Muốn bỏ thuốc lá cần áp dụng nhiều giải pháp lâu dài

Khi hút thuốc lá dễ dẫn đến lệ thuộc nicotine, khi bỏ gây ra những tình trạng như bứt rứt, mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để phòng, chống tác hại thuốc lá như giáo dục từ nhỏ, ngăn tiếp cận mới, chấp nhận giải pháp giảm tác hại...

Mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Thuốc lá khó cai, tái nghiện cao

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên toàn cầu. 1 triệu người trong số đó hút thuốc lá thụ động (hình thức hít phải khói thuốc lá từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá).

Ths. Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Y tế Dự phòng (Cục Y tế GTVT) cho hay: “Vấn đề chung của những người hút thuốc lá là rất khó hay thậm chí không thể cai, tỷ lệ tái nghiện cao, kể cả khi họ mắc bệnh lý liên quan thuốc lá.

Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ lệ cai thành công chỉ 15 - 20%; nước Mỹ, châu Âu thậm chí chỉ 9 - 10%. Dù vậy, theo khảo sát ở Việt Nam, có 90% người hút thuốc lá biết rõ tác hại nhưng không thể cai, 50% người tái nghiện trong vòng 6 tháng. Có những người cai thuốc 5 - 10 lần mà không bỏ được”.

Theo bà Thu, thuốc lá có thể nóng lên tới 800 độ C và thải ra hơn 4.000 chất độc, trong đó có nicotine gây ảnh hưởng tim mạch.

Hút thuốc nhiều năm khiến nồng độ nicotine cao trong máu dẫn đến việc mọi người nhớ cảm giác hút thuốc. Ban đầu chỉ là thú vui, lâu dần thành phản xạ có điều kiện.

“Việc khó cai là do họ nghiện nicotine và thói quen hút thuốc. Bản thân cơ thể đã có nicotine - một chất dẫn truyền thần kinh. Khi hút thuốc lá dễ dẫn đến lệ thuộc nicotine, khi bỏ gây ra những tình trạng như bứt rứt, mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung”, Trưởng phòng Y tế Dự phòng nói.

Ngoài ra, việc khó bỏ thuốc lá còn do nghiện động tác hút thuốc. “Một người hút thuốc đều đặn mỗi ngày sẽ có sự liên kết động tác hút thuốc lá với thói quen trong não.

Dần dần, thói quen trở thành phản xạ có điều kiện và xảy ra suốt ngày. Não bộ đã ghi nhớ hành động hút thuốc lá nên việc bỏ thuốc lá rất gian nan”, bà Thu lý giải.

Tiến sỹ Raymond Seidler, Viện Nghiên cứu GP tại Sydney cho biết, những người nghiện thuốc lá sẽ khó cai hơn những người nghiện heroin.

Theo ông Raymond Seidler, ít ai biết rằng nghiện nicotine sẽ tác động gây nghiện mạnh hơn rất nhiều so với nghiện heroin.

Đã từng hơn 40 năm nghiên cứu về các chất gây nghiện, Tiến sỹ Seidler cho rằng, ông hiểu rõ sự gian nan đối với những người quyết định cai thuốc lá.

Rất nhiều người trong số họ đã tái nghiện sau những lần tự cai và chỉ khi được sự giúp đỡ của các chuyên gia, tình hình mới được cải thiện phần nào.

Nếu không bỏ thuốc lá hoàn toàn, có thể giảm dần

PGS. TS. Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam nêu quan điểm, cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm ngăn tiếp cận thuốc lá dưới mọi hình thức, giảm số người đã hút và ngăn ngừa sự tái hút sau khi cai.

Cần phòng ngừa bạn trẻ hút thuốc bằng cách đưa việc phòng chống thuốc lá vào trong trường học, kể cả mẫu giáo.

Lứa tuổi mẫu giáo các em có ý thức rất cao, ghi nhớ lời thầy cô nói và cũng có ảnh hưởng lớn với cha mẹ. Về nhà, các cháu có thể khuyên các thành viên gia đình bỏ thuốc lá.

“Việc ngăn chặn những người mới hút thuốc lá chiếm 50% thành công trong chiến lược này. Nghĩ tới tương lai, những em bé đó 17 - 18 tuổi, ý thức mối nguy hiểm sẽ tránh được việc hút thuốc”, ông Ngọc chia sẻ và cho rằng, bên cạnh đó, quyết tâm của người hút thuốc rất quan trọng trong việc bỏ thuốc lá.

Theo Cục Y tế GTVT, chiến dịch phòng, chống tác hại thuốc lá được Bộ Y tế nỗ lực thực hiện nhiều năm qua, trong đó có việc cấm thuốc lá trong phòng học, bệnh viện nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động.

Phổi của phụ nữ, trẻ em rất nhạy cảm với thuốc lá, khi hút thụ động, các chất gây ung thư trong khói phả ra không qua đầu lọc nên tỷ lệ nhiễm cao hơn việc hút chủ động.

“Cai nghiện tuy rất khó nhưng phải làm thường xuyên, những người đã nghiện phải được tư vấn và gửi đến trung tâm đầu tư bài bản, có chuyên viên chuyên nghiệp hỗ trợ cai thuốc lá. Hiện nay, 50% người đã cai tái nghiện vì sau khi bỏ thuốc không được quản lý, tiếp xúc nhiều rủi ro xung quanh. Vì vậy cần đầu tư nhân lực, kinh phí, đôn đốc theo dõi để quá trình cai nghiện thuốc lá thành công”, lãnh đạo Cục Y tế GTVT đề nghị.

Ngăn người trẻ tiếp cận thuốc lá

Thống kê cho thấy, tỷ lệ bỏ thuốc lá ở Mỹ là 8%. Còn theo WHO, tỷ lệ người hút thuốc giảm từ 42,6% xuống 13,7% nhờ ngăn chặn người trẻ, người mới hút thuốc, chứ không phải là những người đang hút thuốc bỏ thuốc.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/muon-bo-thuoc-la-can-ap-dung-nhieu-giai-phap-lau-dai-d532599.html