Muốn ăn gắp bỏ cho người

Độc giả Đặng Nguyễn Triết hỏi: 'Trên trang 'Tiếng Việt giàu đẹp' đăng bài 'Tổng hợp các thành ngữ tục ngữ bắt đầu bằng từ muốn' (3/11/2023). Sau khi đọc bài này, nhiều câu tôi ngờ ngợ về cách giải thích vì thấy không giống như những gì tôi nghe người ta vận dụng trong thực tế. Ví dụ câu 'Muốn ăn gắp bỏ cho người', tác giả giải thích là 'muốn được ưu ái, thiên vị mà không xứng đáng; là yêu cầu, đòi hỏi điều gì đó mà không xứng đáng hoặc không thực tế'.

Ban đâu tôi nghĩ có chuyện lầm lẫn gì đó, nhưng không phải, vì chính tác giả bài viết đã đưa ra một ví dụ rất rõ ràng là “Cậu ta luôn mong muốn được sếp tăng lương mà không cần làm việc chăm chỉ. Muốn ăn gắp bỏ cho người”.

Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết ý kiến về bài viết “Tổng hợp các thành ngữ tục ngữ bắt đầu bằng từ muốn” mà tôi xin gửi kèm theo đây, đặc biệt là câu “Muốn ăn gắp bỏ cho người”.

Trân trọng cảm ơn”.

Trả lời: Chúng tôi đã đọc lướt bài “Tổng hợp các thành ngữ tục ngữ bắt đầu bằng từ muốn”, và thấy đúng như độc giả Đặng Nguyễn Triết nhận xét. Bài viết có nhiều câu tác giả giải thích chưa chính xác. Tuy nhiên do khuôn khổ bài viết có hạn, nên trước tiên chúng tôi xin đề cập đến trường hợp cụ thể câu “Muốn ăn gắp bỏ cho người”.

Trước hết, về nghĩa đen. Xưa xia đời sống kinh tế khó khăn, lương thực, thực phẩm quanh năm đều thiếu thốn, khan hiếm, chuyện ăn uống lẽ ra phải theo lẽ tự nhiên, nhưng lại trở thành phép xã giao và ứng xử quan trọng trong bữa ăn, bởi “Miếng ăn là miếng nhục”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Với bữa cơm gia đình thì không sao, nhưng khi đi ăn cỗ, người ta thường “làm khách”, “nhìn nhau”, rất giữ gìn ý tứ trong ăn uống. Thông thường thì để “động đũa”, thì người ta không gắp ăn một cách tự nhiên, mà bắt đầu bằng cách gắp cho người bên cạnh, hoặc gắp khắp một lượt cho người cùng mâm, rồi cuối cùng mới gắp cho mình một miếng. Cũng có khi, người này gắp cho người bên cạnh một miếng, rồi gác đũa, sau đó người bên cạnh sẽ gắp “đáp lại”, thế là cả đôi bên đều không bị mang tiếng. Cử chỉ này “phá vỡ” đi không khí khách sáo, ý tứ “nhìn nhau”. Trong thực tế, đây cũng là một cách chia đều “khẩu phần” cho từng quan khách.

Từ thực tế trên đây, dân gian đặt nên câu tục ngữ “Muốn ăn gắp bỏ cho người” với nghĩa bóng: Bản thân mình rất mong muốn, nhưng không dám trực tiếp làm, hoặc không dám nói ra, nên tìm cách gán ghép, hoặc làm trước cho người khác, để họ đáp lại, hoặc sau đó tự mình sẽ làm cho chính mình mà không còn e ngại nữa. Việc “gắp bỏ cho người” này thực tế không phải là vì người, mà là vì mình (hàm ý mỉa mai = muốn ăn nên mới gắp bỏ cho người). Tuy nhiên, câu này có khi cũng được dùng giống như một lời khuyên, đưa ra cách giải quyết một vấn đề mà bản thân ai đó đang còn e ngại, bế tắc, chưa biết mở đầu bằng cách nào (Muốn ăn thì hãy bắt đầu bằng cách gắp bỏ cho người).

Ngày nay, lương thực, thực phẩm không còn thiếu thốn như xưa. Trong mâm cỗ người ta không còn phải nhìn trước ngó sau, ý tứ giữ gìn khi dùng món như trước kia. Tuy nhiên, trong thực tế thì thói quen “muốn ăn gắp bỏ cho người” vẫn còn hiện diện trong không ít các mâm cỗ khách, và trở thành chuyện phiền hà, bởi có khi người được “gắp bỏ” phải bối rối “gắp bỏ ra”, vì món ăn không hợp sở thích, hoặc đã quá ngán.

Như vậy, đúng như độc giả Đặng Nguyễn Triết đã nhận xét, cách giải thích câu “Muốn ăn gắp bỏ cho người” của Tiếng Việt giàu đẹp là “muốn được ưu ái, thiên vị mà không xứng đáng; là yêu cầu, đòi hỏi điều gì đó mà không xứng đáng hoặc không thực tế”, hoàn toàn xa lạ, không đúng với thực tế nghĩa đen cũng như là thực tế hành chức của câu tục ngữ.

Về phần bài viết “Tổng hợp các thành ngữ tục ngữ bắt đầu bằng từ muốn”, chúng tôi xin đề cập đến trong một dịp khác.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/muon-an-gap-bo-cho-nguoi-33229.htm