'Mười bông hoa thép' trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng

Những ngày tháng 7 tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi có dịp trở lại địa danh Lam Hạ (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), nơi có Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tỉnh Hà Nam và 10 liệt nữ Lam Hạ. Đến nơi đây, chúng ta như được nhắc nhớ những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt của những năm tháng rực lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của nhân dân ta.

Hình ảnh 10 nữ dân quân Lam Hạ đang được lưu giữ tại đền thờ.

Hình ảnh 10 nữ dân quân Lam Hạ đang được lưu giữ tại đền thờ.

Để bảo vệ Thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ khi ấy được thành lập, gồm 87 người, là những thiếu nữ dân quân đã không sợ gian khó, không sợ hy sinh, chiến đấu kiên cường, chống trả quyết liệt với giặc trời “thần sấm”, “con ma”, góp phần bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc.

Trong những ngày đầu cuộc chiến, các nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của 2 thôn Đình Tràng và Đường Ấm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo. Các chị đã làm nên huyền thoại về “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”. Các chị là những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đánh giặc trên không với hành động đối mặt nhằm thẳng quân thù mà bắn. Chiến thắng và sự hy sinh của 10 cô gái dân quân pháo phòng không Lam Hạ là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường sẵn sàng hy sinh, vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì quê hương, đất nước.

Trận địa pháo phòng không Lam Hạ.

Trận địa pháo phòng không Lam Hạ.

Tại trận địa pháo Lam Hạ, 10 nữ dân quân thuộc Trung đội nữ, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại xót thương và tự hào cho đồng đội, đồng bào cả nước. Cho đến tận bây giờ, lịch sử vẫn ghi rõ sự hy sinh anh dũng huyền thoại của hai chị em ruột Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi trong trận bom ngày 1/10/1966. Hai chị em, một trận địa, hy sinh một ngày.

Khi tiếng còi báo động vang lên, hai chị lao ra bến, xuống đò sang trận địa để kịp vào đội hình chiến đấu mà chưa kịp lót lòng bởi bắp ngô mà mẹ dúi vội. Nữ dân quân Nguyễn Thị Thu đã hy sinh ngay vị trí chiến đấu trên mâm pháo. Người em gái – Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Thi cũng ngã xuống khi chưa tròn 16 tuổi. Chị ra đi, chưa có kịp một tấm hình. 10 nữ dân quân ấy, sống cùng chung đại đội, chết kiên cường, anh dũng, tất cả đã không kịp bước chân về ngày toàn thắng nhưng máu của họ hòa tan vào đất trời, viết nên một huyền tích anh hùng về lịch sử của Lam Hạ.

Danh sách liệt sĩ 10 cô gái Lam Hạ.

Danh sách liệt sĩ 10 cô gái Lam Hạ.

Địa danh lịch sử Lam Hạ từ đó đã trở thành bất tử. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bởi tầm quan trọng chiến lược của nơi kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch như đường sắt bắc-nam, đường bộ Quốc lộ 1A, đường thủy sông Châu, sông Đáy… từ hậu phương lớn miền bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền nam, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ địch.

Mảnh đất nơi ngã ba sông này đã được mệnh danh là vùng “tam giác lửa”. Bất chấp bom đạn hủy diệt, quân và dân ta vẫn bám trụ kiên cường với ý chí sắt đá “Lấy máu mình để bảo vệ Tổ quốc”. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông vận tải, dân quân tự vệ đã mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này. Trong đó, đặc biệt là chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ dân quân Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ. Các anh, các chị đã hiến dâng cả tuổi trẻ và cuộc sống của mình để giữ con đường chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường, vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc.

Sự hy sinh của các anh các chị đã làm nên một Lam Hạ bất tử, và mười bông hoa thép mãi mãi tỏa sáng một huyền thoại về ý chí bất khuất kiên cường chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược trong thế kỷ XX.

Được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan Trung ương đối với những cống hiến, hy sinh của quân dân tỉnh Hà Nam nói chung, Trận địa pháo phòng không Lam Hạ nói riêng. Đúng vào dịp 50 năm Ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ (10/2016), di tích Trận địa pháo phòng không Lam Hạ được Nhà nước trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Quê hương Lam Hạ mãi mãi là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường lưu truyền qua các thế hệ. Chiến thắng Lam Hạ thực sự là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và di tích Lam Hạ là nơi linh thiêng thể hiện tinh thần bất diệt đó.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ toàn tỉnh và đền thờ 10 liệt nữ, nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ toàn tỉnh và đền thờ 10 liệt nữ, nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích một cách có hiệu quả, năm 2009 tỉnh Hà Nam đã Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu di tích văn hóa tâm linh: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ toàn tỉnh và đền thờ 10 liệt nữ, nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây sẽ mãi là điểm du lịch lịch sử và tâm linh để đồng bào cả nước và khách du lịch tới thăm, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian đã chứng kiến biết bao sự kiện và đổi thay trên mảnh đất Hà Nam anh hùng. Giờ đây, cuộc sống đã hồi sinh trên chiến trường ác liệt năm xưa, vùng quê Lam Hạ nay đã được tỉnh Hà Nam quan tâm đầu tư xây dựng trở thành một trong những phường đang trên đà phát triển của thành phố Phủ Lý.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/muoi-bong-hoa-thep-tren-vung-dat-lam-ha-anh-hung-post819962.html