Muốn dạy cho Houthi 'một bài học đắt giá', Mỹ vẫn phải 'rén' vì điều này

Những ngày qua Biển Đỏ lại 'đỏ lửa' khi xung đột giữa liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu với lực lượng Houthi đang có nguy cơ leo thang vượt tầm kiểm soát.

Mỹ lập liên minh tuần tra hàng hải ở Biển Đỏ để ngăn chặn Houthi tấn công tàu thương mại, vận tải hàng hóa. (Nguồn: AFP)

Mỹ lập liên minh tuần tra hàng hải ở Biển Đỏ để ngăn chặn Houthi tấn công tàu thương mại, vận tải hàng hóa. (Nguồn: AFP)

Trong khi Israel tiếp tục các hoạt động quân sự ở Gaza thì Mỹ đang chỉ đạo một chiến dịch lớn ở Biển Đỏ, các tàu chiến Mỹ đang duy trì sự hiện diện liên tục để bảo vệ các tuyến vận tải.

Mỹ đang dẫn đầu một liên minh quân sự quốc tế ở Biển Đỏ và Eo biển Bab al-Mandab, nơi các tàu chở dầu và tàu thương mại trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen. Hành động can thiệp quân sự do Mỹ đứng đầu này đã đưa Washington vào cuộc xung đột trực tiếp với phiến quân Houthi - lực lượng khẳng định sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự ở Gaza.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, hoạt động này bảo vệ một trong những tuyến đường thương mại lớn của thế giới ở Biển Đỏ và Eo biển Bab al-Mandab.

Tuyến hàng hải chiến lược

Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã đóng vai trò trung tâm ở Biển Đỏ, tuyến hàng hải lớn giữa Đông Bắc châu Phi và bán đảo Arab, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực.

Vào tháng 4/2022, quân đội Mỹ giám sát việc thành lập Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp 153, một lực lượng hải quân đa quốc gia có nhiệm vụ tuần tra Biển Đỏ, Eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden. Khi đó, Phó Đô đốc Brad Cooper, Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Trung Đông, giải thích: “Như mọi người đều có thể đánh giá, những vùng biển đó rất quan trọng đối với dòng chảy thương mại tự do trên toàn khu vực”.

Biển Đỏ là tuyến vận tải quan trọng, chiếm gần 15% tổng thương mại đường biển. Tuyến vận tải này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại Á-Âu, cho phép các tàu thương mại tiết kiệm thời gian bằng cách đi qua Trung Đông, thay vì đi vòng quanh châu Phi. Biển Đỏ cũng là tuyến vận chuyển chính dầu mỏ và khí tự nhiên của thế giới. Một lượng lớn dầu mỏ từ Iraq, Saudi Arabia và các quốc gia khác ở Vịnh Ba Tư được vận chuyển qua Biển Đỏ đến các thị trường ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Nhìn chung, Biển Đỏ chiếm 8% thương mại toàn cầu về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và chiếm 12% thương mại dầu mỏ bằng đường biển.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/1, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nêu rõ: “Biển Đỏ là tuyến đường thủy quan trọng. Một lượng lớn thương mại toàn cầu đi qua Biển Đỏ".

Giới chức Mỹ đặc biệt quan tâm tới Eo biển Bab al-Mandab nằm ở đoạn cuối phía Nam của Biển Đỏ. Eo biển này chỉ rộng 28,9 km tại điểm hẹp nhất, eo biển này tạo thành một nút cổ chai phức tạp, buộc các tàu thương mại phải đi vào các tuyến đường vận tải chật hẹp.

Tính đến đầu năm 2023, ước tính có khoảng 8,8 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Eo biển Bab al-Mandab mỗi ngày, khiến nơi đây trở thành một trong những nút cổ chai quan trọng nhất thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý: “Eo biển Bab al-Mandab là tuyến đường chiến lược cho các chuyến hàng chở dầu và khí thiên nhiên”.

Theo sáng kiến "Người bảo vệ thịnh vượng", Mỹ đang làm việc với các đối tác trong liên minh để thiết lập cái mà các quan chức Mỹ gọi là “sự hiện diện liên tục” ở phía Nam Biển Đỏ.

Trong khuôn khổ chiến dịch, các tàu chiến của Pháp, Anh và Mỹ sẽ được bố trí khắp phía Nam Biển Đỏ. Lực lượng này đã được tăng cường bởi nhóm tác chiến tàu sân bay Eisenhower, nằm ở Vịnh Aden.

Hiện tại, liên minh quân sự do Mỹ điều phối đã có xung đột lực lượng Houthi, và trong cuộc đụng độ ngày 31/12, lực lượng Mỹ đã đánh chìm 3 thuyền nhỏ của Houthi, khiến 10 phiến quân thiệt mạng.

Những tính toán thận trọng

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ xung đột với lực lượng Houthi. Trong nhiều năm, Mỹ đã hỗ trợ Saudi Arabia ở Yemen chống lại phiến quân Houthi.

Sự can thiệp quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, khiến hơn 377.000 người thiệt mạng. Một thỏa thuận đình chiến tạm thời bắt đầu vào tháng 4/2022 đã giúp giảm bớt tình trạng thù địch, nhưng xung đột chưa bao giờ kết thúc, và gây lo ngại rằng nó có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Trong suốt chiến dịch quân sự của Saudi Arabia ở Yemen và chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, Mỹ là cường quốc có sự can dự chính.

Khi một số công ty lớn bắt đầu tạm dừng hoạt động ở Biển Đỏ, một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ đã kêu gọi hành động quân sự mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Mỹ đã từng có hành động trực tiếp chống lại lực lượng Houthi vào tháng 10/2016 khi một tàu chiến của Mỹ bắn tên lửa hành trình vào các trạm radar ở Yemen.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn thận trọng về việc trực tiếp đối đầu với lực lượng Houthi. Cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn quyết định không tấn công các mục tiêu của Houthi, ngay cả sau khi các lựa chọn quân sự được đưa ra.

Mối lo ngại lớn nhất của Washington là bất kỳ hình thức leo thang nào với lực lượng Houthi đều có thể khơi lại cuộc chiến ở Yemen.

Một mối lo ngại lớn khác là khi Mỹ càng lún sâu sẽ tạo ra những phiền toái hơn nữa cho Mỹ và các đồng minh. Nếu Mỹ tấn công Houthi, thì Houthi có thể đáp trả bằng cách đưa xung đột đến các khu vực ngoài Biển Đỏ, chẳng hạn như Israel. Hiện tại, Houthi đã phóng máy bay không người lái (drone) và tên lửa về phía Israel.

Các quan chức Mỹ còn lo ngại về tác động của xung đột với Houthi đến mức họ không cáo buộc lực lượng này tấn công Mỹ, ngay cả khi Houthi đã nhiều lần phóng drone và tên lửa về phía tàu chiến Mỹ. Các thành viên khác của liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo hiện tại cũng có những lo ngại tương tự, một số thậm chí còn từ chối tiết lộ sự tham gia của họ trong liên minh quân sự do Mỹ đi đầu.

(theo Eurasia Review)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muon-day-cho-houthi-mot-bai-hoc-dat-gia-my-van-phai-ren-vi-dieu-nay-258029.html