Muốn đi xa phải cùng nhau đi

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ tạo sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều hơn, nhiều nông dân đã tự tìm đến công nghệ để kết nối và cùng nhau đi xa.

Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ trang trại chăn nuôi. Ảnh: BNEWS

Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ trang trại chăn nuôi. Ảnh: BNEWS

Ứng dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Không chỉ tạo sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều hơn, nhiều nông dân đã tự tìm đến công nghệ để kết nối và cùng nhau đi xa.

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi gà công nghiệp, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà duy nhất trên cả nước để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Không phải là đi “gom” các hộ chăn nuôi lại thành một cụm mà ông Lê Văn Quyết đã tổ chức chăn nuôi theo quy trình, chuỗi sản xuất chung từ giống gà, thức ăn, thuốc đến đầu ra là khâu giết mổ, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ.

Ông Lê Văn Quyết chia sẻ, một hộ nông dân cho dù có tiềm lực kinh tế mạnh và quy mô chuồng trại lớn đến đâu chăng nữa cũng không thể xuất ra thị trường trung bình 25.000 con gà đảm bảo các tiêu chuẩn mỗi ngày. Nhưng nếu liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau, liên kết người chăn nuôi với đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y, tiêu thụ thì hoàn toàn được.

Là “đầu tàu” trong chuỗi liên sản xuất 5 triệu con gà/lứa, cao điểm có ngày xuất chuồng đến 40.000 con, hợp tác xã đã chủ động lên lịch thả gà giống cho từng trại. Mỗi trại gà được lên lịch với những thông số riêng về thời điểm thả gà, ngày nhận thức ăn chăn nuôi, kiểm tra chất lượng, sát trùng chuồng trại, xuất chuồng...

Lịch trình từng công đoạn, từng lứa gà được lên trước cả năm và gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện. Chủ trang trại không phải đau đầu tính toán chuyện mua giống ở đâu, vận chuyển ra sao, mua thức ăn hiệu gì, bán gà cho ai, giá cả bao nhiêu hay thời điểm gà xuất chuồng thế nào.

Điều đặc biệt là tất cả các công việc trên đã được ông Lê Văn Quyết đưa vào một phần mềm ứng dụng riêng của hợp tác xã. Đội ngũ kế toán của hợp tác xã có thể làm việc mọi nơi và cập nhật hàng giờ hoạt động sản xuất ở các trại. Do đó, ngay sau khi nhập số liệu xuất chuồng là hệ thống đã báo ngay kết quả sản xuất.

“Dù đi công tác trong nước hay nước ngoài, tôi vẫn điều hành, theo dõi đàn vật nuôi, việc nhập xuất chuồng mọi thời điểm cụ thể”, ông Lê Văn Quyết chia sẻ.

Xác định “muốn đi xa phải cùng nhau đi”, ông Lê Văn Quyết đã liên kết chăn nuôi gà không chỉ ở Đồng Nai mà còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, hợp tác xã đã có 17 thành viên trực tiếp sản xuất, 7 thành viên liên kết chủ yếu là các doanh nghiệp; trong đó có công ty Koyu & Unitek để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Dù mới ra đời hơn 5 năm nhưng ông Lê Văn Quyết rất tự hào rằng Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có các trang trại đều thuộc tốp đầu của các tỉnh về ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong chăn nuôi.

Nhờ áp dụng công nghệ nên việc kiểm soát quá trình nuôi từ con giống, thức ăn, quản lý chăm sóc cho đến khi xuất bán rất chặt chẽ. Trong quá trình nuôi còn thường xuyên lấy mẫu gà sống phân tích và kiểm tra chất lượng thịt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng.

Anh Hoàng hướng dẫn sử dụng ứng dụng AutoGri. Ảnh: BNEWS

Anh Hoàng hướng dẫn sử dụng ứng dụng AutoGri. Ảnh: BNEWS

Không giống như ông Lê Văn Quyết, anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước theo đuổi con đường làm nông nghiệp khoảng 5 năm, sau khi trở về từ nước Pháp. Về quê hương, anh đã đưa kiến thức tự động hóa học được ở xứ người vào áp dụng để tạo nên một nông trại thông minh.

Trang trại có tổng diện tích 50 ha; trong đó 30 ha cao su, 12 ha bơ và 8 ha hồ tiêu. Bơ và hồ tiêu được trồng theo hướng hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây, theo dõi từ xa nhờ áp dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT).

Thông qua ứng dụng kết nối Internet, tất cả dữ liệu về độ ẩm của đất, ánh sáng, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng cây trồng được thu thập qua cảm biến. Những dữ liệu này được gửi đến máy tính hoặc điện thoại để các thuật toán phân tích. Nếu thông số báo về độ ẩm thấp, nông dân có thể chọn lệnh tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới từng gốc cây trong vườn trên ứng dụng. Sau đó tín hiệu sẽ được truyền đến van điện từ đóng mở cho phù hợp.

Do tính toán chính xác được lượng nước cũng như phân bón cần bổ sung cho cây nên các nhà nông đã tiết kiệm được 80% nước, 40% phân bón, thuốc và hàng trăm nhân công lao động so với mô hình nuôi trồng truyền thống..., anh Đặng Dương Minh Hoàng thông tin.

Không chỉ vậy, ứng dụng AutoAgri đang áp dụng số hóa từng gốc cây. Khi người tiêu dùng mua những quả bơ, họ có thể truy xuất được toàn bộ thông tin về sản phẩm đó thuộc cây nào trong vườn, từ quy trình sản xuất, thời điểm thu hoạch, quá trình vận chuyển, cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Với tính năng này, anh Hoàng đang tích hợp phần mềm với các mã số vùng trồng của ngành nông nghiệp. Khi đó, sản phẩm trong mã số vùng trồng càng được minh bạch, giúp nhà nhập khẩu thêm tin tưởng, tạo sự uy tín, thương hiệu cho nông sản Việt.

Nhận thấy chuyển đổi nông nghiệp số không thể đi một mình, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. Ngoài chia sẻ phần mềm với các thành viên hợp tác xã sử dụng, anh Hoàng còn chia sẻ miễn phí đến 1.400 hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Phước. Đến nay nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được mô hình của anh Hoàng và bước đầu có những thành công.

Anh Hoàng kiểm tra vườn cây. Ảnh: BNEWS

Anh Hoàng kiểm tra vườn cây. Ảnh: BNEWS

Chàng nông dân trẻ Đặng Dương Minh Hoàng mong muốn từ ứng dụng của mình có thể góp phần phát triển thương hiệu nông sản Bình Phước, nâng cao đời sống nông dân. Anh đang hướng tới đưa phần mềm mở rộng ra các tỉnh thành khác để có thể giúp hình thành sự liên kết vùng trong sản xuất, tối ưu quá trình logistics, kết nối người nông dân với khâu thu mua cuối cùng nhằm nâng tầm giá trị nông sản Việt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, một trong những yếu tố tạo nên nông dân chuyên nghiệp là phải đưa công nghệ số, thương mại điện tử tới nông dân mỗi ngày.

Với 3 thách thức là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới của ngành nông nghiệp cùng với xu hướng phát triển nền kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp cần phải nhanh hơn, tạo nền móng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/muon-di-xa-phai-cung-nhau-di/277822.html