chọn để trang hoàng lại các bức tường nhà cho năm mới, đường kẻ chỉ màu nâu đất thì hòa hợp với màu đất đỏ bazan nơi đây. Đám con nít cứ túm áo nhau mà rồng rắn chạy từ nhà này qua nhà khác để hít hà, để so sánh mùi Tết của từng nhà.
Và sẽ là thiếu sót nếu không kể đến mùi của quần áo mới hòa với mùi hăng hắc của những viên băng phiến trắng tinh được ủ kỹ trong lớp lớp quần áo, thêm vài lớp giấy báo cho khỏi ẩm. Lúc cái rương gỗ nặng nề được cất kỹ trong căn buồng của mẹ được cẩn thận mở ra, các con hau háu nhìn vào đã nhảy mũi hắt xì, đó đúng là một chiếc rương đựng kho báu như tưởng tượng. Bởi nó chứa trong đó những bộ đồ mới.
Bộ đồ mới thường sẽ là quần xanh áo trắng để cho con có thể mặc Tết, sau đó có thể mặc đi học. Đám con nhảy cẫng lên vì mừng rỡ, cứ ôm lấy cái bộ quần áo hăng xì mùi băng phiến mà hít hà, mà khen lấy khen để như chưa từng có mùi hương nào có thể thơm đến vậy. Mừng rỡ cũng đúng thôi, vì nhà có tới năm anh chị em, may cho cả năm đứa là cả một gánh nặng với bố mẹ chứ có ít đâu.
Thế nên, nếu để ý kỹ hơn thì sẽ thấy chỉ có bộ quần áo dành cho hai anh chị lớn là những bộ đồ còn vương lại vạch phấn kẻ, còn đồ của ba đứa em, mặc dù đã được sửa lại, ủi lại vẫn còn vài vệt ố. Nhưng mặc kệ tất cả, năm anh chị em vẫn vui vẻ nhảy nhót, vì cả năm bộ đồ đều được lấy trong rương ra, đều có mùi băng phiến thơm như nhau là được rồi.
Mà bộ đồ mặc Tết có vừa vặn gì cho cam, bộ nào bộ nấy đều rộng thùng thình như may cho đứa lớn hơn mình đến cả ba bốn tuổi, cái này gọi là may chừa hao, sợ cái đứa được mặc bộ đồ mới ấy sẽ đột ngột nhổ giò mà lớn nhanh để chật mất bộ đồ. Thế nên đứa nào đứa nấy đều phải quần xắn lên ba vòng, áo dài đến đầu gối như áo thầy cúng ấy mà bố mẹ thì cứ tíu tít khen đẹp quá, vừa quá, đành cứ phải đóng thùng vào là vừa tất. Đến cả đôi dép đeo còn thừa ra đến gần nửa dép, đeo vào cứ như dép của ai mà đứa nào đứa nấy đều hớn hở chạy ra chạy vào để cho mọi người ngắm nghía và cũng để tự mình thỏa mãn.
Đến bây giờ, giật mình nhớ ra, đã lâu lắm rồi tôi không còn được ngửi cái mùi Tết thần kỳ và thân thiện đến vậy. Mùi mới của những bộ đồ mua sẵn không khiến đám con nít nhảy cẫng lên nữa, mùi thơm tổng hợp ngọt ngào và bắt mắt của đủ thứ bánh kẹo xa xỉ cũng không khiến tôi thèm thuồng như những ngày thơ dại. Ký ức của tôi lưu giữ lại một mùi hương của nếp gấp vải thẳng thớm thơm tho, hòa cùng mùi băng phiến, mùi của cái rương gỗ cũ kỹ, mùi của sự chờ đợi, sự hạnh phúc về một cái Tết đầm ấm đã ở tận sâu trong tâm trí, để thành một mùi hương của sự nhung nhớ.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mui-tet-post306337.html