Mừng 'Cụ Thiêng' reo
Khi ngọn gió đông về, tôi lại soạn bút giấy ra ký họa một con giáp để treo vào dịp Tết. XUÂN CANH TÝ 2020 là con chữ mà tôi sẽ tạo hình trong bức ký họa lần này, một thử thách mới rất thú vị cho tôi, mặc dù tôi đã quen việc ký họa con giáp theo kiểu lạ kỳ này.
9 con giáp của 9 năm về trước chưa làm khó tôi, nhưng để ký họa con giáp họ nhà chuột có nhiều kỷ niệm đối với tôi có vẻ khó lắm đây, cho nên tôi sẽ không bỏ cuộc và vẽ cho bằng được con giáp Xuân Canh Tý - 2020 thật hiền hòa và đẹp.
Cả nhà tôi và hầu hết cả làng Chùa của tôi đều gọi loài chuột bằng cái tên gần gũi và tôn kính là “Cụ Thiêng”.
"Cụ Thiêng" qua thư họa Lê Đàn
Mẹ kể, những năm mới về khai hoang lập làng ở vùng đất mới - “Trồng khoai đất lạ/ Cấy mạ đất quen”, đất mới khai hoang chia cho mỗi nhà được năm bảy sào ruộng và ít đất trồng khoai sắn rau màu. Bởi đất hoang từ bao đời mới khai phá cho nên chưa thuần thục, vì vậy mùa lúa đầu tiên thu hoạch kém; thêm vào đó, mùa màng bị họ nhà chuột từ đâu tới rất nhanh phá hoại. Người ta nói đúng, nơi nào có con người, nơi đó có chuột xuất hiện.
Mẹ và một số bà con nghèo nằm trong diện thất thu mùa màng, bí quá lập thành một nhóm gọi là “con mót”, tức là người đi mót lúa, mót khoai hay mót sắn (mót có nghĩa là bòn mót). Cả nhóm kéo nhau vào mấy cánh đồng làng lân cận để mót lúa, nơi đó là vùng đất trù phú từ lâu đời. Nhóm mẹ tôi đi phía sau những người cắt lúa, chờ cho họ gặt xong miếng ruộng nào thì mình tới đó để thu lượm những nhành lúa còn sót lại. Những người cắt lúa đã hiểu và quen với cảnh này, đây là một nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn tương thân tương ái của người nông dân Việt, họ biết chia sẻ với những người đi mót lúa đang thiếu cái ăn cho nên họ cố tình bỏ sót chút ít nhành lúa để cho nhóm “con mót” đi sau lưng họ có chút gì để thu lượm bỏ vô cái bị bằng vải mang trên vai mỗi người. Ở những nơi thu hoạch khoai, sắn và các loại nông sản khác cũng vậy, họ cũng cố tình để sót lại một số củ quả cho “con mót”, cho chim chóc và cho các “Cụ Thiêng” có cái mà bòn mót kiếm ăn.
Đến giờ nghỉ giải lao, mẹ lại gần làm quen bắt chuyện với một cô trong số bạn đi cắt lúa của làng này. Mẹ hỏi cô ấy kinh nghiệm làm thế nào ngăn ngừa được nạn chuột phá hoại mùa nàng. Cô ấy vui vẻ chia sẻ, trước đây cánh đồng lúa của họ cũng bị chuột phá hoại nhiều, nhưng làng họ hầu hết bà con là Phật tử đã quy y cho nên không sát sanh và họ được thầy trụ trì chỉ cho một cách rất dễ làm mà không có phạm giới sát. Cô ấy đã nhiệt tình chỉ vẽ cặn kẽ cho mẹ cái cách mà thầy đã chỉ dẫn để mẹ về thực hành thử trên đám ruộng của mẹ và bà con trong nhóm của mẹ.
Mẹ mừng lắm! Mùa lúa năm sau, đúng thời điểm lúa sắp thu hoạch, lúc bà con họ nhà chuột chuẩn bị kéo nhau ra vừa ăn lúa vừa phá mùa màng, là mẹ cùng bà con thắp hương tất cả các góc ruộng, nơi miệng hang của gia đình chuột, rồi thiết bàn lễ đơn sơ trên đám ruộng của từng gia đình gồm chén nước trong, hương hoa và nải chuối, gọi là lễ bạc lòng thành khấn xin, gọi loài chuột là “Cụ Thiêng” một cách tôn kính. Khấn như nói chuyện nhẹ nhàng với bậc bề trên rằng xin các cụ hãy cứ dùng các thứ nông sản ngoài ruộng vườn chút ít thôi, đừng làm tổn hại nhiều. Sau lời khấn, mẹ và bà con đi kinh hành quanh đám ruộng nhà mình, vừa đi vừa niệm danh hiệu Phật A Di Đà là câu niệm nghe hay nhất và trì chú Đại bi là bài chú nghe êm ái nhất.
Các Cụ Thiêng ở trong hang như đã nghe được hết thảy, các cụ cảm ứng được công khó của bà con nông dân làm ra hột lúa củ khoai cũng phải một nắng hai sương lo toan cực nhọc, các cụ vì không kềm chế lòng tham ăn và sân hận cho nên đã phạm sai lầm mùa lúa trước; để xứng đáng với cái tên “Cụ Thiêng” mà bà con trong làng đã đặt cho, hy vọng các cụ sẽ không phạm sai lầm nữa.
Thật vi diệu! Các Cụ Thiêng đã nghe và thấu hiểu. Những mùa sau, ruộng vườn của mẹ và bà con thật an toàn. Chúng tôi gặt lúa cũng phải nhớ ơn các cụ, chúng tôi cố tình bỏ sót lại một ít lúa để chia sẻ phần ăn của mình cho các Cụ Thiêng và chim muông.
Với nhà khác thì sao, tôi không biết, nhưng với nhà tôi thì luôn gọi Cụ Thiêng một cách tôn kính như ngày nào. Đêm nào nhà tôi hễ có tiếng Cụ Thiêng reo là đúng y ngày mai có tin vui như được tặng quà hoặc là thi đậu… Cụ thiêng lắm, vì cụ dự báo trước tin vui. Tôi vẫn rất tin “Cụ Thiêng reo” dự báo tin vui ngày mai, dù ngày mai thực sự không có tin gì vui cả, dự báo sai nhưng tiếng reo vui của cụ cũng đủ giúp cho tâm chúng tôi một ngày mai bình an.
Viết xong câu chuyện của Cụ Thiêng, tôi thấy lòng tôi rộn ràng một nỗi vui. Và vui hơn nữa là tôi cũng đã hoàn thành bức ký họa XUÂN CANH TÝ - 2020 để treo ở phòng khách chào mừng xuân mới Canh Tý sắp về.
Xuân Canh Tý, chúc bà con vạn sự như ý!
Lê Đàn
(Báo Giác Ngộ Xuân Canh)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhocnghethuat/2020/01/23/364298/